Vào chiều 28/2, qua hệ thống camera giám sát, Đội tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 2 thuộc Phòng tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc (Cục cảnh sát giap thông) phát hiện xe con biển kiểm soát 30A đi ngược chiều tại km 30 cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Nữ tài xế sau đó được xác định sinh năm 1976, ở Hà Nội. Tại cơ quan chức năng, chị này khai nhận mình đi nhầm đường lên đã quay đầu lại đi ngược chiều.
Ngày 16/3, trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh nữ tài xế quay đầu xe ô tô trên cầu Cót (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy Hà Nội) đúng giờ cao điểm, quát mắng những người đi xe máy vì không "nhường" cho xe quay đầu.
Tết đã đi qua, nỗi buồn còn đó
|
Ngày 29/3, dư luận được phen thót tim khi xem lại clip ghi lại pha bẻ lái của tài xế Đỗ Văn Tiến, ở Thủy Nguyên, Hải Phòng cứu mạng hai nữ sinh. Cú đánh lái nhanh đã khiến xe tải của anh Tiến tông vào hai xe ô tô khác ở ven đường rồi lật ngang.
Nguyên nhân bắt đầu từ việc hai nữ sinh đi xe máy bất cẩn đã va vào xe máy phía trước và ngã ra đường. Hai nữ sinh thì đi khỏi hiện trường rồi "im hơi lặng tiếng", bỏ mặc cho người lái xe dũng cảm chịu trận.
Mới nhất vào ngày hôm qua (5/4), xuất hiện tiếp một clip ghi lại cảnh xe cứu hỏa làm nhiệm vụ trên đường Cao Xanh, Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) liên tục hú còi nhưng chiếc ô tô 4 chỗ màu trắng BKS 14A-291.10 đi phía trước vẫn ung dung không chịu nhường đường.
Trên đây chỉ là số ít những thí dụ về văn hóa tham gia giao thông kỳ quặc của một bộ phận người Việt.
Chính vì ý thức tham gia giao thông theo kiểu “kỳ quặc” như vậy đã khiến bộ mặt giao thông nước ta ngày càng méo mó.
Không khó để bắt gặp cảnh giao thông tại các thành phố lớn liên tục ùn ứ, đến xe cứu thương, cứu hỏa cũng chẳng được nhường đường vì tâm lý ích kỷ, luôn muốn mình nhanh hơn người khác.
Không chỉ chen lấn, tranh cướp từng bánh xe mà nhiều người còn vô tư "lấn làn, tạt đầu, vượt đèn đỏ", gây ra nguy hiểm cho người khác nhưng khi có va chạm giao thông dù rất nhỏ cũng sẵn sàng lao vào hành hung người khác, trong đó có cả những vụ hành hung người nước ngoài.
Đó là sự việc xảy ra vào tháng 6/2017, Nguyễn Duy Khánh (trú xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) và Doãn Văn Cường (trú quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã tấn công anh Maxwell David Gulian (quốc tịch Mỹ) cùng bạn gái của anh này sau khi xảy ra va chạm giao thông trên đường Trần Khát Chân (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng).
Anh Maxwell David Gulian bị hành hung chảy máu trên mặt, còn bạn gái của anh cũng bị Nguyễn Duy Khánh đánh mạnh vào đầu khi cố gắng can ngăn.
Sau đó, Công an quận Hai Bà Trưng đã khởi tố vụ án để điều tra làm rõ hành vi của Nguyễn Duy Khánh và Doãn Văn Cường.
Một vụ việc khác xảy ra vào tháng 8/2017, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra xét xử hai anh em ruột là Huỳnh Thái Nguyên (22 tuổi) và Huỳnh Thái Bảo (25 tuổi) đều ngụ tại huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau khi đi chơi đêm về, hai thanh niên này tông xe máy vào chiếc xe cứu hộ đỗ ven đường. Lỗi do mình gây ra nhưng hai thanh niên lại gây sự đánh tài xế xe cứu hộ. Chẳng những thế, Nguyên còn đập vỡ tủ kính ven đường, dùng mảnh kính đâm chết tài xế.
Vậy là chỉ một phút bốc đồng không làm chủ được bản thân, thanh niên còn quá trẻ đã cướp đi mạng sống của người khác, và tự đưa mình vào vòng lao lý.
Rất nhiều hành vi kỳ quặc của những người tham gia giao thông vẫn đang hiển hiện từng ngày (Ảnh: cắt ra từ clip trên mạng xã hội) |
Mỗi năm có hàng chục nghìn vụ tai nạn giao thông trên cả nước, không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, mà còn gây ra hệ lụy lâu dài đối với hàng nghìn gia đình và xã hội.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông và người ta thường chỉ đổ lỗi cho cơ sở hạ tầng còn kém, phương tiện giao thông không đảm bảo điều kiện an toàn (quá hạn, quá cũ, xe tự tạo)…
Nhưng có một sự thật (dù nhiều người không muốn thừa nhận) đó là trong những nguyên nhân dẫn tới nhiều vụ tai nạn thương tâm lại là do ý thức tham gia giao thông quá yếu kém.
Phóng nhanh, vượt ẩu... chỉ cần một phút bốc đồng, nhiều thanh niên đã tự hủy hoại sinh mạng của chính bản thân và những người xung quanh.
Ý thức tham gia giao thông yếu kém cũng khiến cho tình trạng tai nạn giao thông ở Việt Nam tăng cao hơn hẳn so với các nước trên thế giới.
Không chỉ vô tư phạm luật khi tham gia giao thông, vượt đèn đỏ, leo lên vỉa hè bất cứ khi nào... để đi nhanh hơn mà còn tỏ ra vô cảm với những người đang tham gia giao thông xung quanh.
Không những thế, nhiều người sau khi vi phạm giao thông lại không chịu thừa nhận hành vi vi phạm mà còn tìm cách chống đối, thậm chí sẵn sàng thóa mạ lực lượng thi hành nhiệm vụ.
Phó Thủ tướng căn dặn: “Học sinh luôn đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông
|
Vào tháng 7/2017, người phụ nữ có tên Trịnh Thị Thùy Dương (quê Hà Nội, ngụ Q.Thủ Đức) lái ô tô đi lấn làn, dù được Cảnh sát giao thông nhắc nhở nhưng lại dừng xe lao vào chửi bới, thóa mạ người đang thực hiện nhiệm vụ.
Sự việc này gây ùn tắc giao thông trong một khoảng thời gian dài khiến những người đi đường vô cùng bức xúc.
Sự việc trên xảy ra tại phường 25 quận Bình Thạnh. Sau khi làm việc với công an phường sở tại, người phụ nữ tên Dương đã thừa nhận hành vi không đúng của mình.
Thậm chí có cả những trường hợp vi phạm giao thông, bị dừng xe để xử lý thì tông thẳng vào cảnh sát rồi móc dao đe dọa như là Nguyễn Xuân Sang tại Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa vào chiều 31/12/2017.
Mới nhất vào tối 14/1/2018, tại Thành phố Hải Phòng, sau khi bị kiểm tra nồng độ cồn, một số người lạ mặt xin bỏ qua không được đã quay ra chỉ mặt cảnh sát quát mắng xối xả.
Người đàn ông chỉ mặt cảnh sát thách thức: “Tao đã xin rồi, trường hợp này tao đã xin rồi mà cố tình để như thế này. Mày cứ bắn tốc độ đi. Tao đang uống rượu đây, bắt tao đi”.
Với hàng loạt hành vi "kỳ quặc" ấy nên đã có ví von chua chát rằng, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người Việt hiện nay không bằng... những con kiến. Đàn kiến không cần đèn tín hiệu, không cần chỉ dẫn vẫn đi rất đúng hàng, nhưng con người thì lại bất chấp tất cả.
Nói về nguyên nhân tai nạn giao thông, phát biểu trên báo Quân đội nhân dân, Giáo sư Hoàng Chương, một chuyên gia về nghệ thuật dân tộc-nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng và cũng là Chủ nhiệm Dự án Văn hóa giao thông thuộc Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng:
Việc để xảy ra nhiều tai nạn giao thông trong các dịp lễ, tết "càng bộc lộ rõ sự thiếu văn hóa trong một bộ phận nhân dân, nhất là thanh niên, khi tham gia giao thông, như: Uống bia-rượu quá mức quy định, không đội mũ bảo hiểm và phóng nhanh, vượt ẩu... Khi con người còn thiếu ý thức, thiếu văn hóa tham gia giao thông thì tai nạn ắt sẽ xảy ra".
Có thể thấy, sẽ chẳng có văn hóa giao thông nếu ý thức từ con người không được cải thiện, mỗi người tham gia giao thông không chỉ có trách nhiệm giữ an toàn cho bản thân mà còn phải giữ an toàn cho cộng đồng, xã hội.
Từ ngày 1/1/2018, theo Bộ luật hình sự từ 1/1/2018, người tham gia giao thông nói chung và người đi bộ nói riêng vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây ra các vụ tai nạn nghiêm trọng thì có thể bị phạt tù từ 7-15 năm.
Mức phạt đó hi vọng sẽ cảnh tỉnh và đủ sức giáo dục và răn đe những người tham gia giao thông có ý thức và văn hóa hơn.
Tài liệu tham khảo:
1. https://laodong.vn/phap-luat/xu-ly-vi-pham-giao-thong-luc-luong-csgt-tphai-phong-bi-de-doa-586773.ldo
2. http://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/ho-so-vu-an/va-cham-giao-thong-hai-anh-em-ra-tay-giet-nguoi-tren-pho-389001.html
3. http://anninhthudo.vn/phap-luat/khoi-to-vu-hai-doi-tuong-hanh-hung-thanh-nien-ngoai-quoc-khi-va-cham-giao-thong/732759.antd
4. http://ct.qdnd.vn/van-hoc-nghe-thuat/tro-chuyen-voi-giao-su-van-hoa-giao-thong-515180