Vụ "thổi giá" kit test là tội ác, cán bộ "chống lưng" sai phạm nên từ chức! Vụ "thổi giá" kit test là tội ác, cán bộ "chống lưng" sai phạm nên từ chức! , Người xứ Nghệ Kiev
Dân trí
Theo đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, những cán bộ "chống lưng" cho sai phạm trong vụ kit test Covid-19 tại Công ty Việt Á nên từ chức, còn sau này kết luận điều tra đến đâu thì xử lý đến đó.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim cho rằng, những người "tham dự" trong vụ Công ty Việt Á đã "đồng lõa với con virus", thể hiện chủ nghĩa cá nhân vô độ, coi thường đạo đức, coi thường sinh mạng người dân.
Ông đánh giá như thế nào về mức độ nghiêm trọng của vụ việc Công ty Việt Á "thổi giá" kit test Covid-19?
- Ở đây, không chỉ dừng lại ở việc "thổi giá" để thu lợi khủng mà vấn đề cực lớn là chất lượng kit test Covid-19 Việt Á vì Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không công nhận.
Trong lúc dịch hoành hành, chất lượng kit test Covid-19 ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh mạng của người dân. Nếu đi vào chiều sâu, thì hành động này là tội ác chứ không chỉ đơn thuần về mặt tiền bạc.
Những người "tham dự" trong vụ Công ty Việt Á đã "đồng lõa với con virus", thể hiện chủ nghĩa cá nhân vô độ, coi thường đạo đức, coi thường sinh mạng người dân.
Việc Hội đồng khoa học công nghệ cấp Quốc gia đồng ý, kiến nghị và Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành đối với bộ sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 của Công ty Việt Á khi chưa được WHO công nhận có khiến ông băn khoăn gì không?
- Tôi là người khách quan, không chủ quan áp đặt cho ai bao giờ cũng thấy băn khoăn ở chỗ này.
Nếu giá kit test Covid-19 của người ngoài rẻ hơn trong nước sản xuất thì tại sao lại phải cấp phép lưu hành với sản phẩm chưa được WHO công nhận? Bởi như tôi đã nói chất lượng kit test Covid-19 ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh mạng của người dân.
Theo ông, một mình Công ty Việt Á liệu có thể "thổi giá" và đưa kit test Covid-19 vào sử dụng ở 62 tỉnh, thành hay không?
- Một mình Công ty Việt Á không thể làm được, đương nhiên là phải có thế lực chống lưng rồi.
Tôi nghĩ đằng sau vụ này, có một thế lực ngầm đang ủng hộ, chia chác, không phải "sân sau, sân trước" mà tham gia trực tiếp - tức là cùng sân để làm ăn, tham nhũng.
Khi sự việc xảy ra, Bộ Y tế khẳng định đã "thực hiện đúng quy định trong cấp phép lưu hành sinh phẩm xét nghiệm của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á". Ông thấy cách giải thích đó thế nào với một vụ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của hàng triệu người dân?
- Là cơ quan quản lý trực tiếp mà để xảy ra vấn đề lớn như vậy thì sinh ra cơ quan thanh tra ở Bộ Y tế làm gì? Cơ quan thực hiện chuyên môn của Bộ Y tế làm gì khi test kit Covid-19 Việt Á tràn khắp 62 tỉnh, thành mà không phát hiện ra, đến khi công an vào cuộc mới rõ sự việc. Như vậy, có xứng đáng là một bộ quản lý nhà nước nữa hay không?
Quan điểm của tôi, trước mắt phải thay thế ngay những người có liên quan để xảy ra vụ việc này. Còn sau này, kết qua điều tra đến đâu thì tiếp tục xử lý.
Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Khi xảy ra vụ việc lớn như vậy, theo ông, những người có trách nhiệm trong quản lý nhà nước có nên xin từ chức?
- Lãnh đạo cơ quan chuyên môn mà để xảy ra vụ việc như vậy thì còn chờ gì nữa mà không từ chức?! Nhiều nước trên thế giới, chỉ cần gây gãy cầu là Bộ trưởng đã đứng ra nhận trách nhiệm vì chỉ đạo, quản lý kỹ thuật không tốt.
Ngoài ra, theo tôi, cơ quan chức năng cần làm rõ ngay bản chất vấn đề, tức là nhanh chóng có kết luận. Làm như vậy thì mới cảnh tỉnh, răn đe được những người khác.