Bóng đá Việt Nam chưa phát triển đúng với yêu cầu của xã hội, chưa phục vụ tốt yêu cầu của người dân
Nhìn lại thời gian vừa qua, theo ông bóng đá Việt Nam khởi sắc hay không khởi sắc?
Tính từ lúc thống nhất đất nước đến nay, bóng đá của chúng ta đã có những bước khởi sắc. Tuy nhiên, trong một số năm gần đây thì bóng đá chưa phát triển đúng với yêu cầu của xã hội, chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân.
Vậy chuyện bóng đá Việt Nam chưa khởi sắc trong những năm gần đây là do đâu, thưa ông?
Nguyên nhân cơ bản, theo tôi, đó là vì một bộ phận làm bóng đá không vì bóng đá mà vì quyền lợi cá nhân. Họ không phục vụ cái chung, mà phục vụ nhu cầu của bản thân. Không ít nhà quản lý, rồi cả nhà chuyên môn, một số HLV lợi dụng bóng đá chỉ để kiếm tiền, chứ họ không làm bóng đá vì bóng đá.
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Bửu vẫn rất tâm tư với bóng đá Việt Nam
Tôi còn thấy có hiện tượng nhiều người chẳng biết bóng đá, chẳng quan tâm đến bóng đá nhưng cứ lao vào làm bóng đá. Và vì không có chuyên môn nên cách làm như thế chẳng khác nào phá bóng đá. Những người không rành chuyên môn đấy lại có tiền nên tốc độ phá bóng đá càng nhanh!
Nguyên bộ trưởng – chủ nhiệm Uỷ ban TDTT Hà Quang Dự khi trả lời phỏng vấn báo chí mới đây nhận định rằng một số ông bầu đang thao túng bóng đá, liệu có hiện tượng đấy không?
Đấy đâu phải là hiện tượng, mà đấy là thực tế. Anh Dự vốn không theo sát bóng đá mà còn nhận xét câu đấy thì thực tế đấy rõ ràng lắm rồi.
Hãy trả bóng đá Việt Nam về đúng với nhiệm vụ và chức năng của nó, đó là phát triển vì cộng đồng, chứ không phục vụ lợi ích của cá nhân ai cả. Vai trò của các nhà quản lý là lãnh đạo bóng đá cho tốt, đừng để các doanh nghiệp, các ông bầu mượn bóng đá để trục lợi. Tôi có thể nêu ra đây đích danh những người như vậy. Nhưng thôi, họ đáng tuổi đàn em, đàn cháu tôi cả, nên hãy để dư luận phán xét!
Đừng mượn bóng đá để trục lợi
Vậy thì đứng trước những bất cập đấy, bóng đá Việt Nam cần phải thay đổi như thế nào, để có thể phát triển tốt hơn, thưa ông?
Phải củng cố lại hệ thống, củng cố lại bộ máy nhân sự quản lý bóng đá. Phải phát triển bóng đá học đường, cho các em học sinh chơi bóng. Thứ nhất là tạo nền tảng tốt, thứ nhì còn là để các em tránh được những mặt trái của xã hội, kể cả tránh xa ma tuý. Phải cải thiện cơ sở vật chất để nâng chất lượng, thu hút người xem,
Về mặt hệ thống, phải đoàn kết, phát triển đồng bộ, từ phát triển bóng đá phong trào cho đến đỉnh cao. Nói bóng đá Việt Nam không tiến bộ thì không đúng, nhưng sự phát triển đấy chưa đúng với tiềm năng và chưa đạt yêu cầu của xã hội.
Cách nay vài năm, ông từng phát biểu hết sức ấn tượng rằng cần phân biệt người làm bóng đá vì bóng đá, và người mượn bóng đá để trục lợi từ bóng đá. Câu nói đấy, có còn mang tính thời sự ở thời điểm hiện tại hay không?
Vẫn còn mang tính thời sự cao chứ. Tôi xin nhắc lại, để bóng đá Việt Nam phát triển, cần phân biệt những người làm bóng đá vì bóng đá và những người làm bóng đá để trục lợi từ bóng đá. Bóng đá không phải là nơi để vào đấy rồi kiếm tiền, kiếm lợi. Tôi từng rất buồn vì thế hệ sau này, không ít người chỉ làm bóng đá vì tiền, vì lợi ích riêng, nên có thời gian dài, tôi chán không muốn nói chuyện bóng đá nữa, chán không muốn nhắc đến những người như thế nữa!
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Trọng Vũ (thực hiện)
http://dantri.com.vn/su-kien/mot-bo-phan-khong-nho-truc-loi-kiem-tien-nho-quan-ly-bong-da-viet-nam-20171220065236854.htm