Nữ Cục trưởng 48 tuổi bị bắt tạm giam
Ngày 28/1, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Nhận hối lộ" để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
Đồng thời, khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao về tội Nhận hối lộ.
Cùng tội danh trên, cơ quan điều tra cũng khởi tố, tạm giam ông Đỗ Hoàng Tùng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự; Lê Tuấn Anh; Chánh văn phòng Cục Lãnh sự; Lưu Tuấn Dũng, Phó phòng Bảo hộ công dân Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
Bà Nguyễn Thị Hương Lan sinh năm 1974 (48 tuổi) tại Hà Nội. Trước khi được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, bà Lan đã có thời gian dài công tác tại đây.
Vào tháng 3/2021, bà Nguyễn Thị Hương Lan, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Lãnh sự được Bộ bổ nhiệm làm Quyền Cục trưởng Cục Lãnh sự.
Đến tháng 7/2021, bà được bổ nhiệm chính thức làm Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao.
Việc tổ chức những chuyến bay “giải cứu” để đưa công dân gặp hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu về nước trong thời gian dịch bệnh Covid-19 vừa qua của Cục Lãnh sự được chính bà Nguyễn Thị Lan Hương đánh giá là một trong những thành tích nổi bật ở bài viết nhân kỷ niệm 75 năm truyền thống công tác lãnh sự Việt Nam vào tháng 11/2021.
Trong bài viết, bà Hương cũng nêu rõ, Cục Lãnh sự xác định cần tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác bảo hộ công dân, gắn với dự báo tình hình, tăng cường khuyến cáo, thay đổi nhận thức của người dân ra nước ngoài về các quyền và nghĩa vụ.
Lấy công tác nghiên cứu, xây dựng thể chế làm nòng cốt, cải cách hành chính là khâu đột phá, coi công tác đào tạo cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ là nền tảng, kết hợp sử dụng công nghệ thông tin và tận dụng các phương thức truyền thông đại chúng trong triển khai công tác lãnh sự và bảo hộ công dân....
Năm 2020, Cục Lãnh sự và cá nhân bà Nguyễn Thị Hương Lan cũng đã được nhận bằng khen về công tác bảo hộ công dân...
Từ trái sang phải: Bà Nguyễn Thị Hương Lan, ông Đỗ Hoàng Tùng, Lê Tuấn Anh, Lưu Tuấn Dũng. Ảnh: Công an cung cấp.
Trước đó, vào tháng 5/2020, khi tham gia một số chương trình tọa đàm trên VTV, bà Nguyễn Thị Hương Lan khi đó là Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự đã có thông tin cụ thể về việc tổ chức những chuyến bay để đưa kiều bào về nước.
Khi đó, bà Hương cho biết, Bộ Ngoại giao cùng với các Bộ, ngành và các cơ quan đại diện thống nhất và sắp xếp các đối tượng ưu tiên hỗ trợ về nước...
Hành vi trục lợi, tiêu cực phải trừng trị nghiêm
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao cung cấp, trong 2 năm qua, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các cơ quan chức năng trong và ngoài nước đã tổ chức hơn 800 chuyến bay, đưa gần 200.000 công dân Việt Nam từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn.
Tuy nhiên thời gian vừa rồi có nhiều ý kiến phàn nàn giá vé các chuyến bay nhân đạo đưa công dân về nước cao so với bình thường. Trả lời về việc này, các hãng bay khẳng định không đặt nặng vấn đề lợi nhuận, giá vé cao là do phát sinh nhiều chi phí khác.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao vào chiều 20/1/2022, trước câu hỏi của các phóng viên về việc người Việt Nam về nước theo chuyến bay giải cứu phải mua vé rất đắt và thủ tục rườm rà, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã đưa ra khuyến cáo về việc này.
"Để tránh công dân bị lừa đảo, bị lợi dụng chiếm đoạt tài sản, Bộ Ngoại giao đã khuyến cáo công dân không liên hệ với những cá nhân, tổ chức, các trang thông tin không rõ danh tính, không chính thống, không làm việc qua bất cứ hình thức môi giới trung gian nào", bà Hằng lưu ý.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng cho rằng, những hành vi trục lợi tiêu cực, thay đổi tính chất nhân đạo của các chuyến bay giải cứu cần bị lên án và trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
Điều 354 BLHS quy định tội Nhận hối lộ:
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm.
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2 triệu đến dưới 100 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1 tỷ đến dưới 3 tỷ đồng;
đ) Phạm tội 2 lần trở lên;
e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.