Những dấu hiệu không bình thường trong việc bổ nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục Hàng hải đối với ông Nguyễn Xuân Sang đã được Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh trong thời gian qua.
Nhiều ý kiến độc giả gửi về tòa soạn bày tỏ bức xúc trước việc bổ nhiệm cán bộ thi trượt Chuyên viên chính và bằng cấp lởm khởm, đào tạo theo kiểu “mì ăn liền” như ông Nguyễn Xuân Sang lại được bổ nhiệm một cách dễ dãi như vậy.
Có những ý kiến bày tỏ rất mạnh mẽ cho rằng, cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc việc lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thời điểm đó là ông Đinh La Thăng bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Sang.
Ông Nguyễn Xuân Sang kê khai sử dụng bằng Tiến sĩ (từ xa) 10 năm qua, nhưng loại bằng này không được công nhận. ảnh: GDVN. |
Trong bảng kê khai này, ông Sang tốt nghiệp Đại học hàng hải (cử nhân), không thấy có bằng Thạc sĩ, nhưng chỉ 2 năm học từ xa đã lấy bằng Tiến sĩ. Bằng này không được công nhận. ảnh: GDVN. |
Vấn đề được dư luận chỉ ra, vi phạm của ông Nguyễn Xuân Sang trong bổ nhiệm có dấu hiệu tiêu cực, trái pháp luật.
Thứ nhất, bằng Tiến sĩ (từ xa) của ông Nguyễn Xuân Sang không đủ điều kiện để công nhận tại Việt Nam.
Thời gian từ năm 2006 đến 2008, ông Nguyễn Xuân Sang học Tiến sĩ (từ xa) và theo kê khai của ông này thì được cấp bằng Tiến sĩ Hàng hải từ Viện Khoa học, Nghiên cứu và Thưc nghiệm Điện tử, Ô tô và Thiết bị điện - Liên bang Nga.
Bằng Tiến sĩ (từ xa) do cơ sở giáo dục này cấp cho ông Nguyễn Xuân Sang không đủ điều kiện để công nhận tại Việt Nam, bởi Viện này chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép liên kết đào tạo từ xa tại Việt Nam.
Thứ hai, năm 2014, ông Nguyễn Xuân Sang thi trượt Chuyên Viên Chính, do đó không được Bộ Nội vụ xếp Ngạch Chuyên viên chính.
Đáng nói, ngày 9/7/2015, ông Nguyễn Xuân Sang được được bổ nhiệm thẳng từ Giám đốc Cảng vụ Thành phố Hồ Chí Minh (tương đương cấp phòng) lên thẳng chức Cục trưởng Cục Hàng hải theo Quyết định số 2468/QĐ-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khi đó là ông Đinh La Thăng.
Ông Sang chắc chắn phải biết rằng bằng Tiến sĩ (từ xa) này không được công nhận, tuy nhiên vẫn kê khai vào hồ sơ và sử dụng bằng này 10 năm qua là không đúng quy định; có biểu hiện thiếu trung thực, vi phạm những điều đảng viên không được làm.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Ngô Văn Sửu – nguyên Vụ trưởng Vụ I (Ủy ban kiểm tra Trung ương) cho rằng: “Rõ ràng việc anh thi trượt Chuyên viên chính mà vẫn được bổ nhiệm chức Cục trưởng là có vấn đề trong công tác bổ nhiệm cán bộ.
Dư luận hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi: Có hay không việc chạy chức chạy quyền hay việc bổ nhiệm ông Sang có ưu ái của lãnh đạo Bộ Giao thông? Cái này phải làm rõ để trả lời dư luận”.
Qua việc bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Sang còn “nợ” ngạch chuyên viên chính, ông Ngô Văn Sửu nhấn mạnh: “Cần thiết phải rà soát lại công tác cán bộ một cách toàn diện, đặc biệt là việc kê khai bằng cấp thiếu trung thực cũng như quy trình bổ nhiệm cán bộ thời gian qua.
Về việc kê khai bằng cấp không trung thực, như vụ ông Nguyễn Xuân Anh tôi đã nói hiện nay có một bộ phận cán bộ hám danh, ham muốn quyền lực tìm mọi cách để có bằng nọ bằng kia như bằng Tiến sĩ để hợp thức hóa việc bổ nhiệm chức vụ.
Trường hợp này giống trường hợp của ông Nguyễn Xuân Anh, kê khai không đúng quy định. Quy định không cho phép kê khai bằng cấp như vậy mà anh vẫn kê khai là sai.
Rõ ràng anh có biểu hiện thiếu trung thực, vi phạm những điều đảng viên không được làm.
Trong trường hợp này, Đảng phải có trách nhiệm vào cuộc kiểm tra sự việc, đánh giá sai ở mức độ nào để đưa ra hình thức xử lý”.
Cũng theo nguyên Vụ trưởng Vụ I, trong trường hợp bổ nhiệm cán bộ có những dấu hiệu trái quy định pháp luật thì người bổ nhiệm trong trường hợp này là ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm liên đới.
Trình độ, bằng cấp của cán bộ như vậy thì vì sao lại bổ nhiệm vào vị trí quan trọng?
“Phải làm rõ việc Bộ Giao thông Vận tải bổ nhiệm chức Cục trưởng đối với ông Nguyễn Xuân Sang có đúng quy trình hay không? Bằng cấp từ xa ông này kê khai trong lý lịch có trung thực hay không cũng phải làm rõ trong thời gian sớm nhất để trả lời dư luận", ông Sửu nói.
Trước việc cán bộ “sính” bằng cấp, kê khai vào lý lịch có bằng Tiến sĩ (đào tạo theo kiểu mì ăn liền) dù không được công nhận vẫn kê khai trong lý lịch, ông Sửu nói thẳng: “Cán bộ có liêm sỉ không ai khoác lên mình tấm bằng Tiến sĩ nếu như năng lực, trình độ của mình không được như thế. Thực tế, cán bộ mua bằng cấp không ít. Đó là những cán bộ cơ hội”.
Cũng theo ông Ngô Văn Sửu, cán bộ không có trình độ năng lực mà được bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng sẽ rất nguy hiểm và gây hại cho xã hội, bởi anh chỉ nhăm nhăm mục đích nhằm leo cao, vì mục đích cá nhân, vụ lợi, vơ vét của dân chứ có làm vì dân vì nước đâu.
Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang sử dụng bằng Tiến sĩ không được công nhận |
Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư-Tiến sĩ Bùi Văn Nhơn – Giảng viên cao cấp Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng: “Thời gian gần đây công tác bổ nhiệm cán bộ có rất nhiều vấn đề như tình trạng bổ nhiệm người nhà, người thân, cả họ làm quan khiến dư luận bức xúc.
Chọn người nhà không chọn người tài được người dân dư luận nói rất nhiều. Từ việc bổ nhiệm cán bộ đó sinh ra lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực làm suy giảm lòng tin của nhân dân”.
Giáo sư Bùi Văn Nhơn nhấn mạnh: “Vấn đề bổ nhiệm, luân chuyển, đào tạo cán bộ gần đây có quá nhiều vấn đề cần nói, trong đó có chuyện cán bộ dùng bằng cấp lởm khởm để làm đẹp lý lịch nhằm mục đích leo cao chứ không phải vì phục vụ nhân dân”.
Mới nhất, ngày 19/11, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) - Ủy viên Thường trực Các Vấn đề xã hội của Quốc hội chỉ rõ: "Chưa cần biết bằng Tiến sĩ đó thuộc loại gì, nhưng việc người ta kê khai trong lý lịch sẽ thêm phần hoành tráng hơn.
Việc cán bộ kê khai không đúng bằng cấp (bằng Tiến sĩ không được công nhận tại Việt Nam) có thể do người ta muốn làm đẹp hồ sơ khi bổ nhiệm.
Cũng có trường hợp người ta không hiểu và ngộ nhận trong việc kê khai bằng cấp. Họ nghĩ rằng việc kê khai cũng được hoặc không kê khai cũng được.
Tuy nhiên, phải nói thật với nhau rằng, anh học cái gì đương nhiên anh phải biết. Còn học đến Tiến sĩ mà không biết rằng cái bằng đó của mình không được công nhận thì nó không xứng đáng với học vị Tiến sĩ.
Dù vô tình hay hữu ý thì việc kê khai bằng cấp như vậy là không trung thực. Đây có thể coi là một dạng tham nhũng về học vị".