"Vết chân tròn trên cát" như một dấu chấm để mọi người suy nghĩ về một thời oanh liệt, để biết nâng niu và quý trọng quá khứ.
Tôi nhớ hồi tháng 7/1990, nhạc sĩ Nguyễn Nam ở Phòng Ca nhạc - Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh có gửi tặng tôi một đĩa VCD chương trình ca nhạc “Hát về những người con trung hiếu”. Chương trình có bài hát “Có lẽ nào anh đã đi xa” của tôi và bài “Vết chân tròn trên cát” của nhạc sĩ Trần Tiến. Vì là ca khúc mới sáng tác, lần đầu được thưởng thức, nên tôi dành thời gian nghe nhiều lần tác phẩm của Trần Tiến để mừng cho nhau và cũng để học lẫn nhau.
Là người biên tập âm nhạc, tôi đã từng đọc, từng thu thanh nhiều bài hát nói về thương binh. Trong đó, nội dung viết về thầy giáo không phải là ít, ví như các ca khúc: “Người thầy giáo thương binh”, “Anh thương binh trên bục giảng”, “Từ tiền tuyến trở về mái trường”, “Tiếng hát của thầy giáo thương binh”… Với “Vết chân tròn trên cát”, ngay tên ca khúc đã thu hút tôi.
Trần Tiến đã dùng hình tượng “gián tiếp” để nói trực tiếp về một thương binh vừa cụ thể lại vừa đại diện cho những thầy giáo. Đấy là một sáng tạo chưa ai nghĩ ra trước đó. Nghe xong bài hát, tôi thấy Trần Tiến rất khéo trong việc sử dụng bút pháp cả ở giai điệu cũng như lời ca.
Nhạc sĩ Trần Tiến trong đêm diễn "In the spotlight - Như chờ từng giấc mơ"
Hình tượng “vết chân tròn trên cát” rất giàu sức thuyết phục. Người thương binh cụt chân trở về làng trở thành một thầy giáo. Anh phải chống nạng đi trên quãng đường xa đầy cát trắng để đến trường. Và chiếc nạng ấy đã để lại những vết tròn trên cát. Tác giả không nói đó là vết nạng mà nói “vết chân tròn” và cũng chẳng cần phải nói rõ là chân trái hay chân phải.
Cuộc sống sau chiến tranh của người thầy giáo thương binh này hẳn vô cùng khó khăn, trở ngại, nhưng chất lãng mạn vốn có của người lính Cụ Hồ luôn chiến đấu bởi lý tưởng nhân văn cao cả đã khiến anh vượt lên tất cả để luôn vui tươi, hòa nhập với cuộc sống hồn nhiên của các em học sinh.
Nhạc sĩ đã khai thác việc dạy hát của thầy giáo cho học trò thay vì nói đến dạy chữ. Điều này đã tạo thuận lợi cho việc biểu hiện đời sống tâm hồn với những tâm tư sâu kín nhất của đối tượng: “Bài hát có ngọn núi quê anh xa vời, bài hát có đồng lúa mênh mang câu hò. Bài hát có người lính đã hy sinh âm thầm…” vừa lãng mạn lại vừa hiện thực biết bao khi “Cho hôm nay những vết chân son vui quanh dấu chân tròn” và “Bài hát có ngọn gió cuốn bay theo dấu chân tròn, để lại một bài ca trên cát trắng bao la”. Bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến độc đáo và cảm động đã chiếm được cảm tình của đông đảo anh em thương binh.
Ở đoạn đầu của ca khúc là lời thủ thỉ tâm tình mang tính chất tự sự như dẫn chuyện. Chuyển sang đoạn sau, nét nhạc bay bổng vút cao, để diễn tả tiếng hát của người thầy giáo thương binh ấy không chỉ dạy chữ mà còn dạy đàn dạy hát, tiếp sau đó là các em học sinh thân yêu của mình cùng hòa giọng hát phụ họa theo. Giai điệu rất uyển chuyển uốn lượn như chia sẻ, như nâng bước và dìu dắt nhau vươn lên trong cuộc sống.
Tiếng hát của thầy và trò như đang vọng ra biển khơi gió lộng, vút lên nền trời xanh biếc bao la của quê hương yêu dấu, để cuối cùng những câu hát ấy neo đậu lại trong lòng người nghe bằng những lời cháy bỏng nồng nàn thật khó quên của một thầy giáo thương binh biết sáng tác và có giọng hát hay quyến rũ lòng người: “Bài hát anh viết trong thầm lặng trên bờ cát không lời cứ hát mãi trong tôi. Bài ca cuộc đời, cháy mãi trong tôi, đốt mãi trong tôi”.
Đã hơn 20 năm, tôi không nhớ là mình đã chấm thi ở hội diễn bao nhiêu lần bài hát này của nhạc sĩ Trần Tiến. Mỗi lần nghe là một lần thấy mới, mỗi lần nghe là một lần xúc động riêng bởi người hát. Đặc biệt là mỗi lần đến với khu 4 (Thanh, Nghệ, Tĩnh, Bình, Trị, Thiên) đầy nắng gió và thơ ca - vùng đất nghèo khó nhưng lại sản sinh ra những anh hùng, gan dạ phi thường trong những cuộc đương đầu với giặc ngoại xâm, với cả thiên tai bão lũ. Đi dọc biển xanh và cát trắng, tôi lại càng cảm phục tài năng của Trần Tiến qua “Vết chân tròn trên cát”. Bởi "Vết chân tròn" cứ bám riết lấy tôi và như một dấu chấm để mọi người suy nghĩ về một thời oai hùng, oanh liệt để nâng niu và quý trọng quá khứ. Chúng ta nghĩ về tình thương yêu, cùng nhau và vì nhau trong cuộc sống phong phú đa dạng đầy bộn bề lo toan hiện nay.
Nói đến thương binh, ai cũng nghĩ ngay đến sự cống hiến, hy sinh của các anh, các chị cho quê hương, cho Tổ quốc. Hằng năm, cứ đến ngày 27/7, cả nước lại tưởng nhớ công ơn, tri ân những người con trung hiếu, nhưng, để chuyển tải những nội dung ấy vào ca khúc là việc không dễ dàng đối với mỗi người sáng tác. Tuy nhiên, một số nhạc sĩ đã làm được điều đó, trong đó có Trần Tiến với "Vết chân tròn trên cát"./.
(Nguồn: http://vov.vn)