Ngày 14/11, thảo luận tổ về luật quốc phòng, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng quân đội không nên làm kinh tế thuần túy vì lợi nhuận hoặc kinh doanh - những điều không phục vụ cho lợi ích quốc phòng.
Quân đội không làm kinh tế vì lợi nhuận
Theo Thiếu tướng Sùng Thìn Cò - Phó Tư lệnh Quân khu 2, vấn đề bộ đội làm kinh tế, kết hợp kinh tế với quốc phòng là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chứ không riêng quân đội. Hiện nay, Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, các Bộ ngành rất quan tâm, đặc biệt là việc xây dựng khu vực phòng thủ.
Thiếu tướng Sùng Thìn Cò nhấn mạnh, kinh tế mạnh thì quốc phòng mới mạnh, còn kinh tế yếu kém thì quốc phòng cũng yếu kém.
“Quân đội tập trung chủ yếu nghiên cứu công nghiệp quốc phòng để sau này không chỉ bảo vệ mà còn xuất khẩu quốc phòng”, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò nêu quan điểm.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đoàn TP HCM cho rằng quân đội không nên làm kinh tế đơn thuần
Phát biểu tại đoàn TPHCM, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng nêu ra nhiều băn khoăn về vấn đề kinh tế quốc phòng. Theo ông, trong nghị quyết Đảng đã nói những gì lực lượng vũ trang không cần thiết chuyển sang các bộ ngành khác quản lý, dân sự hoá.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị lực lượng vũ trang không làm kinh tế thuần túy vì lợi nhuận hoặc kinh doanh - những điều không phục vụ cho lợi ích quốc phòng. Đại biểu đưa ra ví dụ như kinh doanh khách sạn, xây nhà ở để bán... không phục vụ gì cho quốc phòng. Bởi theo đại biểu Nghĩa, Đảng và nhà nước và nhân dân có trách nhiệm chịu mọi kinh phí cho quân đội hoạt động.
“Để tăng cường sức mạnh quốc phòng, không phân tán nguồn lực, xây dựng niềm tin, tình cảm của nhân dân với bộ đội, quốc phòng, thì bộ đội không nên làm kinh tế thuần túy”, đại biểu đoàn TPHCM nói.
Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng cho rằng, nếu quân đội làm kinh tế thì phải làm kinh tế quốc phòng là chính. Theo ông Hoàng, chủ trương đề án tái cơ cấu sắp xếp doanh nghiệp của quân đội đã được thông qua. Cụ thể, trong hơn 100 doanh nghiệp quân đội, sắp xếp xuống còn 88 doanh nghiệp từ đó sẽ cổ phần hoá, thoái hết vốn. Quân đội chỉ còn 17 doanh nghiệp, trong đó 5 doanh nghiệp có cổ phần và 12 doanh nghiệp vốn chủ sở hữu nhà nước.
Giải tán doanh nghiệp yếu kém
Trao đổi với báo chí bên lề buổi họp tổ, Thượng tướng Lê Chiêm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng trong phát triển kinh tế - xã hội là bất di bất dịch. Tất cả các dự án lớn của quốc gia đều phải kết hợp kinh tế - quốc phòng. Tuy nhiên, các dự án đều phải thông qua thẩm định theo phân cấp cụ thể từ huyện, tỉnh đến cấp bộ.
Thượng tướng Lê Chiêm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
Dù vậy, theo Thượng tướng Lê Chiêm, về lâu dài những doanh nghiệp của quốc phòng chỉ làm kinh tế đơn thuần, không có yếu tố quốc phòng thì phải thay đổi hình thức hoạt động.
“Trong đề án đổi mới doanh nghiệp và đề án cổ phần hóa của quân đội cũng công bố rõ còn 17 doanh nghiệp vốn nhà nước. Số còn lại sẽ phải tập trung củng cố, anh nào có điều kiện phát triển thì cổ phần hóa, còn doanh nghiệp yếu kém, không làm được thì giải tán”, Thượng tướng Lê Chiêm nói.
Theo Thượng tướng Lê Chiêm với các doanh nghiệp lớn của Bộ Quốc phòng như tập đoàn Viettel, các xưởng đóng tàu là sự sống còn của quận đội. Các doanh nghiệp ngày góp phần lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội nên nó có vai trò vừa làm nhiệm vụ kinh tế nhưng làm nhiệm vụ quốc phòng.
Trước đó, vào tháng 6/2017, dư luận phản ánh thông tin Thượng tướng Lê Chiêm cho rằng, đã có chủ trương quân đội sẽ không làm kinh tế, mà chỉ tập trung cho xây dựng quân đội chính quy hiện đại. Thượng tướng Lê Chiêm cho biết, cách hiểu đó không đúng ý của ông.
“Tôi nói là quân đội không làm kinh tế đơn thuần. Ví dụ, ông làm kinh tế mà vi phạm luật pháp, vi phạm quy định của quân đội thì phải xử lý nghiêm túc và cương quyết giải thể”, Thượng tướng Lê Chiêm cho hay.
Quang Phong
http://dantri.com.vn/chinh-tri/thuong-tuong-le-chiem-kinh-te-quoc-phong-la-bat-di-bat-dich-20171114122221714.htm