Hơn 30 năm, ca khúc “Tình yêu bên dòng sông quan họ” của nhạc sĩ Phan Lạc Hoa vẫn được đông đảo khán giả yêu mến.
Là hàng xóm với nhau ở ngõ 41 Phố Vọng, một thời cùng sống trong khu tập thể của Đài Tiếng nói Việt nam (TNVN), tôi và nhạc sĩ Phan Lạc Hoa thường sang nhà nhau chơi, hát cho nhau nghe những tác phẩm mới sáng tác.
Khi Phan Lạc Hoa hát cho nghe bài “Tình yêu bên dòng sông quan họ”, tôi liền nhận ra lời thơ này đã được nhạc sĩ Văn Thành Nho phổ nhạc mang tên “Từ phương anh, từ phương em” mà chúng tôi đã mời nghệ sĩ Lê Dung đến Đài TNVN thu thanh trước đó không lâu.
Nghe bài của Phan Lạc Hoa thấy có nét lạ hơn, chất dân ca cũng đậm đà tha thiết hơn. Sau khi đoàn ca nhạc của Đài thu thanh, Ban biên tập Âm nhạc ngồi nghe lại và không ngớt lời khen. Nhạc sĩ Vũ Thanh bảo tôi viết lời bình về ca khúc này để anh đưa vào chương trình giới thiệu tác phẩm mới, vì tôi đã đọc bài thơ “Đêm sông Cầu” của nhà thơ Đỗ Trung Lai trên báo Văn nghệ.
Với ca khúc “Tình yêu bên dòng sông quan họ”, nhạc sĩ Phan Lạc Hoa đã khéo sắp xếp và “lẩy” ra những lời thơ “đắt” nhất trong 9 đoạn thơ với 36 câu của “Đêm sông Cầu”. Sự gặp nhau và đồng cảm của hai tác giả cùng quê Hà Tây cũ: Đỗ Trung Lai quê ở Mỹ Đức, còn Phan Lạc Hoa quê ở Thạch Thất – đã làm cho thơ và nhạc hòa quyện như một “cặp đôi hoàn hảo”.
“Tình yêu có từ nơi đâu
Êm êm một khúc sông Cầu
Sao trời lọt qua mắt lưới
Soi dài xuống dòng sông sâu”
Dòng sông Cầu, nơi đó nhà thơ đã gặp em, yêu em, để rồi mãi xa em vì chiến tranh... Lời ca chậm, như xoáy sâu vào tâm hồn, như hơi thở của tình yêu:
“Tình đã trao nhau êm đềm
Em là cô Tấm thảo hiền
Mà sao mắt nhìn bối rối”
Lời ca làm con tim rộn lên những hoài niệm. Cô gái rụt rè ngày đó đã làm cho Đỗ Trung Lai say đắm bởi rất đỗi thân thương:
“Nhà xa, mặt trận càng xa
Tình yêu có từ hai ta...
Đi qua năm tháng đợi chờ
Tình yêu có từ nơi anh
Lửa hồng bập bùng vách nứa
Anh đi lên miền biên giới
Làng quê em đợi em chờ”
Mang theo hình bóng em ra chiến trường, mỗi lần dừng chân giữa đường hành quân, nhà thơ lại kể cho đồng đội nghe về em, về quê hương của dòng sông Cầu ấy, nơi đó là mối tình đầu, nơi đó em đang thương nhớ tôi: “Anh đi lên miền biên giới, làng quê em đợi em chờ”. Nó thiết tha và sâu lắng biết bao:
“Tiếng anh ấm như hơi thở
Em nghe để nhớ suốt đời
Đừng quên đừng giận người ơi
Đừng quên đừng tàn đừng nguôi…”
Hồi nhà thơ Đỗ Trung Lai phụ trách tờ báo “Tiếng nói Việt nam” (nay đổi tên là báo VOV), anh đã có lần kể cho chúng tôi nghe về mối tình đầu ấy với Cô Thoa – “Cô Tấm thảo hiền”trong thơ - vợ anh bây giờ.
“Cuối thập kỷ 70, tôi đang là giáo viên dạy Vật lý ở Trường Văn hóa quân đội đóng tại Lạng Sơn. Tôi quen Thoa khi cô là tân binh, được cử lên trường học bổ túc văn hóa. Chúng tôi lọt vào mắt nhau.Yêu nhau những 6 năm, mà đúng là gặp nhau lần nào cũng vội thật, nên chẳng đủ gần mà giận dỗi.
Ba năm đầu, cô ấy là lính nghĩa vụ đóng ở Bắc Ninh, tôi toàn phải giả vờ xuống đơn vị ấy thăm một anh bạn, nhờ anh ấy “nháy” Thoa ra gặp. Những chuyến dạo chơi bên bờ sông Cầu thơ mộng được đưa vào bài thơ “Đêm sông Cầu” sau này. Ba năm sau, cô ấy vào học ngành Dược tại trường quân y ở Vĩnh Phú. Mãi đến đầu xuân Tân Dậu (1981) khi cô ấy học xong, chúng tôi mới cưới nhau… “
Giọng hát nghệ sĩ Thanh Hoa đã chắp cánh cho thơ và nhạc của “Tình yêu bên dòng sông quan họ” bay vút lên và nhẹ nhàng len vào tâm khảm, đọng lại trong lòng thính giả và khán giả cả nước, nó gắn liền với tên tuổi của nhạc sĩ Phan Lạc Hoa (1947 – 1982). Hơn 30 năm qua chưa có giọng nào hát bài ấy vượt được Thanh Hoa. Còn Phan Lạc Hoa chắc anh rất vui khi trong cuốn tổng tập “Nhạc sĩ Việt nam” dành một trang ghi danh anh đã đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà.
Ông bạn hàng xóm thân mến của tôi hồi nào nay đã thành người “Thiên cổ”, ở thế giới bên kia chắc cũng hài lòng khi trên cõi trần vẫn vọng vang hai ca khúc quen thuộc của mình về tuổi trẻ tình yêu là “Tàu anh qua núi” và “Tình yêu bên dòng sông qua họ”./.
(Nguồn: http://vov.vn) - Theo Hội nhạc sĩ Việt Nam
|