LỜI TÂM SỰ CỦA TÁC GIẢ:
Qua tổng hợp tài liệu từ sách báo và từ internet, ta thấy trên đất
nước ta có những hòn đá Vọng phu ở những nơi sau đây:
HÒN VỌNG PHU Ở LẠNG SƠN:
Từ thuở ấu thơ chúng ta đã từng nghe câu ca dao nổi tiếng nói về vùng
sơn cước biên cương Lạng Sơn xa xăm:
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh…
Hình tượng nàng Tô Thị nằm trong quần thể di tích động Tam Thanh, Lạng
Sơn của núi Vọng Phu. Trên sườn núi cao có khối đá hình người mẹ ôm
con mãi nhìn về phương xa ngóng đợi chồng trở về nhà…
HÒN VỌNG PHU Ở THANH HOÁ:
Ở Thanh Hoá có núi Nhồi, ngày xưa gọi là núi Khế, thuộc thôn Nhuệ
(Nhuệ Sơn), nay là xã Đông Hưng huyện Đông Sơn, cách thành phố Thanh
Hóa khoảng 3 cây số về phía tây nam, chu vi chừng 4.000 mét. Núi này
được cư dân ở đây gọi là núi Vọng Phu. Trên đỉnh có tảng đá sừng sững
giống hình một người phụ nữ cùng hai đứa con nhỏ đang đứng trông ra
biển. Truyền thuyết của Hòn Vọng Phu trên núi Nhồi ít nhiều khác với
các truyền thuyết khác, chỉ kể lại câu chuyện người vợ nhớ chồng đi
chinh chiến, ngày ngày dắt hai con lên núi nhìn về phương xa. Trông
ngóng mỏi mòn, dần dần cả ba mẹ con cùng hóa đá…
HÒN VỌNG PHU Ở NGHỆ AN:
Cạnh dòng Nậm Giải, Quế Phong, Nghệ An có một khối đá trắng lớn có
dáng mẹ bồng con hướng mặt nhìn ra dòng nước. Người Thái ở đây vẫn gọi
là hòn Vọng Phu. Chuyện tình vùng dân tộc này mang màu sắc thần kì:
nhân vật là một chàng trai chốn thuỷ cung đã yêu một thiếu nữ trần
thế. Chàng vốn là con của Long Vương, trốn vua cha lên trần gian chơi
hội Xuân. Ở đây, chàng đã gặp một người con gái Thái hết sức xinh đẹp;
chàng mê mẩn quên cả lối về…Họ yêu nhau say đắm rồi kết làm vợ chồng
...chung sống với nhau hạnh phúc bên đứa con thơ . Ngày ngày chàng lên
rừng săn muông thú, xuống suối bắt cá tôm… vợ ở nhà chăm con, dệt vải
quay tơ. Rồi một ngày kia, Long Vương cho quân lên tìm bắt con trai
về trị tội. Không dám chống lệnh cha, chàng từ biệt vợ con về thủy
cung... rồi từ đó đi biền biệt, không trở lại... Nhớ chồng tha thiết,
hàng ngày nàng lại bồng con ra bến nước nơi người chồng ra đi để trầm
tư ngồi trông ngóng bóng chồng. Mỏi mắt trông chờ trong tuyệt vọng.
Một ngày kia, trời đổ mưa tầm tã, sấm chớp lòe sáng rực trời. Lúc trời
quang mây tạnh, bên bến nước, mẹ con người thiếu phụ chờ chồng đã hóa
đá…
HÒN VỌNG PHU Ở QUẢNG NAM:
Ở Quảng Nam-Đà Nẵng có “Đá Bà Rầu" cũng là hòn Vọng Phu. Câu chuyện
lưu truyền về pho tượng đá có hình người đàn bà này có khác với những
truyền thuyết Vọng Phu trên cả nước: Người vợ có chồng đi buôn xa,
ngày ngày nàng ra bờ sông mòn mỏi trông chồng. Ngày lại ngày qua, nàng
vẫn hi vọng… và cuối cùng chàng trở về nhưng hạnh phúc đã không đến mà
lại vỡ tan cùng với bao nhiêu nghi ngờ, ghen tuông...; chồng nàng lại
bỏ nhà ra đi. Nàng buồn rầu ra cửa biển, đau thương rồi biến thành
khối đá sầu muộn. Bên cạnh tượng đá nay còn có một ngọn tháp, gọi là
Tháp Bà Rầu.
HÒN VỌNG PHU Ở BÌNH ĐỊNH:
Bình Định có núi Vọng Phu
Có đầm Thị Nại, có cù lao Xanh…
Phía Nam đầm Đạm Thủy, thuộc địa phận huyện Phù Cát, có núi Bà. Núi
choán cả một vùng rộng lớn trên bốn mươi cây số vuông, uy nghi với bao
điều kỳ bí. Ngày xưa, núi có tên chữ là Phô Chinh đại sơn (Phô Chinh
nghĩa là “bày chiêng”) – núi Bày Chiêng còn gọi là Hòn Chuông (Chung
sơn). Nhìn từ xa, Hòn Chuông giống quả chuông úp với nhiều đèo dốc:
đèo Nhỏ ở phía bắc, đèo Lớn (còn gọi là đèo Tố Mộ) ở phía nam, đèo Mũi
Đá Giăng ở phía đông…Trên đỉnh núi, có hai khối đá, một cao, một thấp
trông tựa hình người. Từ phía biển nhìn vào giống hệt một người đàn bà
tay dắt đứa con đang đứng ngóng nhìn ra khơi xa. Dân địa phương gọi đó
là Hòn Vọng Phu.
HÒN VỌNG PHU Ở TUY HOÀ:
Tuy Hòa có núi Đá Chồng (Đá Bia; Thạch Bi Sơn), thuộc xã Hòa Xuân Nam,
huyện Đông Hòa, Phú Yên. Cư dân trong vùng gọi đây là núi Vọng Phu.
Núi cao 706 m nằm cạnh quốc lộ 1A thuộc dãy Đèo Cả, là một nhánh của
dãy Trường Sơn chạy ra sát biển, chân núi phía nam giáp Vũng Rô. Trên
đỉnh có tảng đá lớn mọc dựng đứng, trông tựa hình người đàn bà. Dân
địa phương cũng truyền tụng sự tích Vọng Phu.
HÒN VỌNG PHU Ở KHÁNH HOÀ:
Núi Mẫu Tử, cao 2051 mét, trước kia thuộc tỉnh Đắc Lắc; về sau, khi
quận Khánh Dương sát nhập vào tỉnh Khánh Hòa, núi thuộc xã Ninh Tòng,
huyện Ninh Hòa (giáp ranh xã Krong Hin, huyện Mơ Đrắc, giữa quốc lộ
21 và sông Hinh, cách bờ biển Đông khoảng 30 cây số) núi còn có tên là
Vọng Phu . Đây là ngọn núi cao nhất của Khánh Hòa. Chóp núi là một
khối đá hoa cương khổng lồ, bên cạnh có một khối nhỏ hơn, trông xa vẫn
rõ hình người mẹ bồng con đứng ngóng ra biển Đông. Truyền thuyết Vọng
Phu ở đây giống với truyện ở Thanh Hóa và Tuy Hòa: Người chồng tòng
quân ra biên ải; người vợ trẻ chờ chồng mòn mỏi, ngày ngày bế con lên
núi trông về biên cương xa. Thời gian trôi và đoàn quân không thấy trở
về, người vợ cùng đứa con chờ mãi hóa thành đá…
Tất cả bảy hòn Vọng Phu trên núi ở các địa phương, từ Lạng Sơn đến
Khanh Hoà – đều gợi lên hình tượng thuỷ chung của người vợ bồng con
chờ chồng ở phương xa trở về nhà. Lịch sử đất nước Việt Nam ta luôn
gắn liền với cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc thiêng liêng. Do đó
truyền thuyết về người mẹ bồng con chờ chồng đi đánh giặc trở về - là
cảm động nhất. Người mẹ bồng con chờ chồng mòn mỏi suốt bao năm ròng
dài dặc và hoá thành đá, tạc giữa đất trời một vầng sáng chung thuỷ
sắt son…
Bản thân Triệu Lam Châu theo đuổi ngành địa chất, nên luôn phải công
tác xa nhà. Chúng tôi sinh con đầu lòng vào năm 1977. Tôi công tác ở
Đoàn địa chất trong núi rừng xa. Nhà tôi hồi ấy là sinh viên đang học
hệ chính quy ở Trường đại học y Bắc Thái. Do vậy chúng tôi đành phải
gửi con cho ông bà nội ở Cao Bằng nuôi hộ một thời gian (những sáu năm
ròng).
Rồi đầu năm 1980 tôi được Tổng cục Địa chất điều vào Tuy Hoà công tác.
Vậy là gia đình nhỏ của tôi phân tán làm ba nơi xa cách muôn trùng.
Tôi ở Tuy Hoà, Phú Yên, miền Nam Trung Bộ; vợ tôi học ở Thái Nguyên,
còn con tôi ở mãi tít tận trên Cao Bằng biên cương phía bắc với ông
bà.
Có những đêm một mình nằm bên sóng biển ở Phường sáu Tuy Hoà, tôi nhớ
gia đình da diết và lại liên tưởng đến nàng Tô Thị bồng con ngóng đợi
chồng trên vùng núi biên cương Lạng Sơn – Cao Bằng quê tôi.
Lòng xúc động vô ngần. Từ ngàn xưa đã có hình tượng Vọng Phu rồi. Giờ
đây Triệu Lam Châu xin có một hình tượng mới Vọng Em được chăng?
Tuy Hoà, chiều 11 tháng 10 năm 2013
Triệu Lam Châu
|