Gửi kiến nghị đến Quốc hội, cử tri tỉnh An Giang lo lắng về tình trạng Trung Quốc vẫn còn hoạt động mạnh tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và tàu cá của ngư dân Việt Nam hoạt động trong vùng biển Việt Nam, nhưng bị tàu lạ bắt giữ người và tài sản.
Cử tri đề nghị Quốc hội tiếp tục có những chính sách bằng con đường ngoại giao để giữ vững lãnh thổ Việt Nam và bảo vệ ngư dân Việt Nam an tâm đánh bắt xa bờ.
Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Ảnh: CSIS)
Cơ chế xử lý vấn đề ngư dân bị bắt giữ
Tại văn bản trả lời, Bộ Ngoại giao khẳng định, chủ trương và lập trường nhất quán của Việt Nam là khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, kiên quyết đấu tranh trước các hành vi vi phạm của Trung Quốc nhằm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982.
Với chủ trương này, thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm tới các hoạt động nghề cá của ngư dân, đặc biệt là các hoạt động nghề cá tại các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia thông qua việc ban hành các chính sách khuyến khích nghề cá, tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh các vùng biển quốc gia và kiên quyết đấu tranh, bảo vệ tính mạng và tài sản cho ngư dân ta khi bị xâm phạm.
Đối với những trường hợp tàu cá của ngư dân ta hoạt động trong vùng biển quốc gia nhưng bị tàu lạ bắt giữ người và tài sản, sau khi nhận được thông tin, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên biển của ta (bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quân và lực lượng kiểm ngư) kịp thời xác minh thông tin, xác định rõ đối tượng tàu lạ để nhanh chóng thực hiện các biện pháp chính trị, ngoại giao thích hợp như trao đổi, giao thiệp, tiếp xúc với đại diện Đại sứ quán có liên quan, trao công hàm phản đối yêu cầu thả tàu cá và ngư dân, yêu cầu chấm dứt các hành động tương tự và tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân thích hợp.
Ngoài việc triển khai các biện pháp bảo hộ ngư dân ta như hiện nay, Bộ Ngoại giao đã và đang phối hợp với các bộ, ngành hữu quan thúc đẩy đàm phán với các nước có liên quan về hợp tác song phương trong lĩnh vực nghề cá cũng như xây dựng cơ chế xử lý vấn đề ngư dân hai bên bị bắt giữ nhằm tạo ra một môi trường biển an toàn và ổn định cho ngư dân tiến hành các hoạt động kinh tế biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trung Quốc làm chìm phán quyết vụ kiện Biển Đông
Cũng quan tâm đến tình hình biển Đông, cử tri tỉnh Thái Nguyên đề nghị Chính phủ cung cấp thông tin kịp thời về tình hình biển Đông, biên giới với các nước láng giềng (đặc biệt là qua các cơ quan báo, đài chính thống của Nhà nước) để nhân dân nắm được thông tin.
Văn bản trả lời cho biết, năm 2017, tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, Trung Quốc tiếp tục các hoạt động trên cả thực địa (tiếp tục lấn biển, tôn tạo lại Hoàng Sa, quân sự hóa, diễn tập quân sự, duy trì số lượng lớn tàu, thuyền trên biển…) và trong ngoại giao (làm chìm Phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện Biển Đông; ngăn chặn nước lớn can dự vào biển Đông, tiếp tục vận động, lôi kéo, gây chia rẽ nội bộ ASEAN trong vấn đề này) nhằm củng cố kiểm soát Biển Đông và hiện thực hóa các yêu sách ở Biển Đông.
Về công tác thông tin tình hình biển Đông và tình hình biên giới với các nước láng giềng cho người dân, hiện Bộ Ngoại giao đã và đang tích cực phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng những nội dung tuyên truyền thông tin về tình hình, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề biển, đảo, biên giới lãnh thổ cho người dân trong và ngoài nước.
Bộ Ngoại giao cũng có kế hoạch và triển khai hợp tác, phối hợp với các cơ quan liên quan phát sóng các chương trình tuyên truyền về công tác biên giới, biển, hải đảo. Các chương trình được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, không chỉ tập trung thông tin những diễn biến mới về hoạt động của các quốc gia có liên quan đến biển Đông mà còn chú trọng giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về vùng biển quốc gia, các quyền và nghĩa vụ của quốc gia trên các vùng biển, góp phần phục vụ công tác đấu tranh, khẳng định chủ quyền Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phản đối các hoạt động vi phạm các quyền và lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông.
P.Thảo
http://dantri.com.vn/chinh-tri/viet-nam-kien-quyet-dau-tranh-truoc-vi-pham-cua-trung-quoc-tren-bien-dong-20180512143938724.htm