Đại biểu Quốc hội nói gì về đề xuất thu phí ô tô vào Hà Nội? Đại biểu Quốc hội nói gì về đề xuất thu phí ô tô vào Hà Nội? , Người xứ Nghệ Kiev
Dân trí
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), đi kèm đề án thu phí phương tiện vào nội đô Hà Nội phải phát triển và hoàn thiện mạng lưới hệ thống phương tiện giao thông công cộng.
Sáng 30/10, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về đề án thu phí ô tô vào nội đô đang được ngành giao thông Hà Nội hoành thiện, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nêu quan điểm, về mặt lâu dài, chủ trương thu phí ô tô vào nội thành phải thực hiện.
- Sở Giao thông vận tải Hà Nội (GTVT) đề xuất lập 87 trạm thu phí ô tô vào nội thành đang nhận nhiều ý kiến khác nhau. Là đại biểu đoàn Hà Nội, ông có quan điểm như thế nào về đề xuất này?
- Với các đô thị lớn, hạ tầng không đáp ứng yêu cầu, giao thông bị quá tải thì đề xuất thu phí ô tô vào nội thành là hợp lý.
Tuy nhiên, điều quan trọng là triển khai nó trong bối cảnh nào? Ví dụ, khi thu phí như thế, chúng ta phải phát triển thêm hệ thống giao thông công cộng để cho người dân lựa chọn phương án tốt hơn.
Hơn nữa, trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề, doanh nghiệp, người dân đang chịu chi phí rất lớn, nên phải cân nhắc trong ngắn hạn. Nhưng về mặt lâu dài, chủ trương thu phí ô tô vào nội thành phải thực hiện.
Tuy nhiên, xin được nhấn mạnh, song trùng với việc thu phí phương tiện cá nhân phải phát triển hệ thống phương tiện công cộng.
- Mức thu phí được đề xuất tối đa là 60.000 đồng mỗi lượt, liệu có quá cao không thưa ông?
- Mức giá rất khó bình luận. Để hình thành mức giá như vậy, cơ quan chức năng phải nghiên cứu rất kỹ, trên cơ sở đánh giá, so sánh mức chi phí, lợi ích giữa việc sử dụng phương tiện cá nhân với sử dụng phương tiện công cộng.
Rõ ràng khi chúng ta có hệ thống phương tiện công cộng để lựa chọn mà cứ dùng phương tiện cá nhân để đi thì phải trả tiền. Số tiền đó phải được dùng để đầu tư, nâng cấp hạ tầng công cộng.
- Có nhiều lo ngại khi TP Hà Nội thu phí ô tô vào nội đô sẽ dẫn đến ùn tắc cục bộ tại các trạm thu phí?
- Chúng ta phải làm đồng loạt nhiều thứ, đồng bộ nhiều thứ chứ không phải đơn thuần chặn đường thu phí ngay. Đi kèm thu phí phương tiện cá nhân chúng ta phải phát triển các hệ thống công cộng như tôi vừa đề cập.
Nếu người lao động không có thu nhập cao, đương nhiên người ta không có ô tô. Cũng không phải vì 60.000 đồng đấy mà họ dịch chuyển vào nội đô. Bởi những khu vực này đã đáp ứng phương tiện công công cho người dân dân, nên không bị ảnh hưởng bởi phương án thu phí. Còn nếu bây giờ cứ chặn đường, bất kể người nào cũng thu phí, kể cả xe máy, xe đạp đi qua cũng thu phí thì khi ấy sẽ cản trở toàn bộ các đối tượng tham gia giao thông, như vậy sẽ là chưa phù hợp.
- Theo lộ trình đến năm 2025 Hà Nội bắt đầu thu phí vào nội đô. Liệu kế hoạch này có phù hợp không khi mà phương tiện công cộng chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân, thưa ông?
- Tôi nghĩ, lộ trình đó phù hợp hay không phụ thuộc vào vấn đề phát triển hệ thống hạ tầng công cộng của Hà Nội.
Nếu Hà Nội muốn giải quyết vấn đề thu phí để hạn chế phương tiện cá nhân thì phải đi kèm theo đó là hệ thống công cộng phải phát triển. Nếu phát triển hệ thống công cộng đầy đủ để người ta có lựa chọn, tôi nghĩ rằng hoàn toàn chúng ta có thể xác định thời điểm đó là thời điểm để chúng ta áp dụng thu phí.
- Xin cảm ơn ông!
Sở GTVT Hà Nội và đơn vị tư vấn là trường Đại học GTVT vừa hoàn tất Đề án thu phí phương tiện vào nội đô. Trong đề án, đơn vị tư vấn xác định ranh giới thu phí từ vành đai 3. Đề án nêu dự kiến 68 vị trí với 87 trạm thu phí đặt bên trong ranh giới vành đai 3, nằm trên các trục đường hướng tâm vào trung tâm thành phố.
Lộ trình triển khai chia theo các giai đoạn, trong đó hoàn thiện đề án, ban hành mức phí vào năm 2021-2025; từ năm 2025-2030 tổ chức thí điểm tại một số vị trí, sau đó có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm.