Ngày 29-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10. Các thành viên Chính phủ đã thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) tháng 10 và 10 tháng năm 2022.
Xuất siêu 9,4 tỉ USD
Báo cáo tại phiên họp về tình hình KT-XH từ đầu năm đến nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết kinh tế vĩ mô cơ bản được giữ vững, điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 2,89%, tương đương cùng kỳ các năm 2018-2021. Đến ngày 25-10, tín dụng tăng 11,48% so với cuối năm trước, điều hành tỉ giá phù hợp diễn biến thị trường, bảo đảm nhu cầu ngoại tệ trong nước, duy trì dư địa điều hành, tiếp tục củng cố niềm tin thị trường, tránh áp lực dịch chuyển dòng vốn ra khỏi thị trường Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thu ngân sách nhà nước 10 tháng ước đạt 103,7% dự toán, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được thực hiện tính chung 10 tháng đạt 17,45 tỉ USD (tăng 15,2%). Thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng phục hồi, nhất là sức cầu trong nước; tình hình doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2022 Ảnh: NHẬT BẮC
Nhấn mạnh thêm về bức tranh kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 616 tỉ USD, tăng 14,1%, xuất siêu đạt 9,4 tỉ USD. Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, người đứng đầu Chính phủ đã chỉ ra những khó khăn, thách thức phải đối mặt, xử lý. Trước hết là sức ép về lạm phát, tỉ giá, năng lượng trong khi kinh tế thế giới có xu hướng suy giảm, một số nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái. Ngoài ra, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai một số nhiệm vụ của Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH, các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu tình trạng một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh, đến nay chưa được xử lý triệt để. Cùng với đó, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế ở một số bệnh viện, địa phương chưa được xử lý dứt điểm.
Đánh giá những tháng còn lại của năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh khó khăn, thách thức phải đối mặt là rất lớn, áp lực ngày càng gia tăng từ bên ngoài và bên trong nền kinh tế. Bên cạnh lạm phát thì các mối quan tâm đang hướng sang cả các lĩnh vực khác như bảo đảm an toàn tài sản, vốn đầu tư. Do đó, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho rằng cần có các giải pháp điều hành linh hoạt, chủ động hơn, thích ứng với tình hình, bối cảnh mới.
Xử nghiêm hành vi tung tin sai sự thật
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý việc lãnh đạo điều hành, không chuyển trạng thái đột ngột, không điều hành giật cục mà tôn trọng quy luật khách quan của thị trường, gồm quy luật cung cầu và cạnh tranh. Đồng thời, thực hiện nhất quán chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước là không hình sự hóa các quan hệ dân sự. Tuy nhiên, phải cương quyết xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế, đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Thủ tướng nhấn mạnh thêm phải xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân tung tin giả, sai sự thật nhằm phá hoại Đảng, Nhà nước, phá hoại nền kinh tế.
Thủ tướng khẳng định trong bất cứ hoàn cảnh nào, phải bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân theo quy định của pháp luật. Bảo vệ, khuyến khích người làm đúng, người làm ăn chân chính. Cùng với đó, khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám hành động, vì lợi ích chung. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa ngay các nghị định, thông tư còn vướng mắc. Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non. Lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Y tế phải khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế.
Thủ tướng cho rằng vừa qua, việc thực hiện kỷ cương hành chính ở một số nơi chưa nghiêm; thời gian tới cần siết chặt, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Thủ tướng dẫn chứng trong điều kiện hiện nay, có nhiều vấn đề đột xuất, bất ngờ, cần phải xin ý kiến của nhiều bộ, ngành nên việc trả lời phải khẩn trương, bảo đảm đúng thời hạn, theo quy chế làm việc. Bởi nếu chậm 1-2 giờ, thậm chí 1-2 ngày, là mất cơ hội, có khi từ tình hình bình thường chuyển sang phức tạp hơn.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác. Có giải pháp quyết liệt đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng COVID-19, nhất là tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5-12 tuổi. Trong những tháng còn lại của năm 2022, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội… Để thực hiện mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ động xây dựng phương án điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm chủ động, linh hoạt hiệu quả. Giữ ổn định, thúc đẩy phát triển hệ thống ngân hàng thương mại. Lãnh đạo Chính phủ rất chia sẻ với ngành ngân hàng trong bối cảnh thế giới hiện nay lạm phát, lãi suất tăng cao. "Ba vấn đề này cùng với suy giảm kinh tế thế giới sẽ tác động, gây ra nhiều khó khăn cho chính sách tiền tệ" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định.
Khắc phục bất cập về kinh doanh xăng dầu
Về phía Bộ Công Thương, lãnh đạo Chính phủ giao cơ quan này chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu để khắc phục những bất cập trên thị trường thời gian qua.
Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông Vận tải tích cực khởi công 12 dự án thành phần của Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 (2021-2025) vào cuối năm nay, thông xe 4 tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017-2020).