(Dân trí) - "Việt Nam đã khẳng định được năng lực điều hành, từng bước khẳng định rõ vai trò nòng cốt, dẫn dắt hòa giải tại các hội nghị Hội đồng Bảo an với nhiều dấu ấn tích cực, được các nước đánh giá cao…".
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Tổng kết 2 năm Việt Nam đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 (UVKTT HĐBA LHQ) diễn ra sáng 22/1, tại Hà Nội.
Theo người đứng đầu Chính phủ, việc Việt Nam lần thứ hai đảm nhiệm vị trí quan trọng này (chỉ hơn 10 năm sau khi kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên) với số phiếu bầu gần như tuyệt đối (192/193 phiếu) cho thấy vị thế của đất nước và sự tín nhiệm cao của quốc tế đối với chính sách đối ngoại của chúng ta, kết quả hoạt động của các cơ quan đối ngoại, nhất là Bộ Ngoại giao.
Việt Nam đảm nhiệm trọng trách lớn này trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, thậm chí chưa có tiền lệ, thay đổi căn bản so với giai đoạn trước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những kết quả chúng ta đạt được là rất đáng tự hào.
"Việt Nam đã cùng với các nước thành viên HĐBA LHQ thảo luận thông qua các biện pháp giảm căng thẳng, thúc đẩy để các bên đàm phán, tìm giải pháp bền vững đối với xung đột, với điểm nóng ở các khu vực. Chúng ta cũng luôn đề cao tinh thần nhân đạo lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể, làm mục tiêu, động lực và nỗ lực bảo vệ an toàn tính mạng và sinh kế của người dân trong xung đột vũ trang…" - Thủ tướng nói và cho biết Tổng thư ký LHQ đánh giá rất cao vai trò của Việt Nam trong cuộc tiếp xúc ở COP26.
Hoạt động tham gia đóng góp xây dựng có trách nhiệm của Việt Nam vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế và LHQ đã làm tăng rõ rệt uy tín và vị thế của đất nước, thể hiện sinh động hình ảnh Việt Nam đổi mới, hội nhập quốc tế toàn diện, yêu chuộng hòa bình, tích cực và có trách nhiệm, có năng lực, bản lĩnh và bản sắc đối ngoại riêng.
"Việt Nam đã khẳng định được năng lực điều hành, từng bước khẳng định rõ vai trò nòng cốt, dẫn dắt hòa giải tại các hội nghị HĐBA với nhiều dấu ấn tích cực được các nước ủy viên HĐBA, kể cả các nước ủy viên thường trực, các nước bạn bè truyền thống, đang phát triển, không liên kết... coi trọng, đánh giá cao, nhất là trong 2 lần đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐBA tháng 1/2020 và tháng 4/2021" - Thủ tướng nói thêm.
Thủ tướng chỉ ra, đối mặt với những việc chưa từng có tiền lệ, chúng ta kiên trì, có đóng góp hiệu quả trên thực tế cho cộng đồng quốc tế, qua đó, uy tín của Việt Nam lên cao, sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế càng tăng lên, tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực quan trọng, đặc biệt là đầu tư phát triển cho Việt Nam.
"Chúng ta rất phấn khởi được biết lãnh đạo cấp cao nhiều nước trong và ngoài HĐBA đánh giá cao lập trường nguyên tắc, ứng xử có trách nhiệm có tình, có lý của ta tại HĐBA. Điều này góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ song phương với các nước trong và ngoài hội đồng, nhất là các nước lớn, đối tác quan trọng, các nước bạn bè, các tổ chức quốc tế và khu vực, đem lại nhiều nguồn lực hỗ trợ quý báu cho đất nước thời gian qua, trong đó có hỗ trợ quốc tế ứng phó với đại dịch Covid-19. Chúng tôi rất thấm thía khi cảm nhận tình cảm của bạn bè quốc tế khi gặp gỡ" - Thủ tướng cho biết.
Trong giai đoạn phát triển mới, Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng công tác đối ngoại sẽ tiếp tục đóng vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; góp phần thực hiện mục tiêu vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, tất cả vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân, tất cả vì sự phát triển hùng cường, thịnh vượng của đất nước trong bối cảnh mới.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chỉ ra, Việt Nam bắt đầu nhiệm kỳ HĐBA LHQ cách đây tròn 2 năm trong bối cảnh thế giới và khu vực có những thuận lợi đan xen với thách thức, khó khăn, có những diễn biến vượt ngoài dự báo thông thường.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, năm 1941, để tuyên truyền rộng rãi về chủ trương, chính sách của Mặt trận Việt Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng tác Diễn ca "Mười chính sách của Việt Minh", trong đó có 2 câu thơ "Khuyên ai nên nhớ chữ đồng/Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh". Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, hơn 80 năm trôi qua, ý nghĩa sâu sắc trong câu thơ giản dị của Bác vẫn còn nguyên giá trị, nhất là với các chiến sỹ trên mặt trận ngoại giao.
"Nhiệm kỳ HĐBA LHQ 2020-2021 thành công cũng bởi chữ "đồng". Đó là, "đồng chí hướng", "đồng tình, đồng sức, đồng lòng" vì lợi ích quốc gia- dân tộc, vì hòa bình, hợp tác, phát triển và tiến bộ trên thế giới" - người đứng đầu ngành ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.