Liên quan tới vấn đề trên, chia sẻ tại Tọa đàm "Để kết nối VNeID an toàn và tiện lợi" do báo Tuổi trẻ tổ chức ngày hôm nay 22/4, Thiếu tá Trần Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (C06, Bộ Công an) cho biết hiện nay, Trung tâm đã cấp khoảng 82 triệu thẻ căn cước công dân (CCCD) cho người đủ điều kiện, theo địa danh hành chính cũ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh có sự sắp xếp, sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, việc sử dụng các loại giấy tờ cũ được điều chỉnh theo Khoản 1, Điều 21 Nghị quyết số 35/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, các giấy tờ được cấp trước thời điểm sắp xếp nếu còn giá trị sử dụng thì người dân vẫn được tiếp tục dùng bình thường.
Thiếu tá Trần Duy Hiển chia sẻ tại toạ đàm (ảnh PV).
Tương tự, Nghị quyết số 190/2025/QH15 của Quốc hội cũng khẳng định: các văn bản, giấy tờ của cơ quan nhà nước được ban hành trước đây vẫn có thể sử dụng nếu còn giá trị.
Đối với CCCD, khi có sự thay đổi về địa giới hành chính, người dân không bắt buộc phải đi cấp đổi.
Việc cập nhật danh mục đơn vị hành chính sau sáp nhập sẽ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Cụ thể, sau khi Tổng cục Thống kê ban hành danh mục địa giới hành chính mới, Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (C06) sẽ tiếp nhận và phối hợp với các địa phương để cập nhật trên hệ thống.
Thiếu tá Hiển cũng cho biết, nếu người dân sử dụng giấy tờ truyền thống thì sẽ cần đến cơ quan công an để thực hiện cập nhật. Tuy nhiên, với người đã có tài khoản VNeID, cơ quan công an sẽ tự động cập nhật danh mục địa giới hành chính mới trên ứng dụng.
Các thông tin giấy tờ tích hợp trong VNeID sẽ có giá trị tương đương bản giấy.
Như vậy, sau khi sáp nhập tỉnh, thành phố, người dân không cần làm lại giấy tờ. Mọi cập nhật sẽ được thực hiện trực tiếp trên hệ thống và ứng dụng VNeID.
Đảm bảo an toàn, tiện ích cho người dân
Thiếu tá Trần Duy Hiển thông tin, đến nay đã cấp và kích hoạt hơn 62 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân. Tỉ lệ người sử dụng VNeID năm 2024 và đầu năm 2025 trung bình từ 3 - 6 triệu/ngày (cao hơn từ 3 - 4 lần so với năm 2023). Ngoài ra, đã cấp hơn 292 triệu tài khoản định danh cho tổ chức trên VNeID.
Từ ngày 1/7 tới đây, các cơ quan tổ chức khi thực hiện trên môi trường dịch vụ công cũng phải có tài khoản định danh như người dân bình thường.
Vấn đề an toàn dữ liệu, đảm bảo hệ thống hoạt động xuyên suốt cực kỳ quan trọng. Ứng dụng VNeID là ứng dụng toàn dân, mọi người dân đều sử dụng được nhưng yếu tố an toàn là hàng đầu, sau đó mới đến tiện lợi.
Ông Hiển nhấn mạnh, để VNeID hoạt động an toàn, tiện lợi, đã thực hiện 5 yêu cầu quan trọng gồm pháp lý, dữ liệu, an ninh an toàn, hạ tầng, nguồn lực.
Ngoài chủ động nghiên cứu, phát triển, tham mưu các tiện ích trên VNeID, Trung tâm cũng lập các trang mạng xã hội trên Facebook, Zalo, tiếp nhận các góp ý của người dân để hoàn thiện, giúp VNeID tiện lợi nhất.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Trần Xuân Toàn, Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ nêu rõ, VNeID là một “siêu ứng dụng” ví điện tử, giấy tờ do trực tiếp Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) xây dựng, phát triển, đến nay đã có hơn 60 triệu tài khoản người dùng.
Ông Toàn cho rằng, so với các ứng dụng khác thì “Đây có lẽ một siêu ứng dụng với số lượng người dùng lớn nhất hiện nay và các thông tin, chức năng của VNeID không quá xa lạ với người dân”.
Theo ông Toàn, các loại giấy tờ cơ bản nhất như căn cước công dân, giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế… đã được cập nhật trên nền tảng ứng dụng này. Hầu như tất cả các dịch vụ cơ bản đã bắt đầu kết nối, triển khai. Ứng dụng này không chỉ dành cho một nhóm đối tượng mà dành cho tất cả người dân, từ trẻ em đến người lớn tuổi. Nhiều loại giấy tờ đã được đưa vào nền tảng số này để thuận tiện sử dụng.
https://soha.vn/sieu-ung-dung-giup-nguoi-dan-khong-phai-xep-hang-lam-lai-giay-to-sau-sap-nhap-tinh-thanh-198250422132740787.htm