Nhân dịp mừng ngày quốc tế phụ nữ 8/3 -
Xin trân trọng gửi bạn đọc cùng
Ban biên tập Nguoixunghekiev
tác phẩm mới của Triệu Lam Châu
BÀI HÁT – GÁNH NƯỚC BAN MAI – TRIỆU LAM CHÂU
TÂM SỰ CỦA TÁC GIẢ TRIỆU LAM CHÂU:
Triệu Lam Châu tôi vốn được sinh ra và lớn lên ở miền núi, tại bản Nà
Pẳng, xã Đức Long, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng biên cương mờ sương và
hùng vĩ non ngàn. Do đó tâm hồn hồn tôi đẫm chất núi rừng và từ lâu
tôi cứ đinh ninh rằng: Tất cả cả các cô dâu trên thế gian này đều đẹp
như những nàng tiên, đặc biệt là các cô dâu miền núi.
Họ đẹp nết đẹp người. Những buổi sớm tinh sương, khi mảnh trăng liềm
còn bịn rịn chia tay với áng đêm huyền cuối dải rừng xa, khi ánh sao
mai còn lung linh trên đỉnh núi – thì cô dâu miền núi đã lặng lẽ dậy
và quẩy đôi thùng đi lấy nước ban mai, trong mùi hương nồng nàn của
núi đồi. Cô đi theo con đường mòn ngoằn ngoèo tới mỏ nước ở chân đèo. Những ngôi sao mai đua nhau ùa đến, đậu vào tà áo chàm bay bay sáng lên long lanh.Mảnh trăng liềm cũng nhẹ nhàng bay đến, cài vào mái tóc mượt mà đẫm hương núi của nàng. Chiếc đòn gánh mảnh mai như một thỏi trăng vàng
huyền ảo trên vai…
Phải rồi… nàng tiên đang đi lấy nước…
Hồi nhỏ (năm 1960 – 1961) tôi đã từng đôi lần cùng chị dâu Bế Thị Tâm
đi gánh nước ban mai ở mỏ nước Nặm Bó dưới chân đồi. Đẹp nhất là lúc
bình minh mọc lên từ đồi làng Khau Lỷ ở phía đông, toả ánh hào quang
làm rực rỡ ngất ngây cả một miền thung lũng mênh mang…
Rồi chị gái Triệu Thị Noọng hồi ấy (năm 1959) cũng đã đi làm dâu ở xã
Nam Tuấn rồi, song mỗi dịp trở về thăm nhà cũ vẫn thường hay đi gánh
nước ban mai…
Ôi… thật là kỳ diệu, ban mai ở miền rừng sương núi ảo huyền với hình
tượng những cô gái miền sơn cước tâm hồn trong trẻo như suối ngàn
loáng ánh sao ngân, đi lấy nước nguồn, như gánh cả hương ngàn phảng
phất trở về nhà…
Nà Pẳng bản tôi có hai mỏ nước thật là mộng mơ, như thể giấu những
vầng trăng đầy kỷ niệm ảo huyền mà xiết bao xốn xang trong ấy. Đó là
Nặm Bó ở trước làng và Bó Xum ở sau làng, nơi có vùng đồi Thôm Yên -
Khau Mụ - Đoỏng Đeng – Roỏng Lỷ và Thang Dào tím đậm màu sim và thơm lừng hương ổi chín rực vàng mỗi mùa thu sang…
Hình tượng cô dâu miền núi đi lấy nước ban mai, cứ ám ảnh lòng tôi
suốt từ thời thơ ấu đến giờ. Và mãi đến năm 2004, Bà Mẹ Hoa mới cho
tôi cảm xúc chín mùi, nên mới có được bài hát Gánh nước ban mai..
Bài hát Gánh nước ban mai đã vinh dự được nhận Giải ba toàn quốc về âm
nhạc năm 2007, của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ
thuật Việt Nam.
Rồi đến năm 2012 tôi mới biết làm video cho bài nhạc của mình.
Và chiều nay, một buổi chiều tháng 2 năm 2014, ở Tuy Hoà, Phú Yên xa
muôn trùng quê núi Cao Bằng, tôi lại liên tưởng đến những ngả đường
gánh nước ban mai nơi bản cũ, với bao nỗi ngậm ngùi thiêng liêng. Ngả
đường Nặm Bó – Bó Xum ấy đã từng in những dấu chân sáng như kim cương của bà nội tôi, mẹ tôi… rồi của biết bao người hồi xa xưa mới đến Nà
Pẳng làm dâu…
Bà nội Hà Thị Chè của tôi đã mất hồi năm 1971, mẹ tôi, Nông Thị Sự mất
năm 1996… rồi chị Tâm (mất năm 1974), chị Noọng (mất năm 2000)… Tất cả những người thân ấy của tôi, nay đã lên Mường Trời hết cả rồi. Song
hình như họ đã kịp để lại nét long lanh của hồn mình cho Triệu Lam
Châu, để có bài ca Gánh nuớc ban mai hôm nay chăng?
Giờ đây tôi cứ mong ước có một phép nhiệm màu nào đó, để đưa tiếng hát
và giai điệu bài Gánh nước ban mai này – lên đỉnh núi Khau Mi-à cao
chót vót, để vọng vào Mường Trời cao thẳm, mà vọng đến tai Bà tôi – Mẹ
tôi - Hai chị của tôi… và biết bao người đã từng làm dâu ở bản Nà Pẳng
rất đỗi bình dị và thân thương này…
Triệu Lam Châu xin trân trọng gửi món quà tinh thần này tới Quý thính
giả gần xa với lời chúc sức khoẻ, an lành, hạnh phúc và thành công.
Tuy Hoà, chiều 28/2/2014
Triệu Lam Châu
Nhà thơ - Nhạc sĩ Triệu Lam Châu - Hội nhà văn Việt Nam gửi tặng
|