(Dân trí) - "Trong quá trình lập dự án, thiết kế đã tính toán các điểm dừng phù hợp đảm bảo không bị ách tắc giao thông và vẫn đảm bảo an toàn" - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói.
Sáng 10/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và vành đai 3 TPHCM. Nhiều đại biểu cho rằng cần thiết phải đầu tư 2 dự án này và nêu ý kiến về quy hoạch, quy mô dự án.
"Mới nghe làm đường giá đất đã tăng rất nhiều lần"
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, cần có cơ chế đặc thù khai thác quỹ đất hai bên đường vành đai. Việc hình thành các tuyến đường này không chỉ mở rộng không gian phát triển đô thị, giảm áp lực về giao thông cho các đô thị trung tâm mà còn tạo nên một sự kết nối về không gian phát triển cho cả vùng. Những tuyến đường này đã được đưa vào kế hoạch phát triển ở giai đoạn 2010 và 2020, nhưng do khó khăn nguồn lực cho nên đến thời điểm này mới có điều kiện xem xét và không có lý do gì trì hoãn thêm nữa.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, đường vành đai 4 vùng Thủ đô và đường vành đai 3 TPHCM đều là đường cao tốc nhưng khác hoàn toàn với các tuyến đường cao tốc khác mà đây là cao tốc của vành đai.
"Khi tuyến đường này hình thành thì các lân cận quanh đường sẽ hình thành các trung tâm đô thị, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối. Đây chính là một nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng, đại biểu nêu rõ. Thời gian qua, khi mới chỉ nghe dư luận là Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về tuyến đường này, giá đất ở khu vực này đã sôi động, tăng lên rất nhiều lần" - đại biểu nói và cho rằng nếu không có biện pháp khai thác thì nguồn lực sẽ bị lãng phí, cùng với việc phê duyệt chủ trương xây dựng tuyến đường, Chính phủ nên đề xuất với Quốc hội có một cơ chế đặc thù để khai thác nguồn lực này.
Đại biểu đoàn Hà Nội cho hay, cơ chế được thực hiện theo phương thức là cùng với việc quy hoạch chi tiết xây dựng các tuyến đường vành đai này, nên quy hoạch đồng thời khu vực hai bên đường này để hình thành các khu đô thị hiện đại, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối, các trung tâm trung chuyển hàng hóa và các hệ thống đường không chỉ là đường song hành mà kể cả các hệ thống đường kết nối trong khu vực. Khi tiến hành đấu thầu các dự án này sẽ có được các khu đô thị hiện đại, khai thác nguồn lực và tránh tình trạng phát triển tự phát.
Ông Cường cũng lưu ý đến công tác giải phóng mặt bằng ngay một lần toàn bộ các phần diện tích đất đai là dự trữ cho phát triển các công trình hạ tầng trong tương lai.
Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) đề nghị trong thiết kế dự án cần chú ý tới tính kết nối với các đô thị vệ tinh, các trung tâm công nghiệp đã hình thành, các tuyến giao thông đang có; cần phải có đường song hành, hầm chui dân sinh đủ để đảm bảo việc đi lại, làm ăn của người dân, đồng thời trong thi công cần phải có biện pháp bảo đảm việc đi lại, sinh sống và hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp.
Cho rằng hai tuyến đường sẽ mở ra nhiều quỹ đất dọc theo tuyến, nhất là tại các nút giao cắt với hệ thống giao thông hiện hữu, đại biểu đề nghị cần thực hiện chặt chẽ việc quản lý bán đấu giá quyền sử dụng đất, quản lý quy hoạch xây đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, trong vấn đề giải phóng mặt bằng, đại biểu đoàn Điện Biên đề nghị Chính phủ cần có hướng dẫn, chỉ đạo chung cho các địa phương thực hiện thống nhất phương án áp dụng mức giá đền bù phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình giải phóng mặt bằng.
"Phải biến thành một hành lang kinh tế"
Làm rõ về tính cấp thiết của dự án, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của cả hai dự án đối với hai vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, giải quyết được điểm nghẽn về quy hoạch không gian của đô thị, về hạ tầng giao thông của Hà Nội và TPHCM. Chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội đã coi là hạ tầng là một trong 3 chiến lược đột phá để phát triển.
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, mục đích các dự án lần này có sự thay đổi về cách tiếp cận. Theo đó, phải đảm bảo được kết nối vùng, liên kết vùng, giảm ùn tắc, ô nhiễm; phải mở rộng được không gian phát triển cho hai thành phố và cho cả vùng; phải nâng cao được sức cạnh tranh và phải biến nó thành một động lực cho phát triển.
"Mục tiêu không chỉ để hình thành một tuyến hành lang giao thông mà phải biến thành một hành lang kinh tế, phải phát triển theo quy hoạch và thu hồi lại các giá trị, đảm bảo lợi ích hài hòa cho Nhà nước - người dân - nhà đầu tư" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Về giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, lần này cần phải tập trung để đẩy nhanh tiến độ và có những giải pháp để bảo đảm hiệu quả cao để không phải điều chỉnh dự án, không tăng tổng mức, không làm xáo trộn sự ổn định đối với người dân. Ông Dũng cũng lưu ý chính sách đền bù ở vùng giáp ranh cần có hướng dẫn để đảm bảo không có khiếu kiện, phải quản lý chặt chẽ để không có sự tái lấn chiếm.
Về quy mô dự án, ông Dũng cho biết, đối với vành đai 4 vùng Thủ đô, quy mô quy hoạch là 6 làn xe và vành đai 3 TPHCM quy mô 8 làn xe. Thiết kế như vậy là căn cứ vào nhu cầu và khả năng cân đối vốn của giai đoạn 1.
Đề cập tới việc chưa làm làn dừng khẩn cấp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin: "Nếu làm thêm làn dừng khẩn cấp sẽ ảnh hưởng đến cân đối nguồn vốn. Do đó, trong quá trình lập dự án, thiết kế dự án cũng đã tính toán các điểm dừng phù hợp đảm bảo không bị ách tắc giao thông và vẫn đảm bảo trong điều hành, đồng thời sẽ tăng cường điều hành giao thông minh để đảm bảo được hiệu quả và an toàn giao thông".
Về hình thức đầu tư, ông Dũng cho hay chủ trương đầu tư là xã hội hóa, kêu gọi các nguồn lực của xã hội để tham gia cùng Nhà nước để đầu tư hạ tầng. Vành đai 4 vùng Thủ đô đã thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng. Vành đai 3 TPHCM mặc dù có nghiên cứu đầu tư PPP nhưng chưa thu hút được nhà đầu tư, do đó đã chuyển sang đầu tư công.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng làm rõ sự khác nhau về suất đầu tư giữa hai dự án; nguồn vốn và khả năng hấp thụ vốn; các cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiện dự án để đảm bảo tiến độ; việc nâng công suất lên 50% đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thi công; chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn di dời các công trình hạ tầng hay xây dựng, tái định cư; việc quản lý chặt chẽ quỹ đất ở hai bên đường từ quy hoạch cho đến quản lý, khai thác, đấu thầu, thu tiền về cho Nhà nước, phát triển cho bài bản, đúng quy hoạch - việc này vai trò của địa phương rất quan trọng.
"Cần những con đường cao tốc trong tư duy chính sách và thủ tục hành chính"
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội): "Chúng ta cần những con đường cao tốc trong giao thông vận tải, chúng ta cũng rất cần những con đường cao tốc trong tư duy chính sách và thủ tục hành chính để có thể khơi thông những điểm nghẽn không chỉ cơ sở hạ tầng mà còn về thể chế, chính sách, về thủ tục hành chính cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước" - ông Lộc cho hay.
Tuy nhiên, đại biểu nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng các tuyến đường này như là mẫu hình của tư duy mới, của sự vào cuộc đồng bộ cả hệ thống chính trị; tư duy mới của sự đột phá phát triển, của tầm nhìn tổng thể và tư duy mới của sự minh bạch; tư duy mới của một chính sách bảo vệ được cán bộ dám nghĩ, dám làm.
"Trong quá trình triển khai dự án, chúng ta không chỉ đòi hỏi trách nhiệm của các địa phương, tinh thần đổi mới sáng tạo của họ, mà còn phải bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm. Bên cạnh các quyết sách trong việc đưa ra thể chế đặc thù, cần có những chính sách đặc thù bảo vệ cán bộ trong giai đoạn mới" - đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.