Dân Việt - Sẽ không quy định về thời hạn đối với việc đăng ký giữ quốc tịch của người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài. Đó là định hướng để sửa đổi khoản 2 Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008.
Sáng 16.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về việc sửa đổi khoản 2 Điều 13 của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008.
Kiều bào về thăm Tổ quốc (ảnh minh họa). Nguồn: Internet
Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 đã bổ sung quy định: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày luật này có hiệu lực, phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam”.
Tuy nhiên, theo báo cáo tại Tờ trình của Chính phủ, đến nay mới chỉ có trên 6.000 người thực hiện thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của luật này thì thời hạn đăng ký giữ quốc tịch sẽ kết thúc vào ngày 1.7.2014, trong khi đó theo quy định tại khoản 3 Điều 26 của luật thì những người không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sẽ đương nhiên mất quốc tịch.
Hiện đang có đến hơn 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống định cư ở nước ngoài, nếu quy định của luật như vậy, sau ngày 1.7.2014, rất nhiều người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ đương nhiên bị mất quốc tịch Việt Nam. Điều này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời cũng làm ảnh hưởng đến công tác vận động, bảo hộ của Nhà nước ta đối với cộng đồng này.
So với tổng số người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam thì tỷ lệ đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam dự báo là rất thấp. Theo phân tích của Chính phủ, về khách quan, nhiều người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có quốc tịch nước sở tại, nên nhu cầu đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam của họ không thật sự cấp thiết, thậm chí ở các nước theo nguyên tắc một quốc tịch cứng thì việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam có thể ảnh hưởng đến quy chế quốc tịch của họ ở nước sở tại, đến quyền lợi, công ăn việc làm, cư trú của họ; cộng đồng người Việt Nam định cư ở rất nhiều nước (khoảng trên 100 nước), một bộ phận trong số họ, nhất là ở các nước chưa có cơ quan đại diện của ta, có thể chưa biết đến quy định mới của Luật Quốc tịch năm 2008.
Về chủ quan, công tác ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nhất là thông tư, thông tư liên tịch, chưa kịp thời, làm cho việc triển khai đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam trên thực tế không bảo đảm được đúng thời gian luật định; công tác phối hợp tổ chức triển khai thực hiện việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam giữa các bộ liên quan còn hạn chế; cơ chế liên thông, gắn kết giữa việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam với việc cấp hộ chiếu Việt Nam chưa được hướng dẫn rõ ràng.
Các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều tán thành với việc sửa điều luật, tuy nhiên có những ý kiến băn khoăn trước 2 phương án của Chính phủ. Đó là phương án gia tăng thêm thời gian đăng ký giữ quốc tịch 5 năm (đến 1.7.2019), hay phương án bỏ quy định thời gian đăng ký.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng quan trọng nhất là điều kiện nhập quốc tịch phải phân tích làm rõ ra, còn thủ tục hành chính thì phải đơn giản hóa. “Quy định về thời hạn là không nên, anh còn quốc tịch báo cho cơ quan chức năng biết thế thôi, không báo thì cơ quan chức năng không biết, nhưng người đó vẫn còn quốc tịch” - Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho biết, Bộ Chính trị đã chỉ đạo theo định hướng là không quy định về thời gian đối với việc đăng ký giữ quốc tịch. Chốt lại buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định sẽ thực hiện theo tinh thần của Bộ Chính trị.
Lương Kết - Dân Việt
|