20 năm trước các tỉnh phía Nam từng chứng kiến sự tàn phá khủng khiếp của bão Linda khiến hơn 3000 người thương vong. Cơn bão Tembi chuẩn bị đổ bộ vào các tỉnh phía Nam cũng được xem là rất mạnh, liệu lịch sử có lặp lại?
ảnh minh họa
» Bão cấp thảm họa đe dọa Nam Bộ
» Bà Rịa – Vũng Tàu khẩn trương đối phó bão Tembin làm hơn 200 người Philippines thiệt mạng
» Bão số 16 giật cấp 11, gây sóng biển cao 8 - 10 m
» Bộ Y tế yêu cầu triển khai công tác y tế ứng phó khẩn cấp với bão số 16
Ký ức kinh hoàng 20 năm trước
20 năm trước, siêu bão Linda đã đổ bộ vào Việt Nam và được xếp vào cơn bão thảm khốc nhất trong lịch sử ít nhất 100 năm. Hình thành vào ngày 31/10/1997 trên biển Đông, Linda mạnh lên khi di chuyển về phía Tây và nó đã tấn công vùng cực Nam Việt Nam vào ngày 2/11 với sức gió 65 dặm/giờ (100 km/giờ) cùng với mưa lớn. Khi tiến vào vịnh Thái Lan, Linda tăng cấp thành bão cuồng phong.
Tại thời điểm đó, siêu bão Linda được Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương gọi tắt là cơn bão số 5. Khi đổ bộ vào nước ta, Linda mạnh cấp 10-11 (thang Beaufort). Cơn bão đã đi qua vùng biển Cà Mau, Kiên Giang và vịnh Thái Lan, để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng về người và của ở khu vực Nam Bộ và các vùng phụ cận.
Trong đó, các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Cà Mau, Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Kiên Giang
Đường đi của bão Linda năm 1997.
Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương đánh giá bão Linda là thiên tai thế kỷ với 21 tỉnh thành bị thiệt hại, “nặng nề nhất là về sinh mạng, phương tiện tàu thuyền, cơ sở vật chất và mùa màng”.
Toàn khu vực có hơn 770 người chết, 2.120 người mất tích, 1.230 người bị thương, chủ yếu là ngư dân. Hơn 3.000 tàu bị đánh chìm. 107.890 nhà bị đánh sập, 120.000 ha nuôi trồng thủy sản và 320.000 ha lúa bị ngập. Ước tính thiệt hại vật chất là 7.200 tỷ đồng. Trong đó, riêng Cà Mau có 128 người chết, 1.164 người mất tích và 600 người bị thương.
Những hình ảnh tang thương trong trận bão lịch sử.
Linda trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với người dân Việt Nam.
Cùng với việc mùa màng, hệ thống đường xá, các công trình công cộng bị tàn phá nặng nề khiến việc khắc phục hậu quả thiên tai gặp nhiều khó khăn.
Linda sau đó đã tấn công Thái Lan, gây lũ quét khiến ít nhất 164 người thiệt mạng. Cơn bão cũng tác động đến Burma (Myanmar), Indonesia, Malaysia, và Campuchia với mức độ thấp hơn.
Tembin có nguy cơ mạnh hơn siêu bão lịch sử Linda?
Tại cuộc họp trực tuyến ứng phó với bão Tembin sáng 23/12, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, cho biết bão Tembin đang di chuyển chủ yếu theo phía Tây với tốc độ 20-25 km/giờ và dự kiến đêm nay, rạng sáng mai 24/12 sẽ đi vào biển Đông nước ta, trở thành cơn bão số 16.
Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của bão Tembin lúc 11h ngày 23/12. Nguồn: NCHMF.
Các trung tâm khí tượng của Nhật Bản, Mỹ, Hong Kong đều nhận định, sau khi đi vào biển Đông, bão số 16 sẽ liên tục mạnh thêm, cao nhất khi vào đến phía Tây đảo Trường Sa có thể đạt cấp 11-12, giật cấp 15, hướng vào Nam Bộ, ảnh hưởng trực tiếp Bà Rịa Vũng Tàu-Cà Mau vào đêm 25, rạng sáng 26/12. Tuy nhiên do hoàn lưu bão lệch về phía Bắc và phía Tây nên vùng có gió lớn có thể mở rộng đến Bắc Bình Thuận.
Cơ quan khí tượng nhận định, cơn bão Tembin rất phức tạp, là cơn bão muộn mạnh nhất từ trước tới nay và nếu giữ cấp 10-11 hoặc đạt cấp 12 khi đổ bộ thì sẽ là cơn bão mạnh nhất vào Nam Bộ, mạnh hơn cả siêu bão lịch sử Linda từng khiến Việt Nam điêu đứng khi phải hứng chịu thảm họa thiên tai kinh hoàng.
Cơn bão Tembin đang ngấp nghé Biển Đông - Nguồn: Cơ quan khí tượng thủy văn Hoa Kỳ.
Tại Philipines, cơn bão Tembin đã mạnh lên ở vùng biển Sulu và gió rất mạnh với tốc độ 80km/h. Ảnh hưởng của bão đã làm 133 người chết, hàng chục người mất tích và hơn 50.000 người đã phải sơ tán.
BBC cho biết, hiện cơn bão đã rời khỏi đảo Mindanao và hướng về phía cực nam của đảo Palawan trước khi tiếp tục di chuyển lên phía tây và đến ngày thứ hai mới ra khỏi Philippines. Hiện tại, số người thương vong và thiệt hại tài sản do bão Tembin gây ra tại Philipines vẫn không ngừng gia tăng.