Lao động tự do ở TP.HCM dịp cận Tết Nguyên đán 2022: “Không có định nghĩa Tết” Lao động tự do ở TP.HCM dịp cận Tết Nguyên đán 2022: “Không có định nghĩa Tết” , Người xứ Nghệ Kiev
Chinh Hoàng Chủ nhật, ngày 16/01/2022
Trải qua nhiều biến cố do đại dịch Covid-19 ở TP.HCM gây ra, nhiều lao động tự do sống tại thành phố chia sẻ rằng: “Năm nay không có định nghĩa Tết, tôi đã nhiều năm mưu sinh tại Sài Gòn bằng nghề buôn bán hàng rong. Tính hết năm 2021 này đã là năm thứ 7 tôi chưa về quê, dự định năm nay sẽ về nhưng…”
Xóm trọ nằm sâu trong con hẻm 201 thuộc đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Nơi đây, có hơn 60 căn phòng cho thuê với khoảng 200 người mưu sinh bằng nghề lao động tự do, buôn bán hàng rong, chở hàng hóa, nhân viên cho các siêu thị tiện ích…
Đa phần cuộc sống của người lao động nơi đây đều bấp bênh, thu nhập không ổn định. Vừa qua, dịch Covid-19 hoành hành thời gian dài ở TP.HCM khiến cuộc sống của những lao động này ngày càng khó khăn chồng chất.
Làm để sống qua ngày, không mong Tết
"Tôi đã có khoảng thời gian mưu sinh ở TP.HCM hơn 30 năm về trước. Cuộc sống lao động tự do của tôi bấp bênh, thu nhập không ổn định. Đứa con trai duy nhất sinh năm 1994 đang học Đại học Y dược TP.HCM phải nghĩ giữa chừng đi làm để kiếm tiền. Thú thật, tôi không chăm lo nổi cho con đi học…", bà Đỗ Thị Mỹ Duyên (sinh năm 1960, lao động tự do bằng nghề buôn bán hàng rong) chia sẻ với phóng viên.
Bà Duyên cho rằng mình đã lớn tuổi và với hiện tại công việc bán bún bò của mình chỉ làm để sống qua ngày. Với bà Duyên ngày Tết hầu như vô nghĩa khi đã rất nhiều năm bà không đủ điều kiện để về quê, mặc dù khoảng cách giữa Tiền Giang và Sài Gòn khá ngắn. Bà thổ lộ: "Từ đầu năm 2021 tôi dự định sẽ đưa con trai về thăm quê ở dịp Tết Nguyên đán này vì đã 7 năm trời chưa về nhưng thật khó nếu tôi và con trai cứ mãi tạm bợ sống qua ngày như thế này...".
Gần 15 năm sống ở quận 1, từ năm 2016 bà Duyên chuyển về sống ở khu trọ này cho đến nay. Chồng bà mất sớm, tài sản duy nhất của bà duy nhất một đứa con trai, di ảnh của chồng mình cùng với vài thứ đồ đạc lỉnh kỉnh trong căn nhà trọ chật hẹp, oi bức.
Bà Duyên kể: Sau khi nhận được thông tin buôn bán hàng rong được hoạt động trở lại khoảng hơn 2 tháng về trước, bà đã rất vui mừng khi biết mình không còn phải sống trong cảnh thiếu trước hụt sau, ngồi một chỗ và không kiếm được tiền. Mỗi sáng bà Duyên dậy từ 3h sáng để chuẩn bị tươm tất cho nồi bún bò phục vụ cho khách ăn sáng trên vỉa hè lòng đường cạnh khu trọ bà đang sống.
Tuy nhiên, từ lúc trở lại buôn bán cho đến bây giờ lượng khách rất ít so với trước đây. Trung bình, mỗi ngày bà Duyên bán được từ 2 đến 5 kg bún, nếu bán chạy mỗi ngày sẽ có tổng thu trên 300 nghìn đồng, lời được hơn 100 nghìn đồng.
"Đẩy xe bán bún trên vỉa hè chắc chắn sẽ bị trật tự đô thị đuổi, phải chạy qua đường hoặc vòng vào nhà trọ của mình. Đuổi xong rồi, tôi lại đẩy ra bán lại chứ không bán thì không có tiền mua gạo. Cũng sợ lắm nhưng đành chịu thôi!", bà Duyên trải lòng.
Ngoài bán bún bò phục vụ mỗi sáng cho khách hàng, để tăng thêm cho thu nhập, sau khi bán bún trở về, bà vừa đẩy xe vừa nhặt thêm ve chai để dành vài ba ngày mang đi bán.
Bà bày tỏ: "Hết giờ bán xong trên đường về lượm ve chai kiếm thêm, hoặc đi lượm rác, tính ra mỗi ngày sẽ kiếm thêm được 20 nghìn đồng". Cũng theo bà Duyên, năm nay sẽ như bao ngày thường, không trái cây, không thịt, bánh tét, cúng viếng. Ngày cuối năm dự định của bà chỉ là một nồi chè đậu đỏ đặt lên bàn thờ người chồng quá cố của mình…
Không hợp đồng lao động, không thưởng Tết và không… có Tết
Xuyên suốt các trò chuyện với những người lao động tự do tại khu trọ này, hầu hết họ đều đang sống với tiêu chí "2 không": Không hợp đồng lao động và không thưởng Tết. Điều đó tương đương với việc: "Không có định nghĩa…Tết" từ bao năm nay.
"Năm nay, chúng tôi chỉ dám chắt bóp sống qua ngày, trong suy nghĩ chưa bao giờ có ý định về quê ăn Tết. Mọi năm, trước khi dịch Covid-19 xảy ra, thì luân phiên chồng hoặc là tôi về, còn cả nhà về là điều không thể", bà Lê Quỳnh Như (quê Nha Trang) lao động tự do bày tỏ.
Bà Như có thâm niên với nghề nấu ăn, lau dọn nhà cửa, ai thuê gì làm đó hơn 10 năm. Vừa qua, trong đợt đại dịch Covid-19 thứ 4 vừa rồi ở TP.HCM không may mắn cả gia đình bà đều là bệnh nhân F0. Vượt qua mọi khó khăn, cả gia đình bà Như đều lành bệnh nhưng mọi số dư dành dụm trước đó đã dùng sạch để chữa bệnh.
Trở lại công việc thường ngày khi thành phố có lệnh "mở cửa" vào đầu tháng 10/2021, tiền công thu nhập của bà Như được tính theo giờ (mỗi giờ 50 nghìn đồng, trung bình ngày làm 4 tiếng). Hết giờ làm việc, trở về nhà trọ, bà Như còn được chủ nhà trọ tạo điều kiện làm thêm công việc giữ xe, quét dọn ở khu nhà trọ, mỗi tháng bà kiếm thêm được 2 triệu đồng.
Bà Như kể, khoản thu nhập từ công việc của mình chỉ đủ để lo ăn uống, chi tiêu tạm bợ sinh hoạt trong gia đình. Chi phí nuôi 2 con nhỏ ăn học phụ thuộc vào đồng lương công việc làm bảo vệ giữ xe của chồng mình.
Được hỏi công việc nấu ăn, dọn dẹp ở các tòa nhà chung cư bà đã theo lâu năm, vậy có được hợp đồng lao động không, bà Như cười hồn hậu nói: "Làm lâu năm, người ta tin tưởng và gọi qua số điện thoại để đi làm, làm xong tính tiền trong ngày. Không hợp đồng lao động gì cả, người ta thương thì cho thêm mình nhận vậy đó…".
Những người lao động tự do ở khu trọ này đều tích hợp làm nhiều công việc cùng lúc để kiếm thêm thu nhập. Bởi ngoài cuộc sống của riêng mình, trên đôi vai họ còn thêm trọng trách gia đình, chăm lo cho cha mẹ đã già yếu, bệnh tật.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Yến (quê ở Tiền Giang) hơn 15 năm sinh sống tại TP.HCM với nghề giao hàng (từ giao hàng thô sơ cho đến sử dụng bằng app công nghệ). Thời gian dịch Covid-19 hoành hành tại thành phố, bà Yến chuyển qua làm nhân viên bán hàng cho siêu thị tiện ích ở quận Bình Thạnh với mức lương 5,2 triệu đồng/tháng.
"Công việc trong thời gian dịch bệnh của tôi là như vậy, tính đến nay tôi làm đã được 7 tháng. Và hiển nhiên, tôi chỉ xác định công việc này chỉ chữa cháy tạm thời để kiếm kế mưu sinh trong lúc dịch bệnh căng thẳng. Hiện, nghề chính của tôi vẫn là chạy xe giao hàng", chị Yến tâm sự.
Chị Yến sống chung với cha mẹ già, trong đó mẹ bị tai biến đã nhiều năm, chỉ ngồi một chỗ. Hiện, trong thời gian này chị vừa là nhân viên bán hàng của siêu thị, hết giờ làm việc làm thêm shipper giao hàng khắp mọi nẻo đường ở Sài Gòn.
Không hợp đồng, không thưởng Tết, với số tiền kiếm được chật vật từ nghề giao hàng, đồng lương từ siêu thị tiện ích chị Yến mong mỏi: "Chỉ mong có sức khỏe đi làm để chăm lo cho ba mẹ già, không dám nghĩ đến bộ quần áo mới, chứ nói gì đến Tết".