Dân trí Dù mới 29 tuổi nhưng chị Nguyễn Thị Hồng (Quốc Oai, Hà Nội) có tới 8 người con, trong đó đứa lớn nhất mới 12 tuổi, đứa nhỏ nhất chưa tròn 1 tháng tuổi. Tính ra trung bình cứ khoảng 1,5 năm người phụ nữ này lại sinh đẻ một lần.
Nhiều con vì… đẻ quá dễ!
Đến xã Tân Phú (Quốc Oai, Hà Nội) hỏi thăm gia đình chị Nguyễn Thị Hồng đông con nhất huyện ai cũng biết. Dù mới 29 tuổi nhưng người phụ nữ này đã có tới 8 người con. Trong đó, đứa lớn nhất mới 12 tuổi, đứa nhỏ nhất mới chưa tròn 1 tháng tuổi.
Tính trung bình cứ khoảng 1,5 năm người phụ nữ này lại sinh đẻ một lần, cũng có đứa chỉ cách nhau đúng tròn 1 năm. Tuy nhiên, bé thứ 7 sinh năm 2016 do sức khỏe yếu nên đã qua đời khi được khoảng 20 ngày tuổi.
Việc sinh đẻ của chị Hồng cũng diễn ra hết sức dễ dàng, thuận lợi trong đó một bé được chồng chị đỡ ngay tại nhà, các bé còn lại đa phần được sinh ở trạm y tế của xã bằng biện pháp sinh thường.
Vừa sinh bé út được 14 ngày, chị Hồng đã tất tả đi làm để con ở nhà cho bà nội trông giúp. Trong ảnh, chị Hồng vẫn lấm lem sơn vội vàng cho người con bú sữa sau cả ngày khát sữa mẹ.
Chị Hồng kể: “Khi mang bầu, tôi không có cảm giác nghén ngẩm, mệt mỏi, bụng chỉ hơi to nên cứ nghĩ do mình béo quá, chính vì thế có đứa 5 – 6 tháng, có đứa phải tháng thứ 7 – 8 tôi mới biết mình mang bầu. Bỏ thì tội nên dù nhà nghèo hai vợ chồng cũng quyết tâm giữ lại để nuôi con”.
Trong số 8 người con, chị Hồng nhớ nhất là lần sinh bé thứ 7, nhà nghèo không có tiền siêu âm, hai vợ chồng chỉ tính ngày rồi ước chừng. Hôm đó, đúng đêm 30, rạng sáng mùng 1 Tết năm 2016, chị đau đẻ và trở dạ sinh con ngay trên giường. Do bất ngờ không kịp chuẩn bị trước nên anh Trường - chồng chị phải làm “ông đỡ” bất đắc dĩ. Ngay sau đó, chồng chị dùng xe bò đưa hai mẹ con lên thẳng trạm y tế của xã để sơ cứu, cắt rốn
Kể về chuyện sinh nhiều con, chị Hồng bảo “do cái số nó phải thế”. Sau khi sinh con đầu lòng, hai vợ chồng chị đã bàn tính “để thư thư ít bữa” rồi sinh tiếp. Thế nhưng, lần nào cũng vậy, đang trong thời gian ở cữ thì chị lại “lỡ” có bầu rồi đành để đẻ.
Cứ như thế, trong vòng 10 năm, chị lần lượt sinh đến 8 người con. “Tôi cơ địa yếu nên uống thuốc tránh thai thì chóng mặt, đặt vòng thì cũng không hợp. Thậm chí, có thời gian tôi đã điều trị cắt một bên buồng trứng, hai vợ chồng cứ đinh ninh là không thể mang thai tiếp, ai ngờ các bé vẫn lần lượt ra đời”, chị Hồng kể.
Bố mẹ vắng nhà, 7 người con ở nhà tự bảo ban, nấu nướng cho nhau ăn.
Chị Hồng thành thật tâm sự, chuyện “lỡ” có bầu rồi sinh nhiều con kể ra thì xấu hổ nhưng đúng là… bi hài. Đến nỗi mỗi lần lên trạm xá, cô đỡ đẻ cũng… “phát chán” vì quen mặt. Thậm chí có lần chị mang bầu đến tháng thứ 6 nhưng vẫn đinh ninh do mình béo nên phát tướng. Ngay cả khi chồng giục đi khám chị Hồng vẫn khăng khăng khẳng định… “mình không có gì”. Chỉ đến lúc bụng ngày càng to, đi lại khó khăn chị mới tá hỏa khám bác sỹ thì cũng đã đến sát ngày sinh.
Đẻ xong 10 ngày đã đi làm công trường
Kể về hoàn cảnh của mình, người phụ nữ 29 tuổi không giấu được giọt nước mắt xúc động, buồn bã. Chị bảo, gia đình mình thuộc diện nghèo nhất của xã. Chồng chị - anh Đỗ Công Trường (SN 1984) làm nghề thợ xây, với thu nhập bấp bênh chỉ khoảng 3 triệu đồng/ tháng. Số tiền này vừa phải lo trang trải cuộc sống gia đình vừa phải dành dụm lấy tiền chữa bệnh cho bố chồng chị năm nay đã ngoài 60 tuổi mắc bệnh thoái hóa khớp không thể đi lại.
Bé Đỗ Công An (SN 2013), người con thứ 5 ăn cơm nguội lót dạ trong khi chờ chị nấu ăn.
Hoàn cảnh khó khăn nên cứ sinh con được hơn 10 ngày tuổi chị Hồng lại bỏ con ở nhà cho mẹ chồng chăm giúp rồi tất tưởi đi làm thợ dọn vệ sinh theo công trình. Đến nỗi, dù sinh con liên tiếp trong nhiều năm nhưng ngay cả những người làm cùng hay hàng xóm với chị Hồng cũng không hề hay biết.
Bố mẹ đi làm, 7 bé ở nhà cứ tự bảo ban, quán xuyến lẫn nhau. Trong đó, cô chị cả sinh năm 2006 là Đỗ Thị Dung vừa có nhiệm vụ đưa đón các em ở trường mẫu giáo, vừa thay mẹ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Chị Hồng bảo, nhà nghèo lại đông con nên cái gì cũng thiếu thốn.
Quần áo của các con hiếm khi chị mua đồ mới, cô chị mặc ra cô em lớn lên lại mặc tiếp. Bữa cơm thường xuyên chỉ có bát canh rau chan với cơm trắng. Thương nhất là những hôm con đến kỳ đóng học, giục giã gọi mẹ, chị thường phải “tảng lờ” vì chưa có tiền lương. Cũng vì đông con, nhà chật nên buổi tối các bé phải “san bớt” xuống nhà bà nội… ngủ nhờ.
Bà Đỗ Thị Bống (56 tuổi) mẹ chồng chị Hồng trông giúp các cháu.
“Nhiều lúc nhìn các con nheo nhóc, đòi đủ thứ mà mình không có tiền mua cũng cảm thấy bất lực và bế tắc thế nhưng càng thương con mình lại càng phải cố gắng gấp 5, gấp 10 lần người bình thường”, chị Hồng tâm sự.
Người phụ nữ này cho hay, tuy đông con nhưng bù lại không khí gia đình lúc nào cũng đông vui, nhộn nhịp. Nhiều khi đi làm về, thấy các con ùa ra khoanh tay chào mẹ, chị Hồng ứa nước mắt vì xúc động. Chị bảo, nhà nghèo nên các con chị ai cũng tự lập. Ngay cả bé thứ 6 là Đỗ Thị My (SN 2014) năm nay mới 3 tuổi nhưng hàng ngày cũng tha thẩn tự chơi trong xóm, đến bữa con tự xúc cơm ăn ngon lành mà không cần ai nhắc nhở, chỉ bảo.
Trong khi đó, ngồi bên vợ, anh Đỗ Công Trường trầm ngâm và khá ít nói. Anh bảo, đôi khi cũng lo lắng đến “mất ăn, mất ngủ” vì việc sinh nhiều con nhưng mỗi lần như thế vợ chồng lại phải tự động viên nhau cố gắng.
“Nhiều khi trong túi không có đến một nghìn, nhà nghèo nên đi vay cũng chẳng ai muốn giúp. Cả nhà cứ dựa vào nhau, chắp vá cũng đủ sống qua ngày. Giờ tôi lo nhất là tương lai bọn trẻ, không biết có thể lo cho các con học hết cấp 3 được hay không”, anh Trường nói.
Hà Trang - Trần Thanh
http://dantri.com.vn/su-kien/chuyen-la-ha-thanh-nguoi-phu-nu-29-tuoi-sinh-toi-8-nguoi-con-20171104064117604.htm