Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến (Ảnh Lương Kết).
Vị tướng luôn có mặt ở hiện trường các vụ thảm án
Chiều 3.1, Bộ Công an đã trao quyết định nghỉ chờ hưởng chế độ hưu trí cho Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (C45), Tổng Cục cảnh sát (Bộ Công an).
Có thể nói trong nhiều năm qua, vị tướng hình sự Hồ Sỹ Tiến đã để lại nhiều dấu ấn trong các vụ án ông tham gia chỉ đạo. Có người ví ông là “khắc tinh của tội phạm”.
Điều mà nhiều người dễ dàng nhận thấy là ông luôn có mặt tại hiện trường của những vụ trọng án gây xôn xao dư luận để tham gia chỉ đạo phá án. Có thể kể đến như: vụ án Lê Văn Luyện sát hại 3 người trong một gia đình ở Bắc Giang (năm 2011); vụ thảm sát 6 người trong một gia đình ở Bình Phước (năm 2015); vụ sát hại 4 người trong một gia đình ở Nghệ An (năm 2015); vụ Doãn Trung Dũng sát hại 4 bà cháu ở Quảng Ninh (năm 2016); đặc biệt vụ truy bắt đối tượng cực kỳ nguy hiểm Trần Công Hùng ở Kom Tum (năm 2016) - đối tượng này đã dùng súng AK, K59, lựu đạn để chống lại lực lượng truy bắt…
Tướng Tiến dẫn đầu đoàn công tác vào hiện trường vụ thảm án 4 người tại Nghệ An. (Ảnh cán bộ C45 cung cấp)
“Đối với các vụ án, đặc biệt là các vụ trọng án có hiện trường, nếu người chỉ huy không trực tiếp xuống hiện trường thì không biết để chỉ đạo hoặc không nhận định được đối tượng gây án, không nhận định được tính chất vụ án. Việc có mặt tại hiện trường giúp người chỉ huy nhận định được nhiều thứ. Vấn đề nữa là chỉ đạo lực lượng khám nghiệm hiện trường làm đúng quy trình. Hiện trường vụ án rất quan trọng, có những lần vụ án bế tắc là do lực lượng khám nghiệm hiện trường làm ẩu, dấu vết không thu được…”, tướng Tiến chia sẻ.
Tướng Hồ Sỹ Tiến cho biết, từ năm 2009, khi ông chuyển công tác về Cục cảnh sát hình sự, trong nhiều năm dưới sự chỉ đạo của ông, C45 đã thực hiện nhiều loại án phức tạp khác nhau. Bên cạnh đó là chủ trì, phối hợp với công an các địa phương thực hiện các chuyên án, có những chuyên án với sự tham gia của 30 đơn vị ở các địa phương. “Qua các chuyên án tạo ra sự phối hợp nhịp nhàng giữa Bộ Công an và công an các địa phương trong đấu tranh phòng, chống tội phạm”, tướng Tiến cho hay.
C45 dưới thời tướng Tiến làm Cục trưởng, mấy năm trước đồng loạt triệt phá các sới bạc truyền thống công khai hoạt động gây bức xúc cho địa phương. Như sới bạc ở Chùa Dận (Bắc Ninh); chợ Đường Cái (Hưng Yên); Sóc Sơn (Hà Nội); Lương Sơn (Hòa Bình)… đã lần lượt bị C45 triệt phá với hàng trăm đối tượng bị bắt giữ với các tang chứng, vật chứng rõ ràng…
“Có thể nói đến nay không còn một sới bạc nào hoạt động công khai. Hoạt động cờ bạc là tội phạm có tổ chức, dẫn đến hậu quả xã hội rất lớn như chơi lâm vào nợ nần, gia đình ly tán, sinh ra chuyện đòi nợ thuê, "đâm thuê, chém mướn"”, tướng Tiến cho biết.
Tập trung triệt phá tội phạm có tổ chức
Còn nhớ một ngày cuối tháng 8.2017, khi sang C45 phỏng vấn tướng Tiến, ông cho biết: “Đầu tháng 9.2017, tôi sẽ nghỉ hưu”. Tuy nhiên, sau đó ông lại được kéo dài thêm thời gian công tác vì ông là Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an nên Bộ trưởng Bộ Công an có ý kiến để ông tiếp tục công tác, chờ bổ nhiệm cục trưởng thay thế.
Trong lần trò chuyện này, PV có hỏi ông: “Khi về nghỉ hưu rồi, điều gì làm anh trăn trở nhất?”. Vị tướng hình sự này cười xòa bảo: "Anh em công an ai cũng mong xã hội luôn bình yên, nhưng để có được như vậy cần sự chung tay, chung sức của nhiều người, của cả cộng đồng".
“Qua thực tiễn thấy, rất nhiều vụ án xảy ra nhiều khi do nhận thức của bị hại hoặc sự chủ quan của bị hại nên không thấy được thủ đoạn của kẻ gây án dễ dàng trở thành nạn nhân. Lực lượng công an đã triệt phá rất nhiều vụ án lừa đảo, như lừa đảo trúng sổ xổ, lừa đảo đô la, lừa đảo bắt cóc… đồng thời tuyên truyền tuy nhiên điều đáng buồn là không ít người dân không hiểu, vẫn trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo trên. Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đến người dân phải làm mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. Có nhiều trường hợp phạm tội nhưng không biết hành vi đó là sai phạm”, tướng Hồ Sỹ Tiến cho biết.
Theo ông, thời gian qua xảy ra nhiều vụ thảm án xuất phát từ lý do “lãng xẹt” như mâu thuẫn tình ái, nợ nần, tranh chấp tài sản, đây cũng là điều cần phải suy nghĩ để làm sao xã hội bình yên hơn. “Còn tội phạm cướp, trộm, xã hội nào cũng có, vấn đề là cần phải nâng cao công tác phòng ngừa”, tướng Tiến nói.
Vẫn theo tướng Tiến, trong giai đoạn hiện nay cần phải tập trung đấu tranh triệt phá những loại tội phạm có tổ chức, như hoạt động tín dụng đen, đòi nợ thuê, "đâm thuê, chém mướn”…
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến sinh năm 1957, quê Nghệ An. Năm 1975, ông học trường An ninh. Năm 1981, ông bắt đầu công tác. Ông từng công tác tại Phòng cảnh sát điều tra (Công an TP.Hà Nội); Công an quận Cầu Giấy, Cục cảnh sát hình sự.
http://danviet.vn/tin-tuc/tuong-hinh-su-ho-sy-tien-va-dieu-tran-tro-khi-nghi-huu-837221.html
|