Video - Ca khúc ĐIỆU VÍ DẶM LÀ EM của Nhạc sĩ - NSƯT Trần Quốc Nam Video - Ca khúc ĐIỆU VÍ DẶM LÀ EM của Nhạc sĩ - NSƯT Trần Quốc Nam , Người xứ Nghệ Kiev
Nhạc sĩ - Nghệ sĩ Ưu tú Quốc Nam
Tên thật: Trần Quốc Nam Sinh ngày: 15-02-1952 Tại: Thành phố Hà Tĩnh Uỷ viên BCH Hội liên hiệpVHNT Hà Tĩnh Hội viên Hội NSVN Trưởng Ban chuyên ngành âm nhạc Hà Tĩnh Phó Chi hội trưởng Chi hội NSVN tại Hà Tĩnh Nguyên Trưởng Đoàn Ca Múa Nhạc-Kịch Hà Tĩnh Tác phẩm tiêu biểu:
* Chỉ huy, dàn đựng, chỉ đạo nghệ thuật, nhiều vở diễn cải lương, dân ca Nghệ Tĩnh: Dòng suối trắng, Hai phương trời thương nhớ, Hoàng tử biển, Tô ánh Nguyệt, Tống Trân Cúc Hoa, Chiếc va ly số 6, Tiếng hát tình yêu, Cô gái Phù Tang, Thạch Sanh, Kim Vân Kiều, Nàng Mai tế chồng, Người trong kỳ vọng, Hoa khôi dạy chồng...; Chỉ đạo các chương trình ca múa nhạc như: Người hát dặm ca trù, Thương nhau tìm về, Âm vang miền non nước..... giành nhiều giải thưởng các kỳ hội diễn sân khấu, Liên hoan âm nhạc chuyên nghiệp do Bộ Văn hóa, Hội nhạc sĩ VN tổ chức. * Đã sáng tác nhiều ca khúc tiêu biểu như: Những ngôi sao ( Lời thơ Xuân Hoài), Hương quê, Hà Tĩnh, sáng mãi niềm tin, Ngày ấy, Người con sông La, Lẽ nào quên em ( Lời thơ Pham Tiến Duật), , Mùa xuân về với Hương Khê ( Lời thơ Đặng Quốc Vinh), Suối Tiên ( Lời thơ Xuân Hoài), Điệu ví giặm là em ( Lời thơ Lê Văn) ... Giải thưởng VHNT: * Ngày ấy, Người con sông La ( ca khúc) – Giải B và giải C của UBLH các Hội VHNT Việt Nam năm 1999 và năm 2004 * Những ngôi sao ( ca khúc) – Giải Ba cuộc thi âm nhạc của Hội nhạc sĩ VN, Tổng cục chính trị QĐNDVN và Bộ LĐTB & XH tổ chức năm 1998 * Hương quê ( ca khúc)- Giải B cuộc thi âm nhạc do Hội NSVN và Hội nông dân VN tổ chức * Hà Tĩnh, sáng mãi niềm tin ( ca khúc) – Huy chương Bạc, Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009 * Tiếng đàn nứa bản rào Tre ( Ca khúc, lời thơ: Nguyễn Ngọc Phú) – Giải C của Hội NSVN * Điệu ví giặm là em ( Giải xuất sắc Liên hoan âm nhạc khu vực Bắc miền Trung năm 2012). * Âm nhạc cho một số vở diễn đạt HCV, HCB trong các Hội diễn như: Hoa khôi dạy chồng, Người trong kỳ vọng... * Giải C, B giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ III và lần thứ IV cho chùm ca khúc
Bài hát « Điệu ví dặm là em » đến với cộng đồng người Việt
ở nước ngoài.
Từ hơn tuần nay, trong chương trình Euroshow giới thiệu những bài hát được yêu thích, VTV4 đã đưa đến người nghe bài hát « Điệu ví dặm là em » qua giọng hát của nữ ca sĩ Bùi Lê Mận, nhạc của Quốc Nam và lời thơ Lê Quang Thắng. Ca sĩ Lê Mận trong tà áo dài đỏ đính hạt cườm lấp lánh, với giọng hát thật hay, truyền cảm, nội tâm thể hiện đúng tình cảm của lời ca, nốt nhạc đã làm đắm say lòng người Việt ở phương xa. Và Lê Mận cũng chỉ là một trong số rất nhiều ca sĩ đã yêu mến và trình diễn bài hát này kể từ khi ca khúc ra đời.
Nỗi nhớ da diết quê hương, gia đình, bè bạn như trỗi dậy khi nghe nhạc phẩm « Điệu ví dặm là em ». Bài ca như đưa ta trờ lại với những kỷ niệm thật quen thuộc, yêu thương biết nhường nào. Những câu ca gợi nhớ, gợi thương với lòng người xa quê, để không nguôi ước mong một lần được nghe câu ví dặm đượm tình người, tình đất của quê hương Nghệ Tĩnh. Tâm trạng người nghe đúng như tác giả đã viết :
« Nao nao lòng đứa con ở nơi xa… »
Từ trước đến nay đã có nhiều ca khúc viết về Nghệ Tĩnh của các nhạc sĩ nổi tiếng như Nguyễn Văn Tý với « Đi mô cũng nhớ về Hà tĩnh », « Người đi xây hồ Kẻ Gỗ », như Trần Hoàn với « Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh » hay Đỗ Nhuận, Doãn Nho v.v… Tuy nhiên, ca khúc « Điệu ví dặm là em » trữ tình, mộc mạc, gắn bó với những kỷ niệm thân thương, gợi nhớ những tình cảm trìu mến với quê hương, vẫn lắng đọng lòng người, khiến cho ai đi xa mỗi lần nghe lại bồi hồi, nhớ nhung, xao xuyến.
Lê Quang Thắng, với bút danh Lê Văn, không những là một nhà kinh doanh giỏi mà còn là một nhà thơ với một số sáng tác, đã dần dần được bạn đọc biết đến. Anh đã cho xuất bản hai tập thơ : « Quên và nhớ », « Vệt thời gian còn lại ». Những bài thơ anh viết về tình yêu, về quê hương với lời thơ chân chất, mộc mạc, giản dị như chính con người anh. Trong anh, tình thầy- nghĩa bạn lớn hơn tất cả và luôn đong đầy những kỷ niệm. Vì vậy, lời ca của giai điệu thắm đượm tình quê ngân vang, lắng đọng trong hồn người cũng bởi nét dung dị, trữ tình, gợi nhớ, gợi thương, nơi neo đậu một hồn quê sâu thẳm.
Cả một tuổi thơ gắn bó với miền quê Nghệ Tĩnh, mặc dù đó là quê hương thứ hai của anh và dường như dân ca trong đó tiêu biểu là điệu hò ví dặm đã ăn sâu vào tiềm thức của anh cũng như mọi người dân vùng đất này và làn điệu dân ca đó, từ khi nào đã trở thành máu thịt. Để rồi anh đã viết :
« Khúc dân ca có từ trong máu thịt
Không thể dối lòng làm sống dậy một hồn quê. »
Có lẽ trong anh, điệu ví dặmvốn nằm im trong sâu thẳm tâm hồn, bỗng một ngày trở nên sống động và ký ức của anh như được thắp bừng lại :
« Rồi một chiều chợt nhớ quê hương.
Nghe em hát dân ca xứ Nghệ.
Câu hát ru như một thời thuở bé,
Đưa ta về bến bãi tuổi thơ xưa. »
Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh đã được nhận bằng công nhận di sản văn hóa cấp quốc gia và ngày 23/3/2013 được chọn là di sản đại diện cho Việt nam xét ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới năm 2014. Điệu dân ca của vùng đất này là con đẻ của một vùng đất cổ xưa, bao đời là phên dậu, là điểm đến tận cùng của những con đường lịch sử từ phía Bắc vào và từ phía Nam ra.
Có lẽ Lê Quang Thắng đã thành công lời ca nhờ vào cái quyến luyến, cái nhớ khôn nguôi, cái buồn thăm thẳm và cái đơn sơ, mộc mạc của giọng Nghệ Tĩnh trọ trẹ. Anh đã bắt được cái tính cách của người Nghệ Tĩnh, thật thà, ngay thẳng, ít dối lòng. Hơn nữa, họ là những người dũng cảm đến ngang tàng. Bao đời nay, người dân xứ này, với dòng máu dân ca ví dặm của mình, dù sống ở đâu, với hai đặc tính sống thật và dũng cảm không dễ trộn lẫn vào đâu được. Chính vì nắm bắt được cái đặc tính đó của quê hương ví dặm mà cả thi sĩ và nhạc sĩ đã chạm được vào cái thăm thẳm của con người và dân ca, chạm được vào nỗi buồn sâu thẳm, nỗi nhớ khôn nguôi trong hai tiếng quê hương tuy nghèo vật chất mà giàu tình cảm :
« Đất quê mình còn nghèo lắm người ơi !
Sao điệu ví nghĩa tình đến thế. »
Và
« Nhưng điệu ví theo anh về mãi mãi
Anh cứ mơ hoài điệu ví dặm là em. »
Từ điệu ví thân thương, tác giả đã lấy đầu đề bài hát « Điệu ví dặm là em » như ngầm ví « điệu ví dặm » chính là « em », là người con gái quê nhà mà người con trai từng thương, từng nhớ. Và rồi, trong những bận rộn của đời thường, ta bỗng :
« Nghe em hát dân ca xứ Nghệ
Câu hát ru như một thời thuở bé
Đưa ta về bến bãi tuổi thơ xưa.
Điệu ví quê hương giữa bộn bề bận rộn. »
Câu thơ :
« Ai đi xa mô đó »
Hay :
« Em cứ đùa anh nỏ cho và nỏ lấy »
Những từ ngữ địa phương với âm điệu khó nghe nhưng dịu dàng và quyến rũ đã làm cho người nghe cảm thấy mảnh đất quê hương sao mà gần gũi, thân thương đến thế. Tình quê hương thấm đẫm trong mỗi câu thơ của tác giả.
Và rồi, cũng từ tình cảm với người con gái quê hương, anh như muốn mời gọi người thân, bạn bè trở về Hà Tĩnh, không chỉ là người quen mà cả người xa lạ :
« Mời anh về Hà Tĩnh.
Ơi khúc hát sông quê
Ai đi xa mô đó
Nghe thân thương như dòng sông thuở nhỏ.
Ai lạ, ai quen sao nỡ không về. »
Ca khúc được phát triển khá hợp lý ở thể hai đoạn, mạch lạc, chặt chẽ, khiến người nghe dễ nhớ, dễ thuộc.
Cùng với tài năng của nhạc sĩ Quốc Nam, nghệ sĩ ưu tú, nguyên Trưởng đoàn Ca kịch Hà Tĩnh, bài thơ đã trở thành một giai điệu tuyệt đẹp, khiến cho ai đã nghe rồi lại muốn nghe nữa, nghe mãi.
Nhạc sĩ đã thấu hiểu nỗi niềm quyến luyến quê hương từ nơi sâu thẳm trong lòng thi sĩ để biến mỗi từ, mỗi câu thơ thành âm điệu và cả bài thơ đã thành một giai điệu mượt mà, êm dịu và phóng khoáng.
Ca khúc được giới thiệu với cộng đồng người Việt ở nước ngoài vào những ngày thu. Mùa thu tuyệt đẹp ở quê hương cũng như ở xứ người. Và lòng man mác nỗi buồn nhớ khi tiếng hát « Điệu ví dặm là em » vẫn còn ngân vang đâu đó trong bầu trời đầu thu dường như cao hơn và trong xanh hơn, mây trắng bay trên những rặng cây với lá đủ màu sắc, trên những tòa nhà cổ kính…
Thật khó diễn đạt bằng lời tâm trạng của những người được nghe dân ca quê hương khi ở xa Tổ quốc. Và « Điệu ví dặm là em » là một trong những ca khúc như vậy. Mỗi lần nghe, mỗi lần cảm nhận là một lần đắm mình vào hồn quê hương, hóa thân trong những lời ca ấy.
Mặc dù hai phần của bài hát chưa thật cân xứng nhưng ngôn từ chân thật đến nao lòng, diễn tả nỗi niềm sâu kín khiến cho ta mỗi lần nghe là một lần thấm cảm, một lần đưa ta về với cội nguồn yêu thương, để đối diện với chính mình mà biết sống và ước mơ.
Là những người sống xa quê hương nhiều năm, tôi thầm nghĩ người Nghệ Tĩnh sống ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có không ít người thành đạt, thậm chí được coi là những « đại gia », không thể không « mủi lòng nhớ về một hồn quê » khi nghe bài hát này. Nghệ Tĩnh còn nghèo, cũng là cái nghèo chung của đất nước. Mới đây, khi biết đoàn do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh dẫn đầu sang Nhật tổ chức Hội thảo kêu gọi đầu tư, tôi mong và hy vọng rằng « Đất quê mình còn nghèo lắm người ơi ! » sẽ dần hòa nhập vào trào lưu của dân tộc cũng như thế giới và phát triển mạnh mẽ, để rồi « Anh cứ mơ hoài điệu ví dặm là em. »
Xin cám ơn thi sĩ và nhạc sĩ, những người đã sáng tác nên một giai điệu hay và được nhiều người yêu thích.
Paris, mùa thu 2013
Trần Thi Hảo
Giảng viên trường Đại học Hà nội
Cán bộ nghiên cứu trường Đại học
Sorbonne-Paris
BBT Nguoixunghekiev.vn xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả ca khúc tiêu biểu: