Được thành lập ngày 27/1/1888, đến nay National Geographic đã có lịch sử gần 125 năm hoạt động với 8,5 triệu thành viên là những nhà khoa học, nhà thám thám hiểm trên khắp thế giới.
Một trong những người đầu tiên gia nhập vào hàng ngũ những nhà thám hiểm của National Geographic - anh Robert E. Peary, năm 1909, Peary thực hiện một chuyến hành trình lên Bắc Cực. Dù anh và người bạn đồng hành đã không thể thực sự chạm tới Bắc Cực nhưng hành trình của họ đã đến gần với mục tiêu hơn bất cứ nhà thám hiểm nào trước đó.
Gilbert H. Grosvenor, biên tập viên làm việc toàn thời gian đầu tiên của tạp chí National Geographic. Bức hình được chụp năm 1915 khi Grosvenor thức dậy sau một đêm ngủ dưới gốc cây sequoia khổng lồ trong một chuyến hành trình tới vùng núi Sierra Nevada của bang California. Sau chuyến đi này, Grosvenor đã vận động hành lang để các chính khách thông qua đạo luật cho phép xây dựng một công viên quốc gia tại đây.
Năm 1937, lá cờ của National Geographic tung bay trên boong tàu M.S. Siverash trong chuyến thám hiểm tới vùng Đông Ấn tìm kiếm những loài động vật lạ mang về cho công viên quốc gia của Mỹ. Trong ảnh là vợ chồng bác sĩ William M. Mann và thuyền trưởng Hilton Rowe.
Bức hình được chụp bởi phóng viên ảnh huyền thoại của National Geographic – Maynard Owen Williams tại một cửa hàng tạp hóa ở thành phố Herat, Afghanistan. Điều đặc biệt trong bức hình là không ai tình cờ chớp mắt dù rất đông người xuất hiện trong đó. Tất cả họ đều cố gắng mở mắt thật to. Bức ảnh là minh chứng cho một thời kỳ mà mỗi một “pô” ảnh đều rất được trân trọng.
Bắt đầu từ năm 1938, nhà thám hiểm Matthew Stirling dẫn đầu 8 cuộc thám hiểm do National Geographic tài trợ tới Tobasco và Veracruz của Mexico để tiến hành các hoạt động khảo cổ. Tại đây, họ phát hiện ra 18 tượng đá lớn hình đầu người, là những bằng chứng còn sót lại của nền văn minh Olmec cổ xưa đã nằm sâu dưới lòng đất suốt 15 thế kỷ.
Phóng viên ảnh Howell Walker đang đánh máy trong “văn phòng” của mình trên đồi Inyalark, vùng Arnhem Land, miền Bắc nước Úc năm 1948.
Phóng viên Thomas Abercrombie của National Geographic là phóng viên đầu tiên lên tới Nam Cực. Sự kiện này nằm trong chuỗi hoạt động kéo dài trong hai năm 1957-1958 được coi là Năm Khoa học Thế giới. Nó đã thu hút sự tham gia của các nhà khoa học thuộc 67 quốc gia. Đây là một động thái của cộng đồng khoa học thế giới mong xóa bỏ không khí lạnh nhạt giữa các quốc gia đối đầu trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Đầu thập niên 1960, nhà cổ sinh vật học, phóng viên của National Geographic – Louis Leakey cùng gia đình khảo sát địa điểm cắm trại tại hẻm núi Olduvai ở Tanzania để tìm những dấu tích của người vượn cổ còn lưu lại tại đây. Đó chính là cuộc sống của những người hoạt động khoa học, họ thường không phân định rõ ràng giữa nghỉ ngơi và làm việc.
Năm 1963, đoàn thám hiểm đầu tiên của Mỹ đã lên tới đỉnh Everest trong đó có nhà thám hiểm của National Geographic – Barry Bishop.
Khoảnh khắc cảm động giữa nhà khoa học chuyên nghiên cứu về loài động vật linh trưởng - Jane Goodall và chú tinh tinh Flint ở khu bảo tồn dọc sông Gombe của Tanzania hồi năm 1965.
Năm 1969, phi hành gia người Mỹ Buzz Aldrin bước những bước đầu tiên trên mặt trăng. Trên mặt kính bảo hiểm của anh phản chiếu hình ảnh của Neil Armstrong. Tàu Apollo 11 khi đó đã mang theo lá cờ của National Geographic lên tới mặt trăng.
Bức hình nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Steve McCurry chụp một cô gái người Afghanistan tại một trại tị nạn đã trở thành hình bìa của tạp chí National Geographic tháng 6/1985. Đây là một trong những bìa báo nổi tiếng nhất trong lịch sử phát hành các ấn phẩm báo chí.
Năm 1994, hai nhà làm phim về cuộc sống hoang dã - Dereck và Beverly Joubert ghi hình một chú voi trong cuộc sống tự nhiên từ một khoảng cách rất gần mà không có bất cứ biện pháp bảo vệ nào. Hình được chụp ở Botswana, tại một trong những khu thiên nhiên hoang dã cuối cùng còn chưa bị con người khai thác tới.
“Trinh nữ băng giá” là tên của xác ướp 500 tuổi của một cô gái trẻ sống dưới thời đế chế Inca. Xác ướp được nhà khảo cổ học, phóng viên của National Geographic - Johan Reinhard tìm thấy tại một đỉnh núi ở Peru vào năm 1995.
Nhà khảo cổ học Richard Adams đang nghiên cứu những bức tranh trên tường trong một hầm mộ của người Maya tại công viên quốc gia Rio Azul của Guatemala hồi năm 1984.
Mặt trời lặn trên rừng quốc gia Gifford Pinchot, khu rừng được đặt theo tên của người thành lập ra ngành kiểm lâm Hoa Kỳ cũng đồng thời là một thành viên của hiệp hội nghiên cứu khoa học National Geographic.
Một nhà khoa học, nhà thám hiểm trẻ của National Geographic – Albert Lin đang phi ngựa trên vùng thảo nguyên phía bắc Mông Cổ. Tại đây anh đang tìm kiếm những di chỉ khảo cổ.
Nhà thủy sinh vật học Enric Sala lặn trên vùng biển ngoài khơi Costa Rica. Hoạt động của anh nhằm tìm kiếm, nghiên cứu và bảo vệ những khu vực biển còn chưa bị loài người khai phá tới.
Bức hình được chụp tại Bắc Đại Tây Dương. Trong ảnh là xác con tàu Titanic đã bị mục ruỗng, han rỉ sau khi bị đắm vì va vào một tảng băng trôi hồi tháng 4/1912.
Chú chim cánh cụt ở Nam Cực được trang bị một chiếc camera quay phim dưới nước do nhà thám hiểm của National Geographic – Greg Marshall buộc vào để biến chú chim trở thành nhà quay phim “bất đắc dĩ” cho một bộ phim tài liệu.
Pi Uy
Theo National Geographic