Bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới: Nguy cơ gió mạnh đã hết, nguy cơ mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất bắt đầu Bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới: Nguy cơ gió mạnh đã hết, nguy cơ mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất bắt đầu , Người xứ Nghệ Kiev
L.V.S
Thứ tư, ngày 28/09/2022
Cập nhật tin bão số 4 Noru mới nhất: Sáng nay (28/9), sau khi đi sâu vào khu vực Thừa Thiên Huế-Quảng Ngãi bão số 4 Noru đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Nguy cơ về gió mạnh đã hết, nhưng nguy cơ về mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất mới chỉ bắt đầu.
Hồi 10 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 80km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Bão số 4 Noru chính thức suy yếu thành áp thấp nhiệt đới: Tập trung đánh giá thiệt hại và khắc phục sau bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).
Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Khu vực Vịnh Bắc Bộ, Quảng Trị đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; sóng biển cao 2-4m, biển động mạnh.
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, Kon Tum có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8.
Cảnh báo mưa lớn: chiều 28/9, ở khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 70mm. Từ ngày 28/9 đến đêm 29/9, ở khu vực Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-250mm, có nơi trên 300mm; khu vực đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Hoà Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-150mm, có nơi trên 180mm. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét trượt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng thấp.
Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Cập nhật tin bão số 4 Noru mới nhất: Tập trung đánh giá thiệt hại và khắc phục sau bão
Sáng 28/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến đánh giá tình hình khắc phục thiệt hại và rút kinh nghiệm công tác ứng phó với bão số 4 (Noru).
Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Trưởng Ban Chỉ đạo tiền phương (điểm cầu thành phố Đà Nẵng); điểm cầu 8 tỉnh, thành phố khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên.
Phát biểu ý kiến mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mấy ngày nay, chúng ta đã tích cực, chủ động, làm rất tốt công tác phòng, chống cơn bão số 4.
Sau khi bão đi qua, chúng ta phải có hội nghị nhanh để đánh giá tình hình, dự báo tình hình, rút kinh nghiệm, khắc phục nhanh chóng hậu quả do bão gây ra, nhất là mưa lũ đang diễn biến phức tạp.
Do đó, công tác bảo đảm an toàn hồ đập, an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân phải được quan tâm, ưu tiên hàng đầu; nhanh chóng ổn định đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh sau bão, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng, kiểm soát lạm phát. Chúng ta phải làm nhanh, khẩn trương, hiệu quả công tác này.
Nhờ chủ động tích cực, “phòng hơn chống”, cho nên chúng ta đạt được kết quả bước đầu tích cực trong phòng, chống bão số 4, do vậy, cần đánh giá để có giải pháp tích cực khắc phục. Đây là việc cần thiết để rút ra bài học, sẵn sàng ứng phó những cơn bão tương tự trong điều kiện biến đổi khí hậu, thiên tai khó lường.
* Theo Ban Chỉ đạo tiền phương, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã tập trung vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó với bão.
Trong chưa đầy 2 ngày trước khi bão đổ bộ, các địa phương và các lực lượng kêu gọi, hướng dẫn cho 57.840 tàu thuyền (299.678 người) di chuyển tránh trú và neo đậu an toàn; trong ngày 27/9 đã tổ chức sơ tán hơn 108.441 hộ dân (340.863 nhân khẩu) đến nơi an toàn.
Vận động, tuyên truyền và di dời người dân tại 20.712ha và 4.571 lồng, bè nuôi trồng thủy sản lên bờ, bảo đảm an toàn không để xảy ra rủi ro khi bão đổ bộ.
Tập trung gia cố bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, công trình hạ tầng; hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa…, hạn chế giao thông khi bão đổ bộ.