Trường hợp nào công dân Việt Nam được quyền có hai quốc tịch? Trường hợp nào công dân Việt Nam được quyền có hai quốc tịch? , Người xứ Nghệ Kiev
( PHUNUTODAY ) - Vấn đề quốc tịch có liên hệ pháp lý giữa công dân và nhà nước. Hãy cùng tìm hiểu thêm về một số vấn đề liên quan đến quốc tịch.
Các trường hợp nào công dân Việt Nam được quyền có hai quốc tịch được quy định tại Luật Quốc tịch như sau:
- Người định cư ở nước ngoài nhưng chưa mất quốc tịch Việt Nam
Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác (theo điều 4 của Luật Quốc tịch).
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày 01/7/2009 thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam (theo quy định tại Điều 13 Luật Quốc tịch).
- Trường hợp người nhập quốc tịch Việt Nam nhưng không phải thôi quốc tịch nước ngoài
Một số trường hợp người nhập quốc tịch Việt Nam nhưng không phải thôi quốc tịch nước ngoài được quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008. Cụ thể như sau:
+ Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;
+ Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
+ Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Người xin nhập quốc tịch Việt Nam nhưng không phải thôi quốc tịch nước ngoài và trình Chủ tịch nước xem xét nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Điều 9 Nghị định 16/2020/NĐ-CP. Các điều kiện cụ thể là:
+ Có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam 2008.
+ Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam và việc nhập quốc tịch đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài là có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
+ Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi nhập quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó.
+ Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước ngoài bị ảnh hưởng.
+ Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam nhưng không phải thôi quốc tịch nước ngoài
Các trường hợp người được trở lại quốc tịch Việt Nam nhưng không phải thôi quốc tịch nước ngoài được quy định tại khoản 5 Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008. Cụ thể như sau:
+ Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;
+ Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
+ Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam nhưng không phải thôi quốc tịch nước ngoài và trình Chủ tịch nước xem xét nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo Điều 14 Nghị định 16/2020/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
+ Có đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam 2008.
+ Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi trở lại quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó.
+ Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước có quốc tịch bị ảnh hưởng.
+ Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Trẻ em Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi
Trẻ em là công dân Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi thì vẫn giữ quốc tịch Việt Nam (theo quy định tại điều 37 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008)