Chúng tôi đến gặp bà Nguyễn Thị Kim Quý (71 tuổi) đúng thời điểm bà đang bế những "đứa con" của mình lên xe, chuẩn bị đi chơi. Xong xuôi, bà hô to điểm danh từng chú chó, như hiểu ý, khi được đọc đến tên đều đáp lại bà bằng những tiếng sủa. Sau đó, bà nổ máy xe và lăn bánh dạo một vòng phố cổ.
Hàng ngày, bà đều dành nửa thời gian một ngày cho đàn chó của mình, lọ mọ từ 5h sáng đánh thức chúng dậy, vệ sinh, mặc đồ, cho chúng ăn,... sau đó bế đặt vào từng ô trên xe và buộc chặt lại, để khi đi lại trên đường có gặp sự cố thì vẫn đảm bảo an toàn. Chiếc xe chỉ chạy với tốc độ 10-20km/h, theo bà, đi chậm vậy để các bé thư giãn và chủ động tránh các phương tiện đi lại trên đường.
Chia sẻ về hành trình để có một gia đình Poodle đông như hiện tại. Bà Kim Quý cho biết, ban đầu chỉ nuôi một con làm bạn, sau đó số lượng tăng dần lên vì nhiều lý do khác nhau. "Khi đi ngoài đường tôi thấy nhiều con cún bị bỏ rơi hay bị nhốt trong những chiếc lồng cũi nhỏ hẹp, ánh mắt của chúng đáng thương lắm, nên tôi đón về nuôi, chăm sóc; cũng có con được chủ gửi từ đợt dịch Covid - 19, sau đó không đón nữa", bà Quý nói.
Tổng số hiện tại đàn chó của bà lên tới 13 con, trong đó chó của bà mua là 6 con, còn lại là các con bị chủ bỏ rơi được bà nhận nuôi. Bà thấy thương nên cưu mang, dành cho đàn chó những điều tốt đẹp nhất từ đồ ăn, chỗ ngủ, điều kiện vui chơi tới thuốc men hằng ngày.
Chiếc xe tự chế chở cún của bà Qúy, bà còn đề biển trên xe: "Cún để nuôi không bán" để người đi đường tránh hiểu nhầm là bà bán hàng.
Khi được hỏi về chiếc xe tự chế của mình, bà hào hứng mô tả về khoảng thời gian bắt đầu chế tạo và ý tưởng cho xe ở hiện tại.
Chiếc xe 3 bánh này ra đời cách đây khoảng 3 năm, ban đầu là xe máy bình thường sau đó thiết kế thêm giá sắt phía sau. "Ngày trước khi chỉ nuôi vài con cún, tôi có thể dắt đi dạo được. Nhưng càng ngày các con về với tôi càng đông, tôi nghĩ ra cách chế tạo một chiếc xe có thể chở được nhiều cún một lúc. Lúc đầu xe chỉ có một tầng nhưng sau đó tôi phải tạo thêm để các con không phải chen chúc nhau".
Chiếc xe được bà tự thiết kế và làm, làm xong thấy không hợp lý lại sửa, đến nay đã sửa 5 lần, bà cho hay chiếc xe này độc lạ này của bà giá trị hơn 50 triệu đồng.
Xe được thiết kế chiếc ô lớn và những tấm nilon để che mưa, che nắng, mỗi tầng đều có quạt thoáng, dưới xe còn có thùng để cho những con chó bị ốm vào nằm.
Xe bà đi đến đâu cũng có người trầm trồ, chụp ảnh, quay video. Khi xe dừng đỗ, nhiều người đến chơi với các con, nhìn các con với ánh mắt trìu mến, xin chụp ảnh với bà, cùng những chú chó. Việc lan tỏa được hạnh phúc tới mọi người nhờ những con chó, trên gương mặt của bà tràn ngập niềm vui và nụ cười.
Mọi người đều thích thú khi lần đầu tiên thấy chiếc xe chở đầy cún của bà Quý.
Đi đến đâu bà vệ sinh sạch sẽ tới đấy, vì bà mong muốn cún được người ta tôn trọng và yêu thương.
Tình yêu với những chú chó của bà xuất phát từ suy nghĩ chó cũng giống như người, cũng có hoàn cảnh khó khăn, có tâm tư tình cảm riêng.
Việc bà Quý nuôi số lượng chó nhiều như vậy, hàng ngày tự đày bản thân rong ruổi trên đường, không ít người cho rằng bà không bình thường. Dù đã nghe nhiều lời nói cay nghiệt đó, nhưng nuôi chó, yêu chó chính là niềm vui với bà. "Người ta chỉ thấy mình không bình thường khi không yêu động vật", Bà Quý bộc bạch.
Đối với bà Quý, mọi người thường có nhiều lựa chọn khác nhau để tạo hạnh phúc vào những ngày cuối đời, như gom một khoản tiền để sống an nhàn, đi đây đó, ăn ngon mặc đẹp, hưởng thụ vì đời có mấy khi. Nhưng bà chọn cách sống đạm bạc, đơn giản, nuôi chó làm niềm vui, giúp đỡ mọi người khi có thể.
Những chú chó đáng yêu khiến mọi người xích lại gần nhau hơn
Do tình yêu đối với loài chó vô cùng đặc biệt nên việc nuôi và chăm sóc, đối với bà không có một chút khó khăn. Bà coi những con chó tại đây như những đứa con của mình. Vì vậy, điều kiện sống của chúng luôn được tốt nhất, mùa hè có máy điều hòa làm mát, có tủ lạnh riêng,... mùa đông có chăn ấm, đệm êm, quạt sưởi,...
Đồ ăn của 13 chú chó thường là trứng vịt lộn, đầu gà, hạt, xúc xích,... và tuyệt đối không ăn thức ăn thừa của người bỏ lại. Một ngày, tiền ăn giao động từ 200.000 tới 300.000 nghìn đồng, cùng với đó là tiền thuốc men, khám bệnh cho bầy chó cũng tốn chi phí lớn.
Bà Quý chia sẻ, vì bà ăn chay trường đã được 12 năm, nên khi nấu đồ ăn có thịt cho các con vừa nấu bà vừa khóc, nhưng vì thương bởi nếu các con ăn hạt mãi sẽ bị ốm nên bà bắt buộc phải nấu.
"Ở nhà các con đều có chỗ ở riêng. Nhưng nếu bị ốm, hay có vấn đề về tâm lý thì tôi sẽ đưa sang ngủ cùng và chăm sóc một thời gian, đến khi cảm thấy con ổn định sẽ chuyển về ở chung với những con còn lại. Để tránh các con ganh tỵ với nhau, mỗi ngày tôi phải ôm đủ 13 lần/13 con. Nếu nhìn thấy nó stress, nó có vấn đề về tâm lý thì phải an ủi và động viên ngay", bà Quý chia sẻ thêm.
Những chú chó được bà Quý coi như thành viên trong gia đình.
Khi được hỏi về cuộc đời, bà Quý nở nụ cười nhưng đôi mắt đỏ hoe, nụ cười của bà dường như dấu đi sự xót xa trong đáy mắt. Bà từ từ hồi tưởng và kể lại chậm rãi : "Tôi đã thoát ly cuộc sống gia đình được 30 năm. Lúc mới ly dị chồng, có thời điểm tôi như rơi vào trầm cảm. Thời gian cứ trôi đi làm bản thân ngộ ra một điều, tôi còn may mắn hơn người khác là tôi còn có gia đình, có con cái để tôi có người yêu thương".
Bà Quý có hai con gái, dù nhiều lần các con ngỏ ý muốn đưa bà về để phụng dưỡng tuổi già, nhưng bà vẫn kiên quyết chọn sống một mình. Bởi bà có quan điểm, bà yêu cuộc sống tự do, còn khỏe nên tự lo được cho cho cuộc sống của mình, không muốn làm phiền đến các con.
Được biết, bà Quý từng học làm tóc ở nước ngoài và bà là một người nghệ sĩ tóc chính hiệu. Hiện tại, bà vẫn nhận làm tóc với khách quen nhưng cần phải đặt lịch trước, tránh thời gian bà chăm chó. Dù gần đây không còn làm việc nhiều vì lý do sức khỏe nhưng bà trả lời vẫn rất tâm huyết với nghề, lâu không làm thì nhớ. Vì thế, bà tự làm 1 kênh Youtube là Dạy làm tóc 0 VNĐ để chia sẻ kiến thức làm tóc với mọi người khi đầu óc còn minh mẫn.
Với bà Quý, không có gì quan trọng hơn được chăm sóc tốt cho các con cún, sống cho chính mình và đem lại niềm vui cho mọi người.
Nhìn đàn cún tíu tít khi được ngồi trên xe đi chơi, bà Quý tâm sự: "Nuôi cún là một chất xúc tác giúp cho con người có tình cảm hơn. Nó làm cho con người khỏa lấp nỗi buồn, sự cô đơn và thiếu vắng. Và hơn hết, cún dạy cho ta lòng yêu thương đồng loại. Một đời người tôi sống vì người khác, nuôi cún là khi tôi mới được sống cho chính bản thân mình".