Lỗ lớn, nợ cao: Khả năng hoạt động của Vietnam Airlines bị nghi ngờ Lỗ lớn, nợ cao: Khả năng hoạt động của Vietnam Airlines bị nghi ngờ , Người xứ Nghệ Kiev
Dân trí
Khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc và sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay.
Sau thời gian trì hoãn do dịch Covid-19, đến nay Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - mã chứng khoán: HVN) cũng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niên đã được soát xét.
Nêu ý kiến về báo cáo này, đơn vị kiểm toán là Deloitte nhấn mạnh, tại ngày 30/6, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 34.664 tỷ đồng, khoản phải trả quá hạn là 14.805 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 2.787 tỷ đồng.
Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, lỗ hợp nhất sau thuế của Vietnam Airlines đã tăng từ 5.263 tỷ đồng của cùng kỳ lên mức 8.622 tỷ đồng, tương ứng tăng lỗ 64%. Lỗ sau thuế của công ty mẹ tăng hơn gấp đôi lên 7.655 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm với số tiền 724 tỷ đồng.
Trong văn bản giải trình, Vietnam Airlines cho biết, nguyên nhân khiến tình trạng thua lỗ gia tăng là ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp của đại dịch Covid-19 đến ngành hàng không toàn cầu, trong đó có tổng công ty này.
Tổng doanh thu và thu nhập khác 6 tháng đầu năm của công ty mẹ giảm 52,5% so với cùng kỳ năm trước (giảm hơn 10.657 tỷ đồng), trong đó chủ yếu giảm doanh thu cung cấp dịch vụ gần 59% (doanh thu nội địa giảm 20,9%; doanh thu quốc tế giảm 93,7% tương đương giảm 9.126 tỷ đồng).
Doanh thu hoạt động tài chính và thu nhập khác của công ty mẹ cũng giảm mạnh, lần lượt giảm 68,5% và 95,5% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù tổng chi phí 6 tháng của công ty mẹ giảm 27,9% so cùng kỳ tương đương giảm 6.704 tỷ đồng nhưng tổng doanh thu và thu nhập khác đều giảm nhiều hơn tổng chi phí dẫn đến lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ giảm trên 3.955 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Ngoài nguyên nhân liên quan đến giảm lợi nhuận công ty mẹ, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 6 tháng của Vietnam Airlines giảm mạnh so với cùng kỳ còn do lợi nhuận sau thuế của các công ty con có liên quan đến cung cấp dịch vụ hàng không cũng giảm mạnh như Vaeco, Nasco...
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 120, Nghị định 155/2020, cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc nếu "kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục; tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp; vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét".
Chiểu theo quy định này, HVN sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc. Tuy nhiên, tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp ngày 26/9, Vietnam Airlines đã kiến nghị lên Thủ tướng xem xét doanh nghiệp này là trường hợp đặc biệt được duy trì niêm yết cổ phiếu trên Sàn giao dịch Chứng khoán TPHCM (HSX) trong giai đoạn ngắn có thể âm vốn chủ sở hữu.
Đồng thời, Vietnam Airlines còn kiến nghị Chính phủ cho chủ trương xây dựng gói giải pháp hỗ trợ tiếp theo cho doanh nghiệp cùng với đề án tái cơ cấu tổng thể Vietnam Airlines.
Đáng chú ý là nêu ý kiến nhấn mạnh với báo cáo tài chính bán niên của Vietnam Airlines, phía kiểm toán đã bày tỏ lo ngại đến tình hình dịch bệnh Covid-19 đang tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines.
"Khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty sẽ phụ thuộc và sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê cũng như diễn biến của dịch Covid-19", phía Deloitte cho biết.
Theo đơn vị kiểm toán, những điều kiện này cùng các vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines.