Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Chiến tranh qua lâu rồi, người cần hưởng chính sách không chờ mãi được!" Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Chiến tranh qua lâu rồi, người cần hưởng chính sách không chờ mãi được!" , Người xứ Nghệ Kiev
Dân trí
Làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhắc nhiều lần chuyện tồn đọng hồ sơ xin hưởng chính sách của thân nhân liệt sĩ, người có công tại địa phương này.
Trong chuyến công tác nhanh tại Bắc Giang chiều 22/11, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chỉ đạo xử lý dứt điểm nhiều vấn đề tồn đọng, người dân có ý kiến, cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm về các trường hợp người có mộ trong nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh từ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến nay vẫn chưa được công nhận liệt sĩ vì chưa hoàn tất được hồ sơ, chưa đủ trình tự.
Bộ trưởng cũng sốt ruột về chuyện một địa phương phía Bắc đến giờ vẫn tồn đọng hơn 100 trường hợp đề nghị giải quyết chính sách cho liệt sĩ mà "mắc" sau bao nhiêu năm qua.
Thân nhân người có công không đợi mãi được!
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: "Chiến tranh qua bao năm rồi, người còn, người mất, cứ đòi đủ hồ sơ thì làm gì còn. Thân nhân những người có công không chờ mãi được đâu!".
Bộ trưởng Dung yêu cầu các đơn vị địa phương của Bắc Giang như Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh khi giải quyết trường hợp người hưởng chính sách liệt sĩ, rà soát được trường hợp nào phải gửi ngay Cục người có công của Bộ. Cục có trách nhiệm xem xét và trình Bộ trưởng ký ngay!
"Phải làm việc theo tinh thần, trường hợp nào đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn là công nhận chứ không phải đủ hồ sơ mới được công nhận", Bộ trường Dung nhấn mạnh.
Về thực tiễn, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng Dung nêu dẫn chứng thực tế mà cử tri, đại biểu Quốc hội quan tâm, nêu tại nghị trường kỳ họp vừa qua là trường hợp người có mộ phần nằm trong nghĩa trang liệt sĩ có phải liệt sĩ hay không, có được công nhận liệt sĩ hay không?
Theo số liệu của Bắc Giang, địa phương hiện có 149 trường hợp hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ nhưng chưa được công nhận.
Ông Dung nhắc: "Hòa bình bao nhiêu năm rồi, thân nhân liệt sĩ không thể đợi mãi để được giải quyết chế độ. Thời gian qua, địa phương mới xem xét được 39 trường hợp, còn 110 trường hợp nữa".
"Cuộc kháng chiến của dân tộc đã đi qua bao năm rồi, giờ các cấp ngành, địa phương phải khẩn trương, xem xét giải quyết cho nhân dân. Với người đã có hồ sơ nhưng chỉ vì thiếu một thông tin như ngày nhập ngũ, đơn vị, cấp bậc... thì phải nhanh chóng xác minh, không thể để chỉ vì cái thiếu thông tin đó mà không giải quyết, để thân nhân người có công phải chờ", Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Dung, trong 5 năm qua, trên phạm vi cả nước, Bộ LĐ-TB&XH đã giải quyết hơn 6.000 trường hợp hồ sơ công nhân liệt sĩ, thương bệnh binh mà không có một đơn thư nào. Ông chỉ rõ, kim chỉ nam để giải quyết hiệu quả số hồ sơ trên là "khách quan, dân chủ, công khai".
Người giải quyết chính sách phải đặt mình vào trường hợp vướng mắc
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tiến Cơi - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bắc Giang đề xuất thực hiện chính sách cho người có công theo hình thức tôn vinh từ cấp cơ sở lên, có ý kiến của nhân dân, có sự đồng thuận cao để giải quyết bởi hiện nay nhiều hồ sơ vẫn còn thiếu, chưa đầy đủ.
Bộ trưởng Dung tán thành và nhắc lại nguyên tắc, giải quyết chính sách cho đối tượng người có công thì "những người đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn là được giải quyết, không đợi đủ hồ sơ, trình tự".
"Khi hồ sơ còn thiếu thì cán bộ phải công khai các cấp, để tại địa phương, nhân dân, lão thành cách mạng ghi nhận... Người có mộ trong nghĩa trang Liệt sĩ bao nhiêu năm chưa được công nhận liệt sĩ, mà trong hồ sơ lịch sử Đảng bộ ghi nhận người đó có tham gia kháng chiến, hồ sơ thân nhân có lưu đó là người có công, thì phải xem xét ngay", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung quán triệt.
Người đứng đầu ngành nhấn mạnh: "Chống Pháp đi qua bao nhiêu năm rồi, giờ được công nhận là liệt sĩ hay không phải kết luận cho người dân, không ai chờ được đâu... Người giải quyết chính sách hãy đặt mình trong trường hợp đó xem sao?".
Bộ trưởng LĐ-TB&XH yêu cầu, trong tháng 12, tỉnh Bắc Giang phải hoàn tất báo cáo về hơn 96 trường hợp đối tượng giải quyết chính sách liệt sĩ để Bộ giải quyết với tinh thần "phải làm ngay, không để kéo dài".
Lấy ví dụ ở tỉnh Long An, ông Dung nêu: "Tại địa phương, một người có công đã 75 năm nằm trong nghĩa trang liệt sĩ, bị địch chặt đầu. Hiện gia đình không còn ai nhưng khi cụ được truy tặng liệt sĩ, người dân cả xã đi viếng, hàng nghìn người đưa. Đó chính là sự thể hiện sinh động của niềm tin, lòng dân, ý Đảng".