Khách sạn, nhà nghỉ có được giữ Căn cước công dân của khách thuê hay qua đêm không? Khách sạn, nhà nghỉ có được giữ Căn cước công dân của khách thuê hay qua đêm không? , Người xứ Nghệ Kiev
( PHUNUTODAY ) - Hiện nay nhiều cơ sở lưu trú qua đêm vẫn đề nghị giữ lại Căn cước công dân (CCCD) của khách thuê trước khi làm thủ tục giao phòng. Vậy có đúng luật không?
Khách sạn, nhà nghỉ có được giữ Căn cước công dân của khách thuê hay qua đêm không?
Đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 Bộ Công an) cho biết, thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về nhân thân để thực hiện các giao dịch trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Chỉ các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền mới được phép yêu cầu xuất trình để kiểm tra về nhân thân và các thông tin khác của công dân. Cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có thẩm quyền tạm giữ thẻ căn cước công dân.
Việc nhà nghỉ, khách sạn có quyền giữ thẻ căn cước của khách hay không? Đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho hay, trong các giao dịch dân sự như xin việc làm, thuê phòng trọ khách sạn lưu trú qua đêm thì chủ cơ sở không có quyền giữ thẻ căn cước mà chỉ được phép yêu cầu công dân xuất trình thẻ để kiểm tra thông tin.
Quy định của pháp luật về giữ chứng minh nhân dân trước đây cũng như vậy. "Chỉ có cơ quan có thẩm quyền mới được phép giữ thẻ căn cước công dân hay chứng minh thư của công dân", đại diện C06 nhấn mạnh.
Mức xử phạt khi khách sạn, nhà nghỉ giữ thẻ Căn cước công dân của khách
Thực tế, giữ lại giấy tờ tùy thân của khách diễn ra tại các cơ sở lưu trú như nhà nghỉ đến cả khách sạn, resort cao cấp là việc phổ biến. Tuy nhiên, nhiều khách lưu trú lo ngại, thông tin cá nhân của mình sẽ bị lợi dụng vào các hoạt động vi phạm pháp luật vì đây là thông tin bảo mật. Về phía quản lý các khách sạn, nhà nghỉ thì cho rằng, việc giữ giấy tờ tùy thân để hạn chế việc bùng tiền thuê phòng, làm hư hỏng đồ đạc đồng thời còn giúp các chủ cơ sở lưu trú làm việc với cơ quan chức năng nếu bị kiểm tra đột xuất hoặc phát hiện kịp thời khách lưu trú là đối tượng vi phạm pháp luật đang lẩn trốn,...
Như đã phân tích rõ ở bên trên, cơ sở lưu trú không được phép giữ lại các giấy tờ tùy thân nói chung và thẻ Căn cước công dân nói riêng của khách hàng. Nếu cố tình làm trái quy định, cơ sở lưu trú sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành. Nghị định 144/2021/NĐ-CP đã đưa ra mức xử phạt hành vi vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân như sau:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Chiếm đoạt, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân của người khác; Tẩy xóa, sửa chữa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung của Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân; Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân.
Trường hợp thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân
Vì là giấy tờ tùy thân rất cần thiết trong đó cung cấp các thông tin về nhân thân của chủ thể và được sử dụng để thực hiện nhiều giao dịch quan trọng trong đời sống nên việc thu hồi, tạm giữ Căn cước công dân sẽ gây ra rất nhiều bất tiện cho một cá nhân. Pháp luật đã quy định các trường hợp bị thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân và thẩm quyền thu hồi, tạm giữ thẻ như sau:
Thứ nhất, về thu hồi thẻ: Thẻ Căn cước công dân bị thu hồi trong trường hợp công dân bị tước quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
Thứ hai, về tạm giữ thẻ: Thẻ Căn cước công dân bị tạm giữ trong trường hợp cá nhân đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù.
Thứ ba, về thẩm quyền: Cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền thu hồi thẻ Căn cước công dân; Cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có thẩm quyền tạm giữ thẻ Căn cước công dân.