Dân trí Nhà trưng bày Hoàng Sa nằm trên đường Hoàng Sa (TP Đà Nẵng) là thiết chế văn hóa, lịch sử mang ý nghĩa chính trị đặc biệt; là nơi trưng bày, giới thiệu những hình ảnh, tư liệu xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Sáng 28/3, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức lễ khánh thành công trình Nhà trưng bày Hoàng Sa. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 43 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 1.296m2 với 4 tầng do UBND TP Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Sau khi hoàn thành, công trình được bàn giao cho UBND huyện Hoàng Sa đưa vào sử dụng.
Nhà trưng bày Hoàng Sa là thiết chế văn hóa mang ý nghĩa lịch sử đặc biệt; là nơi trưng bày, giới thiệu, tuyên truyền những thông tin, tư liệu, hình ảnh sinh động, giá trị minh chứng lịch sử quá trình khai phá, việc xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhà trưng bày Hoàng Sa chính thức hoạt động từ ngày 28/3
Những hình ảnh, tư liệu trưng bày tại Nhà trưng bày Hoàng Sa được chia thành 5 chủ đề: Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của quần đảo Hoàng Sa, Hoàng Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam trước thời nhà Nguyễn, Hoàng Sa trong thư tịch cổ ở thời Nguyễn (1802-1945), Bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa từ năm 1945-1974, Bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa từ năm 1975 đến nay.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, Hoàng Sa là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc nên Nhà trưng bày Hoàng Sa - một bảo tàng chuyên đề - có thể được xây dựng ở bất kỳ địa phương nào trong cả nước. Nhưng có thể nói rằng không có nơi nào phù hợp hơn TP Đà Nẵng trong việc xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa, bởi khi lịch sử đã giao cho Đà Nẵng thay mặt cả nước liên tục quản lý toàn bộ quần đảo Hoàng Sa gần 60 năm qua thì xây dựng Nhà Trưng bày Hoàng Sa ngay trên đường Hoàng Sa bên bờ biển Đông của Đà Nẵng là hợp tình hợp lý.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại lễ khánh thành Nhà trưng bày Hoàng Sa
“Khó có thể hình dung một Đà Nẵng đang từng ngày phát triển mà không có một nơi để trưng bày và quảng bá rộng rãi những bằng chứng vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị pháp lý khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa qua các thời kỳ. Điều rất có ý nghĩa là bản thân Nhà trưng bày Hoàng Sa đã được nhóm tác giả Fuminori Minakami, Trần Quốc Thành và Nguyễn Huy Quang thiết kế có hình “Con dấu chủ quyền của đất nước Việt Nam” hết sức ấn tượng. Ý tưởng thiết kế độc đáo này đã thể hiện sinh động một sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, đồng thời chứng tỏ Việt Nam đã có một quá trình xác lập và thực thi chủ quyền rất sớm đối với quần đảo Hoàng Sa, ít nhất là từ thời các chúa Nguyễn mà việc vua Minh Mạng đóng dấu trong văn bản thành lập hải đội Hoàng Sa là một trong những dấu mốc quan trọng của quá trình xác lập và thực thi chủ quyền không thể tranh cãi này”, Chủ tịch Đà Nẵng nhấn mạnh.
Lãnh đạo TP Đà Nẵng cắt băng khánh thành Nhà trưng bày Hoàng Sa
Theo Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, sau lễ khánh thành Nhà Trưng bày Hoàng Sa, người Đà Nẵng cùng du khách thập phương có thể đến đây để tận mắt chứng kiến những bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của người Việt đối với quần đảo này, nhưng quan trọng hơn là để luôn nhớ rằng cho đến tận hôm nay, TP Đà Nẵng vẫn chưa được hoàn toàn giải phóng bởi ngoài biển khơi xa kia đương còn nguyên một huyện bị chiếm đóng trái phép...
Được biết, sau lễ khánh thành, Nhà trưng bày Hoàng Sa chính thức mở cửa, đón tiếp người dân và du khách tới tham quan. Giờ mở cửa buổi sáng từ 7h30 – 11h30, buổi chiều từ 13h30 – 17h30 từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần.
Một số hình ảnh, tư liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Nhà trưng bày Hoàng Sa:
Lời giới thiệu về Quần đảo Hoàng Sa
Bản đồ cổ của Trung Quốc do Trung Quốc xuất bản, xác nhận lãnh thổ Trung Quốc không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam
Các thể địa lý tại quần đảo Hoàng Sa
Các đảo tại Quần đảo Hoàng Sa
Hình ảnh ngọn lửa -biểu tượng cho lòng yêu nước được thiết kế trên nền mô hình cờ Tổ quốc
Hoàng Sa trong thư tịch cổ của người Việt Nam trước thời Nguyễn
Hoàng Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam thời nhà Nguyễn
Hoạt động đánh bắt hải sản, bám biển của ngư dân tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa
Lá cờ đỏ sao vàng 100m2 do bà Phạm Thị Phán (Hải Dương) tặng UBND huyện Hoàng Sa
Mô hình ngọn hải đăng được xây dựng tại Hoàng Sa
Mô hình tàu cảnh sát biển DN2000 dùng tuần tra, bảo vệ biển đảo của Tổ quốc
Những nhân chứng từng sinh sống và làm việc tại Hoàng Sa
Đồ dùng cá nhân của các binh phu đội Hoàng Sa mang theo khi đi khảo sát, đo đạc và tìm kiếm hải vật tại quần đảo Hoàng Sa
Vỏ ốc - kỷ vật của những nhân chứng Hoàng Sa
Các em học sinh tham quan Nhà trưng bày Hoàng Sa
Khánh Hồng
http://dantri.com.vn/xa-hoi/nha-trung-bay-hoang-sa-chinh-thuc-mo-cua-don-du-khach-tham-quan-20180328112915423.htm
|