Kỳ 1: Vạch bí ẩn những con tàu không số chở dầu dọc tuyến "lục đầu giang" Kỳ 1: Vạch bí ẩn những con tàu không số chở dầu dọc tuyến "lục đầu giang" , Người xứ Nghệ Kiev
Dân trí
Những con tàu không số bí ẩn đang hoạt động, kinh doanh ngày đêm trên khắp dọc các tuyến sông Đuống
Tàu không số ngang nhiên bán dầu
Nhiều ngày tác nghiệp dọc tuyến sông Đuống đoạn từ cầu Hồ (Bắc Ninh) về tới Phả Lại (Hải Dương), nhóm phóng viên Dân trí đã ghi nhận được hàng loạt hình ảnh kì lạ. Theo đó, những con tàu không số liên tục cặp sát các tàu vận tải đang qua lại như mắc cửi trên sông.
Ngay cả người dân địa phương cũng không biết hành tung của những chiếc tàu không số này. Để làm rõ, phóng viên đã phải tìm gặp anh N.Q. (Phả Lại, Hải Dương), một người chuyên đi tàu vận tải thì được biết, các tàu không số đang cặp sát để bán dầu cho tàu vận tải.
"Các tàu vận tải cứ chạy trên sông hoặc bốc dỡ hàng hóa, nếu thiếu nhiên liệu chỉ cần gọi điện thoại, ngay lập tức sẽ có tàu dầu không số đến phục vụ", anh Q. nói.
Cũng theo anh Q., không chỉ các con tàu không số, trên tuyến sông này, hoạt động mua bán dầu của các tàu dầu cố định, phao dầu nổi có biển hiệu và không biển hiệu cũng vô cùng nhộn nhịp.
Theo quan sát sau nhiều ngày mật phục của nhóm phóng viên, mỗi ngày có hàng trăm tới hàng nghìn lượt phương tiện chạy qua đoạn sông Đuống từ Bắc Ninh về Hải Dương. Do đó, nhu cầu nạp nhiên liệu của tàu thuyền qua đây cũng rất lớn.
Số lượng tàu không số, tàu có biển hiệu kinh doanh dầu trên sông lên tới con số cả chục chiếc tàu. Nhiều tàu dầu neo đậu trực tiếp tại chỗ, nhưng cũng có rất nhiều tàu thay đổi vị trí hoạt động liên tục.
Điểm mặt những cây dầu tĩnh trên sông
Điều đáng nói, theo một số nguồn tin, nhiều tàu bán dầu cố định kể trên dù có biển hiệu đầy đủ nhưng không được cơ quan chức năng cấp phép kinh doanh xăng dầu trên sông.
Từng kinh doanh dầu trên sông, anh Q. thừa nhận, trung bình mỗi tàu dầu trên sông tiêu thụ khoảng 100.000 nghìn lít dầu/tháng, tương đương 100 khối.
Sông Đuống đoạn qua thị xã Chí Linh (Hải Dương) được mệnh danh là "lục đầu giang" (điểm giao nhau của 6 con sông). Do yếu tố địa lý, khu vực này tập trung rất nhiều tàu dầu không số và các tàu dầu neo đậu cố định.
Song, anh Q. khẳng định, các tàu không số bán dầu lưu động trên sông có mức tiêu thụ cao hơn điểm cố định bởi sự cơ động. Với các tàu bán dầu loại nhỏ, mức chứa nhiên liệu khoảng 8 khối thì lượng tiêu thụ trung bình một tháng khoảng 70-80 khối dầu. Nhưng các tàu không số lớn có mức chứa nhiên liệu 25-40 khối dầu lại có mức tiêu thụ lên tới 150-200 khối/tháng.
Trong vai một chủ tàu, nhóm phóng viên gọi điện thoại tới nhiều đầu số của cơ sở bán dầu trên sông để khảo giá. Sau khi kiểm tra kỹ càng, nhiều cơ sở bán dầu trên tàu không số lẫn cây dầu cố định trên sông thông báo mức giá rất... vô tội vạ. Hầu hết các cơ sở có nơi mức chiết khấu lên tới 1.000 đồng/lít dầu. Thậm chí, nếu là khách quen, đổ thường xuyên và số lượng lớn có thể được chiết khấu thêm 200 đồng/lít dầu. Điều này là rất bất thường bởi cùng vào thời điểm, hoạt động mua bán dầu trên mặt đất không có bất kỳ chính sách giảm giá, khuyến mại nào.
Với mức giá rẻ như vậy, không ít người đặt câu hỏi, các tàu không số trên nhập dầu ở đâu để có mức chiết khấu cao như vậy?
Qua theo dõi của nhóm phóng viên, tính riêng sông Đuống đoạn đi qua địa phận tỉnh Bắc Ninh đã có 4-5 con tàu không số chuyên cung cấp dầu cho tàu vận tải trên sông. Số lượng tàu không số trên đoạn sông Đuống qua Chí Linh (Hải Dương) thậm chí còn nhiều hơn, do đây là khu vực lục đầu giang.
Theo nguồn tin của phóng viên, những con tàu không số này đã hoạt động nhộn nhịp từ cách đây 5 năm, do lượng phương tiện thủy ngày càng nhiều, tàu to lưu thông tấp nập. Trong khi đó, những cây dầu cố định dọc sông đã hoạt động từ hơn chục năm nay.
Điều này đặt ra nhiều câu hỏi liên quan tới trách nhiệm của cơ quan quản lý.
***
Theo luật sư Vi Văn Diện, đoàn luật sư Hà Nội, Giám đốc Công ty luật Thiên Minh, kinh doanh xăng dầu là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nên khi xin giấy phép hoạt động công ty phải đáp ứng những điều kiện đối với cửa hàng được quy định tại Điều 24 Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu và phải được Sở Công Thương cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.
Ngoài ra, đối với cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên đường thủy, luật sư Diện cho rằng, còn phải lưu ý đến việc đáp ứng những yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu trên mặt nước được quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 10:2015/BCT.
Cũng theo luật sư Diện, nếu các thương nhân vi phạm thì theo điều 14, Nghị định số 99/2020/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí, cửa hàng xăng dầu trên mặt nước hoạt động kinh doanh nhưng không bảo đảm duy trì điều kiện phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu trên mặt nước có thể bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Mức phạt lên tới 20-30 triệu đồng đối với thương nhân bán lẻ xăng dầu tại cơ sở không có Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Đáng chú ý theo vị luật sư này, thương nhân bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.
Kỳ 2: Thâm nhập trực tiếp vào những cuộc giao dịch ngầm trên sông, phóng viên Dân trí đã mở toang những bí mật kinh doanh đem về lợi nhuận khủng của tàu không số chở dầu trên tuyến sông tấp nập này.