Ngày 27/4, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Sơn Trà, ông Nguyễn Thanh Quang - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng cho hay, lãnh đạo thành phố đang yêu cầu Giám đốc Công an Đà Nẵng phải báo cáo giải trình về thông tin tài sản làm xôn xao dư luận vừa qua.
Trước đó, chiều 19/4, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh, cùng thông tin về căn biệt thự của gia đình Đại tá Lê Văn Tam, Giám đốc Công an Thành phố Đà Nẵng tại làng biệt thự Euro Village ven sông Hàn (quận Sơn Trà, Đà Nẵng).
Người đăng thông tin cho rằng căn biệt thự rộng khoảng 1.000 m2 có giá trị 100 tỷ và nghi vấn tài sản này do Phan Văn Anh Vũ (Vũ "Nhôm") "tài trợ".
Trả lời báo giới, Đại tá Lê Văn Tam cho biết hình ảnh căn biệt thự đúng là của gia đình ông. Tuy nhiên thông tin nhà từ tiền của Vũ "Nhôm" là không chính xác.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đánh giá cao động thái trên của lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng.
Căn biệt thự được cho là của gia đình ông Tam. (Ảnh:Vietnamnet.vn) |
“Điều này cho thấy Thành phố Đà Nẵng quyết tâm làm rõ các thông tin xung quanh sự liên quan của Vũ “nhôm” với các cán bộ ở đây”, ông Sửu nói.
Theo ông Sửu, dù ông Lê Văn Tam phủ nhận căn biệt thự đó là do Vũ “nhôm” tặng nhưng đó chỉ là thông tin một chiều.
“Ông Tam có quyền lên tiếng. Tuy nhiên, sự thực thế nào thì phải xác minh mới kết luận được”, ông Sửu nhấn mạnh.
Theo vị nguyên cán bộ Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Lê Văn Tam là đối tượng thuộc diện kê khai tài sản.
Đầu tiên nên xem bản kê khai tài sản của ông Tam đã kê khai đầy đủ chưa. Bản kê khai đó có căn biệt thự này không?
Theo ông Sửu, căn biệt thự của gia đình Giám đốc Công an có liên quan đến Vũ “nhôm” hay không thì cần phải chờ đợi kết luận của cơ quan chức năng.
Nhưng Vũ “nhôm” lũng đoạn Đà Nẵng suốt thời gian dài như thế đương nhiên là Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng không thể vô can.
Ai dính đến Vũ nhôm đều phải bắt hết
|
“Ông Tam có liên quan đến Vũ “nhôm” ở mức độ nào cần phải được điều tra làm rõ”, ông Sửu nêu quan điểm.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc ở Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Ngô Văn Sửu cho rằng: “Chúng ta phải đợi kết quả giải trình cụ thể về tài sản của Giám đốc công an Thành phố Đà Nẵng xem có dấu hiệu vi phạm hay không.
Nếu có dấu hiệu vi phạm về tài sản, đầu tiên là ủy ban kiểm tra của Đà Nẵng sẽ vào cuộc xem xét.
Tiếp đó, nếu phát hiện tài sản có liên quan đến Vũ “nhôm”, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải vào cuộc”.
Theo ông Sửu, thực tế thời gian qua, nhiều cán bộ quan chức có biệt thự, tài sản “khủng” thường bị dư luận nghi ngờ, đặt dấu hỏi về nguồn gốc tài sản.
“Họ là cán bộ làm công ăn lương nhà nước, dù giữ quyền cao chức trọng đi nữa lương cũng chỉ vài chục triệu đồng/tháng.
Trong khi, giá trị các biệt thự, biệt phủ lên đến cả chục tỷ, thậm chí trăm tỷ đồng. Vậy họ lấy tiền đâu ra?”, ông Sửu đặt câu hỏi.
Theo ông, việc kê khai tài sản thu nhập của cán bộ, chúng ta đã làm từ lâu nhưng tính trung thực trong kê khai, giám sát, kiểm tra để phát hiện ra cán bộ vi phạm vẫn là thách thức lớn.
“Nếu cứ đợi đến khi có dư luận hoặc có vi phạm mới “nhớ” đến bản kê khai tài sản thì rõ ràng tín răn đe, phòng ngừa tham nhũng qua kê khai tài sản chưa đạt được”, ông Sửu nêu quan điểm.