Việt Nam xuất khẩu hơn 5 triệu tấn gạo, nhưng phải chi 1,85 tỷ USD nhập về một loại hạt Việt Nam xuất khẩu hơn 5 triệu tấn gạo, nhưng phải chi 1,85 tỷ USD nhập về một loại hạt , Người xứ Nghệ Kiev
Thiên Hương
Theo Bộ NNPTNT, trong 8 tháng đầu năm 2022, ước tính các doanh nghiệp đã nhập khẩu 12,34 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tương đương 5,97 tỷ USD. Trong đó, riêng khô đậu tương nước ta đã nhập khẩu 3,32 triệu tấn, trị giá 1,85 tỷ USD.
Việt Nam chi 1,85 tỷ USD nhập khẩu đậu tương để làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi
Theo con số của Trung tâm Tin học và Thống kê (Bộ NNPTNT), mặc dù là cường quốc xuất khẩu gạo (đến thời điểm này đã xuất khẩu hơn 5 triệu tấn), nhưng mỗi năm Việt Nam vẫn phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu từ 20-22 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi thành phẩm (bao gồm cả nguyên liệu dùng cho thủy sản).
Cụ thể, năm 2021 nhập khẩu 22,3 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tương ứng 9,1 tỷ USD. Trong đó nhiều nhất là ngô, khoảng 9,7 triệu tấn; khô dầu đỗ tương 5,6 triệu tấn; lúa mỳ và cám khoảng 2 triệu tấn và các loại khác.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, ước tính Việt Nam đã nhập khẩu 12,34 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tương đương 5,97 tỷ USD (giảm 26,3% về số lượng và 3,2% về giá trị ). Sản lượng nguyên liệu nhập khẩu giảm do giá nguyên liệu thế giới tăng nên các doanh nghiệp đã sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước nhiều hơn (tấm gạo, cám gạo và sắn) để thay thế nguyên liệu nhập khẩu.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là lượng nhập khẩu khô đậu tương của các doanh nghiệp đều tăng cả lượng và giá trị so với cùng kỳ. Cụ thể, trong tháng 8/2022, nước ta nhập 515,6 nghìn tấn đậu tương, trị giá 291 triệu USD, tăng 43,2% về lượng và tăng 40,6% về trị giá so với tháng trước; tăng 38,4% về lượng và tăng 59,7% về trị giá so với tháng 8/2021.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, lượng nhập khẩu khô đậu tương về Việt Nam đạt 3,32 triệu tấn, trị giá 1,85 tỷ USD. Trước đó, năm 2021, Việt Nam cũng đã nhập khẩu tới 2 triệu tấn đậu tương và hơn 10 triệu tấn ngô (bắp).
Thị trường cung cấp chính khô đậu tương cho nước ta là Nam Mỹ và Mỹ. Giá nhập khẩu trung bình khô đậu tương trong tháng 8/2022 ở mức 564 USD/tấn, giảm 1,8% so với tháng trước nhưng tăng 15,4% so với tháng 8/2021.
Theo Cục Chăn nuôi, Việt Nam đang phụ thuộc đến 90% nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như bắp, đậu tương từ các nguồn nhập khẩu. Trong khi bắp và đậu tương (đậu nành) là 2 nguyên liệu chính được sử dụng chủ yếu trong thành phần thức ăn chăn nuôi.
Thực tế, cây bắp lẫn cây đậu tương nước ta đều không thể cạnh tranh với các loại cây trồng khác và không thể cạnh tranh được với nguồn bắp nhập khẩu vốn có giá rất rẻ. Do đó, diện tích trồng bắp trên cả nước mỗi ngày mỗi giảm.
Số liệu thống kê cho thấy, diện tích trồng bắp trên cả nước đã giảm còn dưới 900.000 ha, còn đậu tương diện tích ngày càng thu hẹp, sản xuất đậu tương trong nước mới đáp ứng khoảng 10% nhu cầu tiêu thụ nội địa.
Trao đổi với báo chí, GS-TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp từng chỉ rõ: Ở các nước xuất khẩu bắp, đậu tương như Mỹ, Brazil, Argentina, Nga… mỗi cánh đồng của họ diện tích tới vài ba ngàn héc ta. Họ cơ giới hóa toàn bộ quy trình sản xuất. Hạ tầng phục vụ cho ngành cũng được đầu tư hoàn chỉnh.
Bên cạnh đó, nông dân các nước có kiến thức kinh nghiệm một cách chuyên nghiệp. Ngoài ra còn là sở hữu giống chất lượng cao thông qua công tác nghiên cứu khoa học, khí hậu, thổ nhưỡng… có rất nhiều thứ đã được xây dựng trong một thời gian rất dài. "Ngược lại, Việt Nam chúng ta gần như con số không. Không có đầu tư nghiên cứu, không có giống tốt, không có hạ tầng, nông dân không có kiến thức chuyên sâu...” - GS-TS Võ Tòng Xuân nói.
Trao đổi với báo chí mới đây xung quanh câu chuyện Việt Nam bị phụ thuộc khá lớn vào nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, điển hình như ngô, đậu tương, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năng suất trồng ngô, đậu tương của Việt Nam thấp, giá thành sản xuất cao, lợi nhuận kém hấp dẫn so với các cây trồng khác.
"Ví dụ, năng suất ngô của Việt Nam chỉ 4,84 tấn/ha nhưng của các nước sử dụng nguồn giống chuyển gen, năng suất tới 9 - 10 tấn/ha. Đậu tương của Mỹ 1 cây có tới 132 quả, nhưng của Việt Nam chỉ được chưa đến 70 quả", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Lãnh đạo Bộ NNPTNT thông tin thêm, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NNPTNT và các ngành chức năng nghiên cứu xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để tiến tới chủ động một phần, giảm lệ thuộc vào nhập khẩu.
Vừa qua, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo Tập đoàn De Heus (Hà Lan) phối hợp với Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi xây dựng các hợp tác xã trồng sắn và ngô tại các tỉnh Tây Nguyên. Theo đó, doanh nghiệp sẽ làm "đầu tàu" chuỗi sản xuất, đảm bảo thu mua khép kín phục vụ trực tiếp cho sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Lượng nhập khẩu khô đậu tương về Việt Nam trong năm 2022 dự kiến đạt 5,2 triệu tấn, trị giá 2,9 tỷ USD, tăng 4% về lượng và tăng 12,5% về trị giá so với năm 2021 do nhu cầu cho ngành chăn nuôi lợn, gia cầm trong nước tăng mạnh.