Bộ đội Biên phòng Nghệ An chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ 419 km đường biên giới trên đất liền, 82 km bờ biển. Với địa bàn rộng, tính chất phức tạp nhưng thời gian qua, bằng việc thực hiện tốt Chỉ thị 01 ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, Bộ đội Biên phòng Nghệ An tiếp tục khơi dậy được sức mạnh trong lực lượng và toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Bộ đội Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn phối hợp với Đoàn Thanh niên xã Nậm Cắn tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Hoài Thu
PV: Thưa Đại tá Lê Như Cương, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cấp, các ngành và của toàn dân. Song lực lượng nòng cốt vẫn là Bộ đội Biên phòng. Đồng chí có thể cho biết sau khi có Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai thực hiện nhiệm vụ này như thế nào?
Đại tá Lê Như Cương: Khu vực biên giới quốc gia là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và các lực lượng vũ trang và các cấp, các ngành trong đó BĐBP là lực lượng nòng cốt.
Đại tá Lê Như Cương thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh: Hải Thượng.
Do đó, sau khi Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc. Vì chúng tôi xác định để có thể thực hiện tốt, có hiệu quả nội dung này thì cần phải tham mưu phối hợp với các cấp, các ngành trong lãnh đạo, chỉ đạo và huy động sức mạnh của nhân dân toàn tỉnh để thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng trong tham gia quản lý bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Quốc gia.
Bộ đội Đồn Biên phòng Mỹ Lý (Kỳ Sơn) hướng dẫn người dân trồng chanh leo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Hoài Thu
PV: Đồng chí có thể cho biết các biện pháp, cách làm và kết quả cụ thể?
Đại tá Lê Như Cương: Trước hết chúng tôi xác định hết sức coi trọng việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng không chỉ đối với các cấp ủy, chính quyền và người dân về vai trò, ý nghĩa, trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi tổ chức, cá nhân về chủ trương và tầm quan trọng của việc tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; đã vận động nhân dân thành lập, duy trì các đội, nhóm tự quản cột mốc, đường biên. Năm 2017, hoạt động của các tổ tự quản cơ bản đã đi vào nề nếp.
Các đơn vị đã phối hợp và tổ chức tuyên truyền được 192 lượt/20.343 người nghe, tổ chức lực lượng xuống từng thôn, bản, hộ gia đình để tuyên truyền, vận động, bồi dưỡng, hướng dẫn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, quy trình thực hiện các nội dung đã ký cam kết cho các tổ tự quản. Vì vậy, trong 258 đợt tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới có 1.601 lượt người tham gia. Các hộ gia đình, cá nhân của các tổ tự quản đường biên, cột mốc đã kết hợp tốt giữa nhiệm vụ sản xuất với việc tham gia bảo vệ biên giới, đã tiến hành phát quang được 8km đường biên ở gần khu vực sản xuất.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng tuần tra bảo vệ biên giới trên biển. Ảnh tư liệu.
Trong năm 2017 các đồn Biên phòng đã tham mưu UBND các huyện ra quyết định công nhận thành lập mới 4 tổ tự quản bến bãi, bổ sung thay thế thành viên 3 tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới. Các tổ, hộ đăng ký tự quản 407,2 km đường biên; 103 mốc quốc giới; 6 cọc dấu; 18 bến bãi an toàn. Các tổ tự quản đã kịp thời cung cấp 682 nguồn tin tố giác tội phạm, giúp các đồn Biên phòng bắt giữ, xử lý khởi tố 22 vụ/27đối tượng, xử lý vi phạm hành chính 168 vụ/ 233 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước 274.9 triệu đồng, phối hợp vận động thu hồi 282 khẩu súng tự chế.
Các tổ tàu thuyền đã kịp thời phát hiện và báo với các đồn Biên phòng tuyến biển được 30 nguồn tin liên quan đến hoạt động của tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển của ta để đánh bắt hải sản và thăm dò tài nguyên, giúp cho các lực lượng chức năng đấu tranh có hiệu quả. Đồng thời các đồn Biên phòng cũng tham gia tích cực trong công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển 26 vụ/158 thuyền viên gặp tai nạn trên các vùng biển.
Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh trích gần 100 triệu đồng để mua máy thông tin, áo phao, phao cứu sinh, bình cứu hỏa, cờ Tổ quốc,... hỗ trợ cho các tổ tàu thuyền an toàn phục vụ cho hoạt động trên biển.
Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Ảnh tư liệu
PV: Trong quá trình triển khai công tác này có gặp trở ngại, khó khăn gì không, thưa đồng chí ?
Đại tá Lê Như Cương: Khó khăn lớn nhất đó là tỉnh ta có đường biên giới dài, địa hình phức tạp, dân cư chủ yếu sống xa đường biên, cột mốc nên hoạt động tự quản và nắm bắt tình hình trên biên giới của các tổ tự quản và người dân khó khăn và có lúc chưa thể kịp thời. Đặc biệt, ở những vùng có điều kiện khí hậu khắc nghiệt gây khó khăn rất lớn trong công tác tuần tra, kiểm soát, tự quản đường biên cột mốc của lực lượng bộ đội Biên phòng và người dân địa phương. Một số địa phương, đặc biệt là các thôn, bản xa trung tâm, do điều kiện đi lại khó khăn, nhiều nơi chưa có điện lưới, chưa có sóng điện thoại nên việc hợp tác, thông báo tình hình với chính quyền, các lực lượng chức năng có lúc chưa thật kịp thời.
Bên cạnh đó là nguồn lực hỗ trợ đối với công tác này còn rất hạn chế, bởi hầu hết các địa phương khu vực biên giới đều thuộc diện nghèo, đặc biệt khó khăn.
Mặt khác, một số đơn vị còn lúng túng trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương gắn kết giữa phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới với phát triển kinh tế - xã hội và chất lượng đội ngũ cán bộ của ban quản lý các thôn, bản còn hạn chế nên một số nơi phong trào chưa thật sự có chiều sâu.
Bác sỹ Quân y Bộ đội Biên phòng thăm khám cho người dân vùng biên giới. Ảnh tư liệu
PV: Thời gian tiếp theo, Bộ đội Biên phòng tỉnh sẽ chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg như thế nào?
Đại tá Lê Như Cương: Ngoài tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là tuyên truyền giáo dục về chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia cho mọi đối tượng trên địa bàn. Chúng tôi sẽ rà soát, củng cố, nâng cao chất lượng các tổ an ninh trật tự thôn, bản; tổ bến bãi; tổ tàu thuyền, các tổ tự quản đường biên giới, mốc quốc giới. Duy trì thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa đơn vị với địa phương về xây dựng đơn vị an toàn, địa bàn an toàn.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ chỉ đạo các đồn Biên phòng bổ sung quy chế phối hợp giữa Đảng ủy các đồn Biên phòng với Đảng ủy các xã, phường, biên giới, ven biển. Phối hợp với các huyện, thị biên giới khảo sát, rà soát quy hoạch bố trí dân cư theo Quyết định 7468/QĐ-UBND ngày 30/12/2014 của UBND tỉnh Nghệ An. Xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các đồn Biên phòng tổ chức tập huấn về kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, quy trình hoạt động cho cán bộ và quần chúng nòng cốt trong thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ đội Biên phòng Nghệ An phối hợp Công an Biên phòng nước bạn Lào tuần tra song phương bảo vệ an ninh biên giới. Ảnh tư liệu
Một trong những nội dung quan trọng, cốt lõi để thực hiện Chỉ thị 01 mà không chỉ lực lượng Biên phòng mà đối với tất cả các các địa phương, tổ chức đoàn thể đã và đang tập trung thực hiện là tham gia xây dựng và phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng, an ninh các xã biên giới, vùng biển. Cụ thể là đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011- 2020 và phong trào thi đua 'Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới'; Nhân rộng các mô hình điểm, giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở các xã, phường biên giới, ven biển.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!