Đối thoại Thủ Thiêm: Người dân vẫn chất vấn về việc mất bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Đối thoại Thủ Thiêm: Người dân vẫn chất vấn về việc mất bản đồ quy hoạch khu đô thị mới , Người xứ Nghệ Kiev
Quốc Hải Thứ sáu, ngày 17/06/2022
Buổi đối thoại giữa người dân Thủ Thiêm và Thanh tra Chính phủ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Người dân vẫn chất vấn về việc mất bản đồ quy hoạch khu đô thị mới và “kết luận” của Thanh tra Chính phủ về việc 5 khu phố, 3 phường nằm trong ranh giới quy hoạch.
Mở đầu buổi đối thoại chiều nay (17/6), ông Lê Sỹ Bảy - Phó tổng Thanh tra Chính phủ, cho hay, buổi đối thoại hôm nay sẽ tập trung vào hai nội dung: Thứ nhất, tập trung nghe bà con ý kiến về ranh quy hoạch. Thứ hai, đại diện các bộ, ngành liên quan tham dự để lắng nghe, chia sẻ và trong khuôn khổ sẽ trả lời bà con một số nội dung.
"Nhiệm vụ được phân công, cũng như chức năng thẩm quyền thì chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến, chia sẻ và có thể giải đáp một số nội dung theo thẩm quyền", ông Bảy nói.
Theo ông Lê Sỹ Bảy, với những nội dung khác của người dân ý kiến thì sẽ ghi nhận đầy đủ, lập thành biên bản đầy đủ của buổi đối thoại vì chắc chắn có nội dung vượt ngoài thẩm quyền trả lời.
Người dân chất vấn về việc mất bản đồ quy hoạch
Tại buổi đối thoại, đa số người dân đặt câu hỏi cho cơ quan chức năng về căn cứ pháp lý để xác định khu vực 5 khu phố, 3 phường nằm trong ranh quy hoạch của Khu đô thị mới Thủ Thiêm?
Ông Hoàng Thanh Long, phường An Khánh cũ (nay là phường Thủ Thiêm), bày tỏ sự băn khoăn trước việc bản đồ quy hoạch 1/5.000 khu đô thị mới Thủ Thiêm bị mất. Bên cạnh đó, nếu tấm bản đồ này bị mất, các cơ quan chức năng căn cứ vào đâu để xác định 5 khu phố, 3 phường nằm trong ranh quy hoạch.
"Thanh tra Chính phủ dựa vào đâu để kết luận có cơ sở khẳng định các bản đồ do nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Viết Thanh lưu giữ cung cấp và 02 ban đồ do các cơ quan của UBND TP.HCM cung cấp là bản đồ xác định về ranh quy hoạch được UBND TP.HCM trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 367 TTg ngày 4/6/1996 phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm?", ông Long đặt vấn đề.
Một số người dân lớn tuổi khác thì bày tỏ mong muốn TP.HCM cùng những đơn vị liên quan làm rõ vấn đề về việc bồi thường, hoán đổi đất cho người dân chịu ảnh hưởng bởi dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
"Chúng tôi đã đi từ Nam ra Bắc để kêu cứu, nhiều người đã hứa hẹn với chúng tôi nhưng đến nay cũng vẫn chỉ là lời hứa hẹn. Lần này đừng hứa hẹn nữa, giúp chúng tôi có nơi ăn chốn ở"- một người dân nói.
Ông Cao Thanh Ca, người dân thuộc phường Bình Khánh cũ (nay là phường An Khánh), chất vấn về việc vì sao sai phạm ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm tồn tại thời gian dài mới bị phát hiện.
Theo ông Ca, hàng trăm hộ dân đi khiếu nại từ Nam ra Bắc gần 20 năm nay với 3 nội dung chính: 5 khu phố 3 phường nằm ngoài ranh quy hoạch; 160 ha tái định cư đất của dân ở đâu; và pháp lý thu hồi đất, pháp lý bồi thường hỗ trợ thiệt hại tái định cư… Vì sao đến nay vẫn chỉ là lời hứa?
Một số người dân cũng cho rằng, những buổi đối thoại tương tự cần có những chuyên gia về pháp lý, quy hoạch để làm rõ nhiều vấn đề còn bất đồng ý kiến giữa các bên.
Sau phần ý kiến của người dân, ông Lê Sỹ Bảy, Phó tổng Thanh tra Chính phủ đánh giá, các văn bản kết luận số 1483 và 1169 của Thanh tra Chính phủ đã nhận được nhiều ý kiến của người dân. Trong đó, nhiều nội dung được người dân đồng thuận, nhưng một số nội dung còn chưa được… thống nhất.
"Các văn bản thông báo kết luận này được Thanh tra Chính phủ báo cáo, thông qua các bộ, ngành, TP.HCM và đã được Thủ tướng đồng ý ban hành. Do đó, những văn bản này đã và đang có hiệu lực thi hành", ông Bảy nói.
"Những nội dung bà con chưa đồng thuận sẽ được cơ quan có thẩm quyền xem xét. Nếu bộ, ngành, cơ quan nào phản ánh, đánh giá không đúng thì đơn vị đó chịu trách nhiệm trước pháp luật", ông Bảy khẳng định.
5 khu phố, 3 phường vẫn nằm trong ranh quy hoạch
Sau khi các bên nêu ý kiến, đại diện các bộ ngành như Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên - Môi trường… đã có phần trả lời chất vấn. Tuy nhiên, những phần trả lời này cũng chưa nhận được đồng thuận của người dân.
Theo ông Lê Sỹ Bảy, các văn bản kết luận số 1483 và 1169 của Thanh tra Chính phủ đã được báo cáo, thông qua các bộ, ngành, TP.HCM và đã được Thủ tướng đồng ý ban hành. Như vậy, các văn bản này có giá trị pháp luật.
Được biết, năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã ban hành thông báo kết luận 1483, khẳng định chỉ có phần đất diện tích 4,3 ha nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Còn vị trí ranh giới, số thửa đất các hộ dân đang khiếu nại thuộc 5 khu phố, 3 phường nằm trong ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Tuy nhiên, người dân thuộc 5 khu phố, 3 phường không đồng ý với nội dung kết luận này và tiếp tục đưa ra một số tài liệu, chứng cứ chứng minh diện tích đất khiếu nại nằm ngoài ranh quy hoạch.
Thời điểm đó, ông Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng, đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thành lập tổ liên ngành, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương rà soát lại.
Tháng 7 năm 2021, Thanh tra Chính phủ thông báo lại kết quả kiểm tra việc khiếu nại của người dân tại 5 khu phố, 3 phường. Theo kết quả kiểm tra, rà soát, đối chiếu các bản đồ, Thanh tra Chính phủ tái khẳng định khu vực đang bị khiếu nại nằm trong ranh quy hoạch (thông báo kết luận 1169 năm 2021)
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, quyết định số 13585 ngày 16/9/1998 của Kiến trúc sư trưởng TP.HCM về phê duyệt quy hoạch 1/2000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm có sự sai sót về vị trí giới hạn.
Tuy nhiên, việc người dân căn cứ vào những việc làm không đúng của UBND TP.HCM về sơ đồ khu vực để khiếu nại về ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm là không có cơ sở để xem xét, giải quyết. Những việc làm không đúng, thiếu trách nhiệm nói trên của Kiến trúc sư trưởng TP.HCM không làm thay đổi thực tế ranh quy hoạch của Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo quy định, sau khi Thanh tra Chính phủ có văn bản thông báo kết luận 1169 năm 2021, khẳng định các thửa đất ở 5 khu phố thuộc 3 phường nằm trong ranh quy hoạch thì phải có buổi đối thoại với người dân. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 và một số lý do khách quan, đối thoại được dời lại đến hôm nay…