Dân trí Bão hiếm khi vào TPHCM, cũng hiếm khi bão đổ bộ vào thời điểm này trong năm, bởi vậy cơn bão số 16 được đánh giá là khá phức tạp, được người dân các tỉnh Nam Bộ và vùng ĐBSCL rất quan tâm, lên phương án phòng chống chu đáo.
Theo ghi nhận tại huyện Cần Giờ, hiện nay dù không có mưa nhưng gió khá lớn. Chính quyền địa phương đã cấm tất cả tàu bè di chuyển ra khỏi vùng an toàn. Toàn bộ người già và trẻ em đều được sơ tán đến các trường học, nhà văn hoá để tránh bão.
Ngoài ra, tất cả quán ăn, quán cà phê ven biển đều buộc phải đóng cửa để đảm bảo an toàn cho người dân.
Cửa biển Cần Giờ cũng có lực lượng trực để cấm tàu ra khơi.
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, từ 13h chiều nay, bến phà Bình Khánh cũng ngưng hoạt động.
Theo người dân địa phương hiện nay gió xoáy cấp 5 cấp 6 và rất ít xảy ra tại đây.
Tất cả người dân đều đã tập trung tại các nhà kiên cố để hạn chế thiệt hại về bão.
Cây xăng ở Cần Giờ chống bão
Biển Cần Giờ bình yên, bầu trời chỉ hơi âm u
Người dân Cà Mau chằng chống nhà cửa chiều ngày 25/12. (Ảnh: Phạm Tâm)
Các tuốc-bin điện gió ở Nhà Mát, Cà Mau đã được neo chốt, dừng quay để chống bão.
Tỉnh Tiền Giang đang lên phương án phong tỏa 2 cầu dây văng Rạch Miễu và Mỹ Lợi, cấm tuyệt đối các phương tiện lưu thông qua cầu để đảm bảo an toàn, nếu từ chiều nay khi bão vào đất liến với cấp độ gió không an toàn.
Trưa ngày 25/12, ông Lê Văn Hưởng- Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, tỉnh đã lên phương án tùy vào tình hình thực tế diễn biến của bão thì cơ quan chức năng sẽ tiến hành phong tỏa cầu Rạch Miễu (TP Mỹ Tho) nối liền 2 tỉnh Tiền Giang - Bến tre và cầu Mỹ Lợi nối liền 2 tỉnh Tiền Giang và Long An vào chiều và tối nay.
Đến 15h chiều ngày 25/12, cầu Rạch Miễu vẫn lưu thông bình thường.
Hiện tại công tác phòng, chống bão Tembin ở Tiền Giang vẫn đang diễn ra khẩn trương và công tác chuẩn bị khá tốt. Các công nhân viên chức lao động các huyện phía Đông của tỉnh đã cho nghỉ từ trưa ngày 25/12, còn lại các công ty và doanh nghiệp trên địa bàn thì tỉnh đang vận động cho công nhân nghỉ để tránh bão. Toàn bộ học sinh, sinh viên cũng được cho nghỉ học 2 ngày 25 và 26/12.
Theo Chủ tịch tỉnh Tiền Giang, hiện tại huyện Tân Phú Đông là huyện cù lao có địa bàn xung yếu nên các lực lượng quyết tâm bảo vệ bến phà Tân Long giữ cho giao thông thông suốt.
Đến 14h chiều ngày 25/12, Tiền Giang đã sơ tán dân bước 1 được khoảng 40.000 người đến nơi an toàn, chủ yếu ở các huyện Tân Phú Đông, Gò Công Đông, thị xã Gò Công và Gò Công Tây. Tại các nơi trú ẩn, Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ được huy động nấu thức ăn phục vụ người dân sơ tán bão.
Tiền Giang cũng đã liên lạc được 1.358 chiếc tàu, thuyền vào nơi tránh, trú bão; còn lại 65 chiếc đang ở Côn Đảo cũng đã liên hệ được.
Theo ghi nhận của PV, từ sáng sớm cho đến nay, trên nhiều tuyến đường, xe quân sự, xe công an lưu thông tấp nập, bộ đội và công an đã được huy động để hỗ trợ di dân, giúp chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền và bảo vệ tài sản cho dân.
Người dân huyện cù lao Tân Phú Đông lên phà Tân Long sơ tán qua đất liền tránh bão.
Người dân tránh bão ở trường Tiểu học Phú Thạnh (huyện Tân Phú Đông). (Ảnh: Nguyễn Vinh)
Phó Thủ tướng kiểm tra ứng phó bão tại Bạc Liêu
Sáng ngày 25/12, sau khi kiểm tra công tác phòng, chống bão tại Sóc Trăng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến kiểm tra tại Nhà máy điện gió Bạc Liêu và khu vực phường Nhà Mát (TP Bạc Liêu).
Lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bạc Liêu cơ bản đã hoàn thành công tác di dời dân đến nơi tránh, trú an toàn, với hàng chục ngàn dân.
Đối với công trình điện gió Bạc Liêu, chủ đầu tư cho biết, Tuabin 1.6 MW chịu được sức gió lớn nhất là 50m/s, tương đương cấp độ gió cấp 15 (167-183 km/h).
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra và nghe báo cáo công trình điện gió Bạc Liêu trước tình hình bão. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Phát biểu chỉ đạo tại tỉnh Bạc Liêu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải đảm bảo an toàn cho người dân, bảo vệ sản xuất nông nghiệp bởi đây là lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất, bảo vệ các công trình dễ bị sập đổ,… “Khi bão vào, chỗ nào khó khăn thì phải cử ngay cán bộ đến hỗ trợ người dân”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Bạc Liêu phải thực hiện quyết liệt công tác ứng phó bão, không được lơ là, chủ quan.
Theo ghi nhận của PV Dân trí từ khoảng 13h chiều 25/12 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã có mưa kèm gió lớn. Tại vùng biển huyện Đông Hải, sóng biển cũng bắt đầu mạnh hơn so với lúc sáng. Toàn khu vực thị trấn vắng tanh người dân.
Phạm Nguyễn - Xuân Hinh - Nguyễn Vinh - Huỳnh Hải
http://dantri.com.vn/xa-hoi/nguoi-dan-can-gio-chong-bao-20171225143111958.htm
|