Tháng 10/2016, Sở GTVT Quảng Nam khởi công dự án nâng cấp, sửa chữa cầu Duy Phước - Cẩm Kim (bắc qua nhánh sông Câu Lâu) với kinh phí khoảng 17 tỷ đồng do Công ty CP xây dựng giao thông Quảng Nam thi công.
Dự án gồm hạng mục cầu và hai đường dẫn lên cầu với chiều dài khoảng 1km. Trong đó cầu dài 200m, đường dẫn phía Tây (thuộc địa bàn xã Duy Phước) 300m, còn lại đường dẫn cầu phía Đông (xã Cẩm Kim) hơn 500m.
Chỉ sau 2 tháng đưa vào sử dụng, khu vực mố cầu phía xã Cẩm Kim đã bị nước lũ gây sạt lở hoàn toàn, các mảng bê tông nặng hàng tấn nằm ngổn ngang bên đường tạm, cạnh đó là hàng chục hố sâu ngập nước bị xói lở do lũ quét qua.
Để đảm bảo an toàn cho hàng ngàn hộ dân có lối đi lên cầu, đơn vị thi công đã tiến hành cho đổ đất đá lên con đường cũ để người dân đi tạm. Để tránh gây tai nạn, đơn vị thi công cũng tiến hành đóng cọc, giăng dây và cắm biển báo tại các điểm đang bị sạt lở để người dân an tâm đi lại.
Do được đắp tạm bằng đá đá nên bụi bặm bay mù mịt mỗi khi có đông người dân qua lại cầu. Còn khi mưa xuống thì con đường này bị lầy lội, dân đi lại rất khó khăn. Ông Trần Hùng (người dân xã Duy Phước) lo lắng khi đi qua tuyến đường và cầu này: “Mỗi ngày đi qua cầu này, tôi rất lo lắng. Mong nhà nước sớm sửa lại cho bà con chúng tôi đi cho an toàn”.
Hai tấm sắt được lắp để nối đường dẫn với nhịp cầu nhìn rất sơ sài và nguy hiểm
Theo lãnh đạo xã Duy Phước, hiện người dân 8 thôn trong xã hàng ngày phải qua lại trên tuyến đường này nhưng rất lo lắng. Để qua cầu, người dân phải đi qua 2 tấm thép được đơn vị thi công đặt tạm sau khi đổ đất để nối đường dẫn với nhịp cầu nhìn rất sơ sài và nguy hiểm.
Còn theo lãnh đạo xã Cẩm Kim, hiện có hơn 1.000 người dân sinh sống tại 5 thôn của xã có nhu cầu qua lại cây cầu để lên huyện Duy Xuyên cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do bị nước lũ gây sạt lở và bồi lấp.
Biển báo hạn chế tải trọng được lắp đặt do mố cầu đang bị sạt lở
Đại diện đơn vị thi công là Công ty CP xây dựng giao thông Quảng Nam cho hay, việc sạt lở mố cầu và đường dẫn phía Cẩm Kim như người dân phản ánh vừa qua không phải do thiết kế mà là do nước lũ. Sau lũ, công ty cũng đã thực hiện việc đổ đất đá lên các điểm sạt lở để người dân đi lại tạm thời trong thời gian chờ sửa chữa.
Ngày 7/12, lãnh đạo Sở GTVT Quảng Nam cũng tổ chức một đoàn đến đây khảo sát, tìm giải pháp khắc phục. Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Ngọc Thanh - Trưởng phòng quản lý hạ tầng giao thông Sở GTVT Quảng Nam – cho biết, sở dĩ tuyến đường dẫn này bị sạt lở nặng là do hàng tre bị lũ lớn cuốn trôi làm cho tuyến đường bị hư, lũ lớn cũng “bưng” các tấm bê tông nặng 5-6 tấn đi chỗ khác.
Ông Thanh cho biết, các tấm bê tông này còn nguyên vẹn và sẽ được dịch chuyển để lắp lại tuyến đường. Việc khắc phục tuyến đường, theo ông Thanh do những ngày qua trời mưa lớn nên đơn vị thi công chưa sửa chữa được dù máy móc đã tập trung tại đây, chờ khi nắng lên sẽ tiến hành sửa chữa ngay để người dân đi an toàn. Nguồn kinh phí để sửa chữa, ông Thanh cho biết lấy từ nguồn quỹ bảo trì sửa chữa đường bộ.
Công Bính
http://dantri.com.vn/xa-hoi/cau-duong-chuc-ty-vua-khanh-thanh-chi-mot-con-lu-da-tan-hoang-20171207220920532.htm