Theo phản ánh của người dân địa phương về tình trạng rừng bị khai thác trái phép, phóng viên đã mục sở thị khu vực rừng thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương, nằm trên địa bàn hành chính của xã Thành Yên, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa).
Men theo con đường mòn từ bìa rừng thuộc địa giới hành chính xã Thành Yên, sau nhiều giờ đồng hồ vượt qua cung đường với những lớp đá tai mèo sắc nhọn, trơn trượt, phóng viên đã có mặt trong vùng lõi của Vườn quốc gia Cúc Phương.
Những cây gỗ lớn có chiều dài hàng chục mét đã bị đốn hạ
Nằm sâu trong rừng, cách vùng đệm khoảng 3 - 4km, bắt đầu xuất hiện tình trạng những cây gỗ lớn đã bị “xẻ thịt”. Phần lớn, những cây gỗ bị lâm tặc đốn hạ đã được cưa xẻ, vận chuyển đi, còn lại là những bãi mùn cưa, những thanh gỗ loại nằm lại hiện trường.
Theo quan sát của phóng viên, lâm tặc thường khai thác theo kiểu nhỏ lẻ, vị trí khai thác nằm sâu trong rừng và cách xa nhau để nhằm che mắt lực lượng chức năng. Dấu vết để lại trên những cây gỗ đã bị khai thác cho thấy, lâm tặc dùng cưa để cắt hạ gỗ.
Nhiều gốc mới bị khai thác, dấu vết còn tươi mới
Hầu hết những cây gỗ đã bị khai thác lên đến hàng chục vanh, có trữ lượng gỗ lớn. Theo người dân địa phương thì khu vực rừng bị lâm tặc khai thác là tại thung Quèn Cả và thung Trong, thuộc thôn Yên Sơn 2, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành.
Theo ghi nhận, tại khu vực thung Quèn Cả, có 3 cây gỗ bị lâm tặc đốn hạ, dấu vết khai thác còn mới, phần lớn gỗ thành phẩm đã bị xẻ và vận chuyển đi nơi khác, chỉ còn lại những tàn tích từ việc khai thác.
Lâm tặc "xẻ thịt" gỗ ngay giữa rừng
Men theo những lối mòn có sẵn trong rừng, không khó để phát hiện nhiều cây gỗ khác đã bị khai thác cũ có, mới có. Trong đó, có những gốc cây đã được lực lượng chức năng đánh dấu kiểm tra, còn lại nhiều cây vẫn chưa được kiểm tra.
Nhiều cây gỗ sau khi được đốn hạ, đã được cưa xẻ vuông thành, sắc cạnh còn nằm lại hiện trường mà chưa kịp vận chuyển đi. Đây không phải là lần đầu tiên, tình trạng rừng đặc dụng của khu bảo tồn thiên nhiên Vườn quốc gia Cúc Phương bị lâm tặc khai thác gỗ trái phép, mà trước đó, tình trạng này đã từng diễn ra.
Những hộp gỗ còn nằm lại tại rừng
Trong khi đó, tại xã Thành Yên có 2 trạm kiểm lâm thường trực thực hiện công tác bảo vệ rừng của Vườn quốc gia Cúc Phương. Đó là chưa kể nhiều lực lượng của các địa phương làm nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ rừng.
Ông Trương Thanh Đại - Chủ tịch UBND xã Thành Yên, cho biết: Tại thung Quèn Cả có 2 cây mới bị lâm tặc khai thác, trước đó còn có 5, 6 cây đã bị khai thác; còn tại thung Trong cũng có vài cây nhưng không phát hiện thấy khai thác mới. Mặc dù chính quyền địa phương đã tăng cường công tác quản lý, nắm bắt tình hình, khoanh vùng, nhưng các đối tượng khai thác rừng trái phép ngày càng hoạt động tinh vi.
Cảnh tượng khai thác rừng ngồn ngang như công trường
Còn ông Lê Quốc Việt - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm Thanh Hóa, cho biết: Vườn quốc gia Cúc Phương nằm trên địa bàn 3 xã của huyện Thạch Thành gồm: Thành Mỹ, Thành Yên và Thạch Lâm với tổng diện tích 3.910,3 ha. Trong đó, riêng Thành Yên là 2.044,9 ha.
Ông Việt thừa nhận vẫn có tình trạng khai thác rừng trái phép diễn ra tại đây. Cụ thể, tháng 11/2017, lực lượng chức năng phát hiện 2 vụ, gồm 1 cây gỗ tráng kẻ, đường kính 40 cm (kiểm tra ngày 17/11); tại Tiểu khu 13, thuộc xã Thành Mỹ phát hiện và 1 cây gỗ tráng kẻ khác, có đường kính 60 cm. Sau khi lập hồ sơ, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cúc Phương đang phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Thạch Thành và chính quyền địa phương của 2 xã Thành Yên và Thành Mỹ điều tra, truy tìm đối tượng liên quan.
Hiện trường cho thấy, rừng khai thác trong nhiều khoảng thời gian khác nhau
Cũng theo ông Việt cho biết, hiện nay giữa tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình chưa ký kết được quy chế phối hợp cấp tỉnh, mà mới chỉ dừng lại ở cấp Hạt. Vì vậy, việc trao đổi thông tin, tiến hành tuần tra chung và xử lý vi phạm, đặc biệt là ở khu vực giáp ranh vẫn còn tồn tại những rào cản nhất định.
Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm, tình hình an ninh rừng trên địa bàn huyện Thạch Thành nói chung và địa phận thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số đối tượng ở các huyện khác đến móc nối với người bản địa tiến hành khai thác trái phép.
Phần lớn gỗ thành phẩm đã được đưa đi nơi khác, còn lại là những bãi mùn cưa và những thanh gỗ loại.
Trần Lê
http://dantri.com.vn/xa-hoi/tai-dien-tinh-trang-xe-thit-rung-dac-dung-trong-vqg-cuc-phuong-20171122182824511.htm