Hàng loạt doanh nghiệp nợ thuế
Thời gian qua, Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để chống thất thu ngân sách, nhưng cơ quan này vẫn đang phải đối mặt với tình trạng nợ đọng thuế triền miên của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn.
Thông tin từ Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa cho biết, đơn vị vừa tiến hành công khai danh sách 31 doanh nghiệp nợ thuế tính đến hết ngày 30/4/2018.
Theo đó, một trong những doanh nghiệp nợ thuế lớn nhất đợt này là Công ty cổ phần Bóng đá FLC Thanh Hóa, địa chỉ tại FLC Samson Golf Links , đường Thanh Niên, phường Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn, nợ 27 tỷ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân, nợ tiền chậm nộp là 3 tỷ đồng;
Tiếp đó là Công ty cổ phần Licogi 13 – Vật liệu xây dựng tại Thanh Hóa (thôn 8, xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) nợ trên 12,4 tỷ đồng; Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng, thương mại và du lịch Việt Anh (thị trấn Triệu Sơn, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) nợ hơn 7,4 tỷ đồng; Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại vận tải Giang Linh (xã Ninh Hải, Tĩnh Gia, Thanh Hóa) nợ trên 5,1 tỷ đồng...
Tổng số thuế mà các doanh nghiệp nợ lên tới hơn 100 tỷ đồng.
Ngày 12/6/2015, Tập đoàn FLC đã tổ chức lễ ra mắt chính thức Câu lạc bộ Bóng đá FLC Thanh Hóa. Ảnh đăng trên Báo Vneconomy. |
Các doanh nghiệp nợ thuế lớn chủ yếu tập trung hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông, vận tải...
Trong số các doanh nghiệp nợ thuế, Công ty cổ phần Bóng đá FLC Thanh Hóa là một điển hình nợ thuế ở mức cao và lặp lại nhiều lần.
Đối với các doanh nghiệp nợ đọng tiền thuế, Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định.
Theo Cục thuế Thanh Hóa, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chây ì nợ thuế là do doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên không có năng lực về tài chính để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.
“Bó tay” với Công ty cổ phần Bóng đá FLC Thanh Hóa?
Theo Luật Quản lý thuế, các biện pháp cưỡng chế nợ thuế phải thực hiện theo đúng quy trình, đúng thứ tự, gồm: Trích tiền tài khoản tiền gửi của đối tượng nợ thuế, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế tại ngân hàng, tổ chức tín dụng; biện pháp thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng; biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên; biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh...
Tuy nhiên quy định này cũng khiến cơ quan thuế gặp không ít khó khăn vì nếu áp dụng tuần tự các biện pháp cưỡng chế sẽ mất rất nhiều thời gian.
Thậm chí khi cơ quan thuế áp dụng các biện pháp nói trên cũng chưa chắc đã thu hồi được số thuế của doanh nghiệp đang nợ.
Điều này đồng nghĩa với việc ngân sách nhà nước sẽ thất thu nếu doanh nghiệp không có khả năng thanh toán khoản thuế còn nợ.
Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa. Ảnh tư liệu của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. |
Đề cập rõ hơn nguyên nhân việc nợ đọng thuế của các doanh nghiệp, trong đó đơn cử như trường hợp của Công ty cổ phần Bóng đá FLC Thanh Hóa, ông Vũ Quốc Dũng – Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa than vãn: “Chúng tôi đến khổ với doanh nghiệp này”.
Ông Dũng cho biết, số tiền nợ thuế của Công ty cổ phần Bóng đá FLC Thanh Hóa chủ yếu là khoản nợ thuế thu nhập cá nhân.
“Họ ký hợp đồng và trả lương cho cầu thủ theo lương “nét”, chưa có thuế thu nhập cá nhân. Bây giờ nếu trích lương cầu thủ để nộp thuế thì họ (cầu thủ) không đồng ý vì lý do, câu lạc bộ ký hợp đồng với mức lương bao nhiêu thì họ nhận lương bấy nhiêu chứ không được trừ thuế thu nhập cá nhân.
Trong khi đó, tiền “rót” cho câu lạc bộ không phải là khoản tiền được hạch toán qua doanh nghiệp mà đó là tiền túi của Tập đoàn FLC cho câu lạc bộ.
Do đó, tiền nợ thuế của Công ty cổ phần Bóng đá FLC Thanh Hóa cứ tính tăng theo hằng quý từ năm 2015 đến nay. Đây là bài toán đau đầu”, ông Dũng cho biết.
Đề cập tới việc sử dụng các biện pháp để thu hồi số nợ thuế của doanh nghiệp này, ông Dũng cho rằng, đây là điều bất khả kháng.
“Chúng đến cưỡng chế tài khoản doanh nghiệp thì tài khoản không có đồng nào. Còn nguồn thu từ việc bán vé (khoảng 24 triệu đồng/trận đấu) đã được cơ quan thuế cưỡng chế 18% hóa đơn.
Dân khốn khổ vì FLC Hoàng Long, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá sao chưa "nâng đỡ"?
|
Tài sản của họ chỉ có một cái phòng, còn sân vận động thì của tỉnh.
Khi áp dụng biện pháp cưỡng chế bên thứ 3 thì họ không nợ nần ai cả nên không cưỡng chế được. Chỉ có tiền Tập đoàn FLC cho họ vài đồng để họ trả lương cho cầu thủ thôi.
Tại các kỳ họp của Ban chỉ đạo chống thất thu thuế chúng tôi đều có phản ánh về trường hợp nợ thuế của doanh nghiệp này, nhưng họ cứ ì ra bởi doanh nghiệp không có một nguồn nào để trả nợ thuế.
Bây giờ chúng tôi cứ phải “treo” thuế của doanh nghiệp lên như vậy.
Tôi kiến nghị với tỉnh, nếu tài chính không đảm bảo thì giải thể (giải thể câu lạc bộ) nhưng lãnh đạo tỉnh không đồng ý vì các bác lo rằng, nếu một ngày nào đó tỉnh Thanh Hóa không còn câu lạc bộ bóng đá thì dân sẽ phản ứng”, ông Dũng cho biết.
Cần phải nói thêm rằng, trong danh sách các doanh nghiệp nợ thuế tính đến hết ngày 30/4/2018 mà phóng viên tiếp cận được không có tên Công ty cổ phần Bóng đá FLC Thanh Hóa – một trong những doanh nghiệp điển hình nợ thuế ở mức cao và lặp lại nhiều lần.
Số liệu nợ thuế của doanh nghiệp này chỉ được Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa cung cấp khi phóng viên đặt câu hỏi với lãnh đạo ngành Thuế tỉnh Thanh Hóa.
Như vậy, có hay không chuyện ngành Thuế ưu ái cho Công ty cổ phần Bóng đá FLC Thanh Hóa nợ tiền thuế?
Về việc này, ông Dũng cho rằng, nhận định như vậy là "oan" cho ngành Thuế:
“Kỳ trước chúng tôi vừa công khai công bố doanh nghiệp này nợ thuế trên phương tiện thông tin đại chúng rồi, nhưng công bố nhiều mà họ vẫn ì ra. Chúng tôi phải để "đất" để công bố doanh nghiệp nợ thuế khác nữa chứ.
Tôi không có một khái niệm ưu ái đối với bất kỳ một doanh nghiệp nào khi họ nợ thuế. Đối với Công ty cổ phần Bóng đá FLC Thanh Hóa, chúng tôi đã thực hiện tất cả các biện pháp, thậm chí cả cưỡng chế hóa đơn của doanh nghiệp.
Nếu nói chúng tôi ưu ái cho Công ty cổ phần Bóng đá FLC Thanh Hóa nợ thuế thì oan ức cho ngành Thuế”, ông Dũng cho biết.