Mới đây, khi VTV1 phát sóng bộ phim “Vòng đời”, dấu chấm hỏi về quãng thời gian vắng bóng ấy của chị mới được giải mã.
Nghệ sĩ Lưu Lan Hương
Được biết, bộ phim “Vòng đời” do chị thực hiện cách đây đã gần 20 năm. Sự trở lại của bộ phim trên sóng VTV1 trong chương trình “Phim cuối tuần” đã mang lại cho khán giả rất nhiều cảm xúc. Còn cảm xúc của chị thế nào, khi “đứa con tinh thần” của mình một lần nữa lại được công chúng háo hức đón nhận như vậy?
Khó nói lắm, nghẹn ngào, sung sướng, bồi hồi… Tóm lại, gói gọn trong hai chữ: hạnh phúc. Nhất là vì nhận được sự động viên từ mọi người, kể cả không thân quen. Chẳng hạn, ngay sau buổi chiếu, có vị lãnh đạo cao cấp, vốn là cựu lưu học sinh thời Liên xô cũ, đã nhận xét phim chân thực và xúc động, kết phim hay và đáng nhớ.
Được biết đây là bộ phim chị dồn rất nhiều tâm huyết: từ viết kịch bản, đồng đạo diễn, sản xuất đến đóng vai chính. Có thể nói là tất cả nỗi nhớ nhung sân khấu sau một thời gian tạm nghỉ để sang thăm chồng và chăm lo cho chồng nơi đất khách quê người đã được dồn cả vào đây. Chị có thể kể qua về quá trình làm phim “Vòng đời”?
Vợ chồng mình sang Nga đầu những năm 1990. Mình chứng kiến tận mắt chính biến năm 1991. Liên xô cũ tan vỡ, nước Nga mới ra đời trong khủng hoảng. Ở nước ta, lúc đó mới là những năm đầu đổi mới, đất nước vẫn đang trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng. Cộng đồng người Việt bên Nga, có thể nói, rơi vào trạng thái khủng hoảng niềm tin. Mọi người, công nhân, sinh viên, nghiên cứu sinh, nhà văn, ca sĩ, thày giáo, lao vào cuộc mưu sinh.
Đôm 5, ký túc xá của Viện Hàn lâm khoa học Nga giành cho nghiên cứu sinh Việt Nam, trở thành nơi trung chuyển hàng hóa từ Việt Nam đánh sang, từ Ba Lan chuyển về. Để giúp chồng yên tâm ăn học, mình cũng bươn chải trong dòng người kiếm sống, gia nhập đội quân bán hàng, rồi đánh hàng, lúc thì du kích đường sắt, lúc thì đánh hàng xe tia, tức xe container… Mình tiếp xúc rất nhiều người, biết nhiều thân phận, nghe được những nỗi niềm, thấy được những mất mát, đổ vỡ. Trong mình, cùng niềm vui kiếm tiền, giúp chồng là cảm giác bất an, trăn trở.
Ý tưởng làm một cuốn phim để ghi lại khoảnh khắc tranh tối tranh sáng trên đất Nga nẩy sinh từ đó. Nó như một cuộc thai nghén, được chồng động viên, bạn bè ủng hộ. Thế rồi đến ngày đến tháng là cơn đẻ đau. Đúng ra là không đau, nhưng vất vả lắm vì thiếu người, thiếu tiền, thiếu kinh nghiệm. Được cái bạn bè giúp đỡ rất nhiều, kể cả bạn bè Nga. Có người dịch ngày đêm kịch bản sang tiếng Nga để kịp đưa duyệt, có người bỏ tiền tổ chức bữa ăn mừng sinh nhật trong phim, có giáo sư Nga tại Viện Hàn Lâm vui vẻ sắm vai giáo sư hướng dẫn Nhật…
Có thể kể rất nhiều chuyện về sự giúp đỡ của bạn bè, nhưng lúc này không tiện, chỉ xin nhân dịp này bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến các bạn, Việt cũng như Nga, đã giúp đỡ vô tư và hết lòng trong suốt thời gian làm cuốn phim này.
Bộ phim mang đến cho người xem cảm giác chân thực nhưng cũng không kém phần lãng mạn. Phim xoay quanh Mây, do chính chị thủ vai, một cô gái Việt bươn chải nuôi chồng ăn học trên đất Nga. Dường như nhân vật Mây chính là một phần chân dung con người chị?
Không chỉ nhân vật Mây đâu. Các nhân vật khác trong phim, như Nhật-chàng nghiên cứu sinh không biết nên học hay không học, Dũng một doanh nhân thành đạt và si tình, cho đến thày Đoàn, cô sinh viên Hoa… đều là những mẫu người từ cuộc sống thực bên đó bước vào phim. Có thể nói phim Vòng Đời là phim của nhũng người trong cuộc cùng chung một chân trời.
Đánh giá thành công của phim không thể không nói đến ca khúc da diết và mê hoặc của Trịnh Công Sơn. Được biết Anh Sơn đã làm riêng ca khúc cho phim “Vòng đời”?
Quay phim xong, mình bay về Sài Gòn làm hậu kỳ. Người mình tìm gặp đầu tiên là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Mình vẫn nhớ như in buổi gặp anh Sơn trong căn gác nhỏ. Anh ngồi bên chai Johnny Walker ướp trong xô đá, vừa nhâm nhi ly rượu trên tay, vừa nghe mình kể về nước Nga, về cộng đồng người Việt… Nghe xong anh nói: “Anh đã tìm thấy sự rung động trong câu chuyện em kể về nước Nga, về nỗi nhọc nhằn cay đắng mà giới trí thức phải vượt qua. Anh đồng ý làm nhạc cho phim này. Anh hứa sẽ làm một ca khúc thật hay và Hồng Nhung sẽ hát”. Sau vài ngày mình đã nhận được bản nhạc chép tay mà anh tặng cho phim. Giờ đây mình vẫn còn giữ bản viết tay đó và coi là kỷ vật vô giá về anh.
Bộ phim ngay ở thời điểm ra mắt, đã được đánh giá rất cao. Thậm chí, người xem hôm nay cũng mong chờ “tập tiếp theo” của “Vòng đời”. Nhưng hình như với chị, điện ảnh hay viết kịch bản chỉ là một cuộc chơi mà chị chưa có lời hẹn chính thức? Với những động viên mà chị nhận được, chị có dự định gì mới không?
Đúng là nhiều người hỏi mình về tập tiếp theo. Có nhiều soái ở Nga xem xong rất xúc động vì thuở ban đầu ai cũng xuất phát điểm như Mây, Nhật, Hoa, vậy mà giờ đây họ là những tỷ phú, đại gia, chủ của những trung tâm thương mại, những khu công nghiệp, resort, bệnh viện, trường học… Cũng có người giờ là thứ trưởng, viện trưởng, vụ trưởng, chủ nhiệm khoa, chuyên gia kinh tế…
Với họ “Vòng đời” là những hoài ức không thể nào quên và rất đáng trân trọng. Đạo diễn Hữu Mười, người cùng thực hiện “Vòng đời” với mình, cũng bảo mình phải làm tiếp, phải đi hết số phận nhân vật. Một anh bạn trẻ, vốn là người đã tài trợ nhiều cho bọn mình trong khi làm phim, nhắc mình phải làm tập tiếp theo, về một Mây ở Việt Nam. Riêng mình, cho đến nay, mình vẫn thích một kết thúc mở, để người xem tha hồ tưởng tượng về các kịch bản khác nhau cho số phận của nhân vật.
Có thể là một kịch bản đẹp như chuyện cổ tích và cũng có thể là một kịch bản dữ dằn như chính cuộc sống. Bản thân mình cũng vậy. Bạn hỏi về dự định ư? Nó cũng mở. Mình rất yêu sân khấu, yêu điện ảnh, yêu nghệ thuật, nhưng cuộc sống lại có biết bao điều phải lo, đóng ở chỗ này, mở ở chỗ khác. Mình lúc nào cũng tin ở những bất ngờ tốt đẹp. Chẳng hạn việc phim “Vòng đời” được phát sóng trên Đài THVN.
Mình cứ nghĩ đúng là phim “Vòng đời” có một vòng đời đáng để mong muốn. Hồi ở bên Nga, nó được sự chăm sóc của bạn bè, người thân. Giờ đây, nó lại được sự nâng đỡ của các anh chị bên Đài THVN mà mình xin được nhân đây gửi lời cám ơn vô cùng. Điều tốt đẹp này lại đang đánh thức trong mình những hẹn ước, mà như bạn nói, chưa lúc nào mình có lời chính thức.
Sinh ra trong gia đình nghệ thuật, được coi như “giai nhân một thời”, đã từng có những vai diễn rất đáng nhớ, nhưng có phải vì những năm tháng vất vả “chẳng bao giờ buột miệng kêu ca” mà chị nhắc trong bài thơ tặng chồng đã khiến duyên sân khấu của Lưu Lan Hương chưa đi đến tận cùng như lẽ ra nó phải thế hay vì một lý do nào khác? Và hiện tại, dường như công chúng đang cảm nhận thấy một sự “khởi động lại” của Lan Hương thì phải? Chị sẽ tập trung vào việc viết kịch bản chứ?
Nếu mượn thơ Aragon thì mình sẽ nói duyên sân khấu “ví như cảnh trời chiều. Trời làm sao no được trong nỗi đói những màu yêu”. Cái gọi là duyên sân khấu ấy tham lam lắm, mình phải để nó nuốt chửng cơ. Nhưng, như mình đã nói, mình chọn lối sống mở, đi trên một con đường mở. Và vì vậy, thay vì duyên sân khấu, mình được bù lại một cái duyên mở, một thứ duyên không hẹn trước nhưng phấn khích, đem lại niềm vui và niềm tin cho mình trên đường đi.
Ví như cái duyên mới đây với Đài THVN, hoặc cái duyên lúc này đây ngồi cởi lòng với bạn. Mình hài lòng với cái duyên này. Và vì vậy, cùng với một hẹn ước nghệ thuật đang thức lên trong mình, mình còn dự định dùng số tiền mà Đài THVN ưu ái giành cho phim Vòng Đời để giúp đỡ một cuộc đời kém may mắn nhưng vượt khó vươn lên trong học tập ở quê nhà, tỉnh Quảng Ninh, nơi chôn rau cắt rốn của bố mình.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị, chúc chị sức khỏe và thật nhiều niềm vui!
Nhật Quang