Trong cái rét ngọt đầu Đông, chúng tôi theo chân ông Nguyễn Mạnh Hùng (Kim Hoa, Phương Liên, Đống Đa) ra hồ Tây tụ họp với những thành viên Câu lạc bộ xe đạp cổ Hà Nội xưa và nay và Câu lạc bộ xe đạp Peugeot Hà Nội. Trang phục của những hội viên đến đây rất trang trọng, lịch lãm. Dù là đạp xe thể dục nhưng nhiều cụ ông với giày tây, áo vest, mũ phớt chẳng khác gì đang đi dự tiệc.
Mỗi sáng chủ nhật, các thành viên câu lạc bộ xe đạp Hà Nội xưa và nay lại hẹn gặp nhau tại đường Thanh Niên. Thành lập đã được 9 năm, đến nay câu lạc bộ đã có gần 100 thành viên, có độ tuổi từ 20 cho đến 80 tuổi.
Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin thì việc tìm và mua những chiếc xe đạp cổ từ nước ngoài không còn quá khó khăn. Nhiều thành viên U70, 80 vượt qua tuổi tác, học hỏi kiến thức về internet, tiếng Anh ... để có thể lên mạng lùng sục những chiếc xe ưng ý, thỏa mãn niềm đam mê của mình.
Những chiếc xe với màu sơn nguyên bản mang đậm dấu ấn của thời gian. Đối với những người chơi đam mê xe cổ thì yêu cầu đầu tiên về chiếc xe là phải còn nước sơn zin.
Hội viên câu lạc bộ xe đạp cổ Hà Nội xưa và nay có xe cổ nhất là những năm 20 của thế kỷ trước, xe đó giá trị của nó lên đến 200 triệu, những phụ tùng của nó ít nhất cũng phải 10 triệu. Mỗi chiếc xe là một câu chuyện không thể quên trong ký ức mỗi người về một thời kỳ của Hà Nội cách đây nửa thế kỷ. Những chiếc xe này đối với người chơi như một tài sản vô giá, chúng luôn được lau chùi, bảo dưỡng thường xuyên.
Giống như thú chơi khác, chơi xe đạp cổ cũng không hề đơn giản, bởi những chiếc xe đạp nếu hỏng rất khó để sửa chữa. Những chiếc ốc vít, yên xe, ống bơm cổ không phải là sẵn có, phải công phu lắm mới tìm được phụ tùng thay thế.
Mỗi chiếc xe là một câu chuyện không thể quên trong ký ức mỗi người về một thời kỳ của Hà Nội cách đây nửa thế kỷ. Những chiếc xe này đối với người chơi như một tài sản vô giá, chúng luôn được lau chùi, bảo dưỡng thường xuyên. Khi mất hay hỏng hóc bộ phận nào đó, thậm chí chỉ là một con ốc thì người chủ phải tìm đúng chủng loại phụ kiện của dòng xe đó.
Giữa guồng quay động cơ của đô thị, lẩn khuất đâu đó còn những người hoài niệm lưu giữ những chiếc xe đạp cổ để gợi nhớ về một bóng dáng Hà Nội xa xưa.
Chơi xe đạp cổ cũng là một cách để giúp những người đã trải qua nhiều thăng trầm, biến cố sống chậm lại.
Bên chén chè nóng, những câu chuyện về chuyện bình xe, phụ tùng, lịch sử ra đời từng dòng xe Peugeot râm ran cả một khúc đường Thanh Niên bên hồ Tây.
Ông Vũ Thành Công - thành viên sáng lập Câu lạc bộ xe đạp Peugeot Hà Nội, là một trong những nhà sưu tầm nổi tiếng với khoảng 150 chiếc xe đạp Pháp cổ cho biết: “Năm 1972, tôi bán một chiếc xe đạp được 1,6 triệu đồng và mua được một căn nhà nhỏ ở số 6 phố Huế - con phố trung tâm và sầm uất bậc nhất Thủ đô. Câu chuyện này đến giờ kể lại nhiều người không thể tin nổi nhưng đó là sự thật."
Triển lãm quốc tế xe hai bánh Việt Nam lần thứ sáu (Vietnam Cycle 2017) vừa được tổ chức tại Trung tâm triển lãm quốc tế có phần trưng bày các mẫu xe cổ của Câu lạc bộ xe đạp cổ Hà Nội thu hút đông đảo người xem khiến cho triển lãm này trở nên thú vị hơn.Chiếc xe Peugeot cá vàng (xe đạp hiệu Peugeot màu da đồng) được ông Nguyễn Mạnh Hùng coi như báu vật của cuộc đời. Năm 1972, sau khi đi tu nghiệp ở Liên Xô về, ông dành dụm mua được chiếc xe này và là tài sản có trị nhất của bản thân thời bấy giờ.
Thời đất nước mới thoát khỏi bao cấp năm 1986, ban ngày chiếc xe đưa ông Hùng đi làm, ban đêm trên yên xe là thùng bánh mỳ cùng ông rong ruổi khắp Hà Nội để có thêm thu nhập, nuôi con ăn học, thành đạt.
“Hai con trai tôi bây giờ đều có ô tô riêng, nhưng mỗi lần ngồi trên chiếc ghế ô tô đệm ấm êm, tôi lại không thể quên được những cảm giác sau một đêm bán bánh mỳ về, hai mông sưng vù, hai chân đau ê ẩm bởi đạp quá nhiều và đường quá sóc," ông Hùng bộc bạch.
Hơn 100 thành viên của Câu lạc bộ xe đạp cổ Hà Nội Xưa và nay đều có những kỷ niệm máu thịt với chiếc xe đạp của mình đã gắn bó. Với họ, chiếc xe đạp không còn là vật chất mà đó là ký ức, là hoài niệm./.