Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng việc Cục Lãnh sự và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được toàn quyền giải quyết việc "giải cứu" người Việt ở nước ngoài suốt 2 năm qua đã dẫn tới hành vi trục lợi, gây khó khăn cho công dân muốn hồi hương. Phóng viên hỏi về trách nhiệm của Bộ Ngoại giao và việc xử lý những bất cập trong thời gian tới.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng một lần nữa khẳng định việc đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước trong bối cảnh đại dịch vừa qua là chủ trương hoàn toàn đúng đắn và nhân đạo của Đảng và Nhà nước.
Đây cũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng, chưa có tiền lệ, được Thủ tướng Chính phủ giao cho Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, các bộ ngành và địa phương liên quan cùng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp triển khai.
Trong bối cảnh trong nước phải tập trung ứng phó với dịch bệnh chưa từng có và năng lực y tế có hạn, Việt Nam là một trong số ít quốc gia tổ chức liên tục các chuyến bay đưa công dân về nước, được nhân dân trong nước, kiều bào của ta nước ngoài và quốc tế đánh giá cao.
Từ chuyến bay đầu tiên đưa công dân Việt Nam ở Vũ Hán về nước vào đầu tháng 2-2020 đến nay, các cơ quan trong nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều cố gắng, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn do dịch bệnh gây ra, phối hợp với các hãng hàng không triển khai hơn 1.000 chuyến bay và đưa khoảng 240.000 công dân từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn.
Theo Người phát ngôn, vụ việc liên quan đến sai phạm của một số cá nhân lợi dụng chức vụ quyền hạn không thể phủ nhận những nỗ lực và kết quả như tôi nêu ở trên. Chủ trương nhất quán của Bộ Ngoại giao đối với vụ việc này là sai phạm đến đâu xử lý đến đó, theo đúng quy định của pháp luật, không bao che, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.
Bộ Ngoại giao đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc và đã quyết định đình chỉ đối với các cán bộ liên quan để phục vụ điều tra.
Đồng thời Bộ đã chỉ đạo các đơn vị trong nước và cơ quan đại diện ở nước ngoài khẩn trương rà soát, cập nhật quy trình xử lý công việc, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, thực hiện nghiêm túc thường xuyên công tác kiểm tra, thanh tra , giám sát nhất là liên qaun đến giải quyết thủ tục hành chính, lãnh sự, bảo hộ công dân, kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa và kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện suy thoái tư tưởng đạo đức chính trị, lối sống, tự diễn biến tự chuyển hoá, loại bỏ mọi hành vi tiêu cực lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi cá nhân, giữ gìn bản sắc và truyền thống tốt đẹp của ngành ngoại giao phục vụ tốt hơn hiệu quả hơn các nhiệm vụ được giao.
Trước đó, thông tin từ Bộ Công an cho biết ngày 27-1-2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án " Nhận hối lộ " để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
Bộ Công an ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam cùng về tội "Nhận hối lộ" theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự và Lệnh khám xét đối với 4 bị can:
Nguyễn Thị Hương Lan, sinh năm 1974, tại Hà Nội; nghề nghiệp: Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
Đỗ Hoàng Tùng, sinh năm 1980, tại Hà Nội; nghề nghiệp: Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
Lê Tuấn Anh, sinh năm 1982, tại Hưng Yên; nghề nghiệp: Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
Lưu Tuấn Dũng, sinh năm 1987, tại Hà Nội; nghề nghiệp: Phó Phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.