Nước vừa rút chưa ráo chân, người dân Quảng Nam lại oằn mình dọn đồ chạy lũ Nước vừa rút chưa ráo chân, người dân Quảng Nam lại oằn mình dọn đồ chạy lũ , Người xứ Nghệ Kiev
Trương Hồng Thứ sáu, ngày 14/10/2022
Trong vòng chưa đầy 1 tháng, người dân Quảng Nam liên tiếp hứng chịu 1 cơn bão mạnh và trận lũ lụt lớn làm thiệt hại nặng cả về người và tài sản. Dù chưa ráo chân khi đợt lũ lớn vừa rút, nay người dân xứ Quảng tiếp tục oằn mình dọn đồ để chuẩn bị chạy lũ đợt 3.
Sáng nay (14/10), theo dự báo do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, tại Quảng Nam từ chiều nay đến ngày 16/10 các địa phương trong tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; tổng lượng mưa các địa phương phía Bắc của tỉnh phổ biến từ 200-300mm, phía Nam của tỉnh phổ biến từ 300-450mm, có nơi trên 600mm. Các sông trên địa bàn tỉnh khả năng xuất hiện một đợt lũ với đỉnh lũ ở mức trên báo động 2 đến trên báo động 3.
Lũ vừa rút chưa ráo chân, nay lại tiếp tục chạy lũ
Đồng thời từ cuối tháng 9 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam liên tiếp xảy ra mưa lớn, độ ẩm đất đã đạt trạng thái gần bão hòa, nguy cơ rất cao xảy ra lũ, lũ quét, tại các sông, suối vùng núi, sạt lở đất đá ở sườn dốc, ven sông, suối và ngập úng tại vùng trũng.
Sáng cùng ngày, ghi nhận của phóng viên, hiện người dân vùng trũng của tỉnh này đã chuẩn bị tốt công tác dọn dẹp đồ đạc lên trên cao tránh thiệt hại về của cải khi lũ lụt kéo về trong nay mai.
Tại khối phố Mỹ Thạch Trung, phường Hòa Thuận, thành phố Tam Kỳ, nơi đây là vùng trũng thấp nguy cơ ngập lụt lớn, hàng chục hộ dân vẫn chưa hết bàng hoàng sau đợt chạy lũ mới vừa qua chưa ráo chân thì nay lại lo lắng cho đợt lũ kế tiếp.
Đang dọn đồ đạc, ông Nguyễn Kiều Hưng cho biết, đợt mưa lớn từ ngày 11/10, mực nước lũ vào nhà sâu hơn 1m.
"Mưa lớn kèm lũ đổ về, vợ chồng tôi phải dùng ghe, thuyền di chuyển ra phía Trung tâm Giáo dục thường xuyên trước nhà để tránh lũ. Đây là lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 1 tháng, vợ chồng tôi chạy lũ. Còn đợt 3 này nghe mưa lớn hơn, nên vợ chồng tôi tranh thủ trời tạnh đã đưa đồ đạc hết lên trên cao cho an toàn", ông Hưng nói.
Căn nhà cấp 4 của ông Hưng cũng như nhiều hộ dân khác tại khối phố này vẫn kê cao các vật dụng để tránh đợt lũ mới.
"Sợ ngập lụt nên vợ chồng tôi kê chiếc giường lên cao 1m nhằm tránh lũ. Mỗi khi nước ngập, gia đình tôi lại dùng ghế rồi trèo lên giường ngủ, nếu ngập sâu quá cả nhà sẽ dùng ghe chèo ra ngôi trường trước nhà để ngủ tạm", ông Hưng nói tiếp.
Không riêng gì người dân vùng trũng, mà nơi được cho là ngập lụt thường xuyên mỗi lúc có mưa lớn kéo dài, đó là khu vực chợ Tam Kỳ. Ngay sau khi nhận thông tin tiếp tục có mưa lớn kéo dài từ ngày 14 đến 16/10, các tiểu thương ở chợ Tam Kỳ lại tiếp tục chạy lũ lần 3.
Bà Trần Thị Hiền (tiểu thương trên đường Trần Cao Vân, Tam Kỳ) cho biết: "Chỉ trong vòng nửa tháng, quầy hàng của tôi đón đợt lũ từ bão số 4, rồi hôm trước lũ về nhanh làm ngập nhà gần 1m, tối nay lại mưa lớn hơn nên lo ngập sâu nữa. Sợ ngập lụt hư hỏng tài sản, nên vợ chồng tôi mang hàng dễ dọn đem ra bán, đồ cồng kềnh, phải chất vào bao, đưa lên cao tránh hư hỏng…".
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ cho biết, trước dự báo mưa lớn trong những ngày tới, thành phố đã có kế hoạch ứng phó với mưa lũ, hiện đang thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Hiện mực nước sông Tam Kỳ đang dưới báo động I, nếu tình hình cấp bách thành phố sẵn sàng phương án di dời dân đến nơi an toàn và thực hiện phương châm 4 tại chỗ.
Kiên quyết di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn
Không chỉ người dân xứ Quảng liên tục hứng chịu các đơn đài cuồn phong do thiên tai gây nên, người dân khu vực đồng bằng thì lo sốt vó cho lũ lụt, còn người dân miền núi thì lại lo lắng cho sạt lở đất đá.
Ông Trần Văn Sang - Chủ tịch UBND xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ sạt lở đất đá tràn xuống đường ĐH5, gây chia cắt khoảng 170 hộ dân địa phương.
Theo đó, sự việc xảy ra vào tối 12/10 tại tuyến đường ĐH5, đoạn qua thôn Tứ Nhũ, xã Quế Lâm, bất ngờ đất đá trên sườn núi sạt lở tràn xuống đường gây chia cắt khoảng 170 hộ dân ở thôn Tứ Nhũ.
Ngay sau đó, chính quyền địa phương gọi báo cho UBND huyện Nông Sơn để khẩn trương khắc phục điểm sạt lở này.
"Hiện nay, lực lượng chức năng vẫn đang ở hiện trường đưa phương tiện máy móc khắc phục điểm sạt lở trên tuyến đường ĐH5. Do khối lượng sạt lở 2 điểm trên tuyến đường ĐH5 hơn 3.000 khối đất đá nên công tác khắc phục khó khăn. Nếu khu vực này bị chia cắt nhiều ngày thì chính quyền địa phương sẽ di chuyển bằng đường thủy trên sông Thu Bồn để cung cấp lương thực, thực phẩm cho bà con thôn Tứ Nhũ", ông Sang nói.
Để ứng phó với cơn áp thấp nhiệt đới kèm mưa lớn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh ngày 14/10 đã có chỉ đạo khẩn để khẩn trương tổ chức rà soát, kiểm tra ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở, khu vực nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, nhất là khu dân cư, trường học, trụ sở để chủ động sơ tán người khỏi khu vực nguy hiểm. Kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Đặc biệt, bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát chặt chẽ, hỗ trợ, hướng dẫn giao thông qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết để bảo đảm an toàn. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt.
Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, bảo đảm nguồn cung cầu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở. Bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm để kịp thời tổ chức hỗ trợ người dân sơ tán, cứu trợ, cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu; kiểm tra, tháo dỡ kịp thời các vật cản lớn gây nguy hiểm trên sông, suối.
Đối với các hồ thủy lợi, thủy điện, vị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị quản lý trực ban 24/24 giờ; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố; theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa nước, thường xuyên báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên. Thực hiện tốt việc thông báo, thông tin đến vùng hạ du, vận hành điều tiết hồ đảm bảo theo đúng quy trình vận hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt.