Ít ngày trước, tôi có dịp đến Las Vegas, thủ phủ cờ bạc của nước Mỹ và thế giới.
Lúc ấy, khách sạn sòng bạc nơi tôi ở - Mandalay Bay - trở nên rất đặc biệt, vì trước đó hai tháng, một sát thủ đã thuê phòng ở tầng 32, xả xúng xuống đám đông đến xem nhạc hội.
58 người đã chết, hàng trăm người bị thương. Sát thủ cũng đã tự sát bên cạnh 23 khẩu súng trong lô cốt chết chóc ở tầng 32.
Vụ việc rúng động nước Mỹ và thế giới ấy, rồi cũng chìm nhanh vào dòng thác hối hả của thông tin và các mối quan tâm.
Sau 2 tháng, chúng tôi vẫn phải xếp hàng dài để làm thủ tục nhận phòng trước quầy lễ tân của Mandalay Bay.
Và sòng bài ở tầng trệt khách sạn vẫn đông nghẹt tới sáng.
Khách sạn sòng bạc Mandalay Bay
Tôi đem điều tự cho là lạ lùng ấy hỏi một người bạn Việt Nam đã sinh sống lâu năm ở đó: "Tôi nhớ rằng, sau vụ các máy bay chở khách mất tích, Maylaysia Airlines đã phải tuyên bố phá sản và ngành hàng không đã sụt giảm khách đáng kể một thời gian dài.
Tại sao người Mỹ vẫn không ngại ngần đến Mandalay Bay sau thảm kịch? Phải chăng dân Mỹ đã quen với việc xả xúng, khủng bố?".
Anh bạn trầm ngâm một hồi rồi trả lời: "Thế giới bây giờ là vậy. Biết tìm đâu một nơi trú ẩn an toàn trên địa cầu nhiều bất ổn này? Rồi chúng ta cũng phải sống chung với lũ hết. Thiên tai, nhân tai, dịch bệnh, đâu cũng có cả.
Nhưng ông nghĩ kỹ đi, ở Mỹ mỗi năm có chục ngàn người chết vì súng đạn thì ở Việt Nam, mỗi ngày có số nạn nhân tương đương một "vụ xả súng": Có 25 người sáng đi ra khỏi nhà mà không thể trở về và hàng chục người thương tật vì tai nạn giao thông.
Tết của người Việt là Tết đoàn viên, thế mà chỉ trong 7 ngày nghỉ, có gần 200 người chết và gần 200 người bị thương vì tai nạn giao thông. Tết như thế chỉ có thể gọi là cái Tết đáng sợ. Mỗi năm ở Việt Nam có tới hơn 15.300 người chết vì tai nạn giao thông, sao lại đáng sợ đến vậy".
Bên ngoài khách sạn sòng bạc Mandalay Bay
Anh bạn bảo, mỗi khi đọc báo Việt Nam, thấy một vụ tai nạn giao thông, anh lại thầm tự hỏi: Tại sao ở nước mình, có nhiều người sẵn sàng biến vô lăng thành "họng súng" bóp cò vào chính đồng bào mình như vậy?
Rồi anh chốt lại: "Chưa kể đến những việc người ta giết nhau chỉ vì một câu chửi, một ánh nhìn thiếu thân thiện, một âm thanh hát karaoke quá to; chết dần vì không khí ô nhiễm, vì thực phẩm bẩn… Nếu xét đến cùng như thế, nơi nào an toàn hơn?, ông tự trả lời nhé".
Tôi không biết trả lời bạn thế nào. Tôi chỉ kể lại cho bạn lý giải của một nhà nghiên cứu:
"Khi rất nhiều người trong xã hội đều muốn đi tắt, vượt lên phía trước, lấn làn người khác từ buôn bán đến quan lộ; khi người ta sẵn sàng giẫm đạp lên nhau, văng tục, đánh nhau để giành giật từ quả cầu, quả phết đến một chiếc ghế, một suất biên chế, một chức danh, học vị; khi vẫn còn người cầu viện đến cả thánh thần, bùa ngải như một "họng súng mềm" để triệt hạ nhau, thì hội chứng phóng nhanh vượt ẩu trên quốc lộ cũng là điều có thể suy luận được".
Nghe tôi kể xong, người bạn cũng im lặng.
Tối hôm ấy, giữa sòng bài náo nhiệt của Las Vegas, hai người Việt chúng tôi đều bất giác thở dài.