VANG MÃI CA KHÚC TIẾN VỀ SÀI GÒN
ĐBP - Trưa 30/4/1975, sau lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh trên đài phát thanh của ngụy quyền Sài Gòn, tiếng nhạc hùng tráng “Tiến về Sài Gòn” của nhạc sỹ Lưu Hữu Phước vang lên như một thông điệp, thông báo tin thắng lợi đến nhân dân cả nước. Ca khúc được phát vào đúng thời khắc lịch sử của dân tộc, như một mốc son đánh dấu không thể quên, đó là thực hiện đúng ý nguyện của Bác: “Giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà…”.
|
Nữ chiến sỹ biệt động Nguyễn Thị Trung Kiên dẫn đường cho quân giải phóng tấn công Dinh độc lập và sân bay Tân Sơn Nhất.
|
Nhạc sỹ Lưu Hữu Phước được Trung ương giao nhiệm vụ sáng tác ca khúc chào đón giải phóng Sài Gòn vào dịp chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968. Ca khúc ra đời trước ngày giải phóng miền Nam 8 năm. Khi cuộc Tổng tiến công không đi đến thắng lợi cuối cùng và ca khúc khải hoàn được Nghệ sỹ Nhân dân Quang Hưng, Đoàn ca múa Tổng Cục chính trị thu băng tại miền Bắc năm 1967, nghệ sỹ Quang Hưng hát bằng 2 chất giọng Nam và Bắc. Trong thời gian chờ đợi ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ca khúc “Tiến về Sài Gòn” đã được cất lên ở nhiều nước trên thế giới: Trung Quốc, Triều Tiên, Liên Xô, Đức, Hunggari, Ba Lan, CuBa... trong các chuyến lưu diễn nước ngoài của Nghệ sỹ Nhân dân Quang Hưng, vận động cho phong trào chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. “Tiến về Sài Gòn” đã góp phần đẩy mạnh phong trào ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam.
Nhạc sỹ Lưu Hữu Phước đưa vào miền Nam 2 băng ghi âm: một băng nhạc sỹ giao cho nhóm chiến sỹ có nhiệm vụ chiếm Đài Phát thanh Sài Gòn. Trận đánh không thành, các chiến sỹ hy sinh, băng nhạc cũng mất; băng còn lại, đúng vào dịp mùa xuân 1975, tác giả lại trao cho các chiến sỹ đánh chiếm Đài Phát thanh Sài Gòn. Hơn 11 giờ trưa, ngày 30/4/1975, khi đoàn quân giải phóng ở khắp các ngả tiến về Sài Gòn thì loa phát thanh của chính quyền Sài Gòn lần đầu tiên vang lên tiếng nhạc hùng tráng bài hát “Tiến về Sài Gòn”. Người vinh dự được cất tiếng hát trong giờ phút lịch sử, thiêng liêng đó là nghệ sỹ Quang Hưng với chất giọng miền Nam.
Ca khúc “Tiến về Sài Gòn” viết ở giọng pha trưởng, nhịp 2/4, tiết tấu hành khúc, với 3 lời ca giàu hình ảnh, gợi nhớ tới những ký ức đau thương và những ý chí kiên cường của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Mở đầu bằng câu hát trầm hùng với những móc giật và nốt chấm dôi tạo thành nhịp đi vững chắc của những đoàn quân rầm rập, hối hả tiến vào giải phóng Sài Gòn:
“Nơi thành đô trong ánh điện quang tiếng hát nghẹn câu cười
Khu nhà tranh năm cánh cửa ô rên xiết đêm ngày
Quê nhà ta đau đớn lầm than đang bóp nghẹn tim người
Sài Gòn ơi! Ta đã về đây! Ta đã về đây! …
Lướt qua nắng mưa súng bom nhịp chân đi
Quê hương kêu gọi tiến lên đường diệt Mỹ...”.
Khi nghe ca khúc “Tiến về Sài Gòn” mọi người đều có cảm giác được sống vào khoảnh khắc đi vào lịch sử của dân tộc. Đây là trận chiến cuối cùng, xóa sổ chế độ ngụy quyền Sài Gòn, chấm dứt chiến tranh Việt Nam:
“Tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù
Tiến về Sài Gòn, giải phóng thành đô
Nước nhà còn chờ, trận cuối là trận này
Tiến về Sài Gòn, giải phóng thành đô…”.
Ca khúc “Tiến về Sài Gòn” như tiên đoán thắng lợi cuối cùng sẽ thuộc về chúng ta, mang nhiệm vụ chính trị, sáng tác (đón đầu) giải phóng Sài Gòn 30/4/1975. Trong bài hát còn có câu “Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù. Hướng về đồng bằng ta tiến về thành đô!”, tác giả nhắc lại nhiều lần câu “Sài Gòn ơi ta đã về đây, ta đã về đây”. Lời 2 và lời 3 là những hình ảnh miêu tả làng quê, củng cố niềm tin đến thắng lợi cuối cùng. Vào dịp kỷ niệm 30/4 hàng năm, ca khúc “Tiến về Sài Gòn” lại vang lên. Tiếng hát đã góp phần không nhỏ vào niềm vui lớn của dân tộc trong ngày đại thắng.
Tô Hợp
Nguồn: http://www.baodienbienphu.info.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/vang-m%C3%A3i-ca-kh%C3%BAc-%E2%80%9Cti%E1%BA%BFn-v%E1%BB%81-s%C3%A0i-g%C3%B2n%E2%80%9D
Video Nguồn YouTube
|