Nhiều tháng nay, bà T.T.H. (60 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) đứng ngồi không yên, mong TP sớm kiểm soát tình hình dịch để được... buôn bán. Từ lúc chọn nấu bún bò làm nghề mưu sinh, ngót nghét đã 20 năm chưa bao giờ quán phải nghỉ lâu đến thế.
Bà H. bảo thực sự nhớ nghề, nhớ khách, nhớ cả không khí xôm tụ vào mỗi buổi sớm mai. "Tôi có bệnh nền nên thuộc diện ưu tiên tiêm vắc xin sớm, may mắn nay đã tiêm đủ cả 2 mũi. Có vắc xin yên tâm một phần, giờ chỉ mong sớm được mở cửa buôn bán lại thôi" - bà H. chia sẻ.
Mong được... ra đường
Còn chị M.T.H. (nhân viên làm việc trong Khu công nghệ cao TP.HCM) chia sẻ đã hơn 2 tháng nay chị phải làm việc tại nhà, mọi thói quen gặp gỡ trao đổi công việc trực tiếp tạm thay bằng "online". "Tất nhiên khá bất tiện, nhưng vì an toàn cho bản thân, gia đình và công ty buộc phải chấp nhận thôi" - chị nói.
Cho đến nay chị M.T.H. đã hoàn tất việc tiêm vắc xin, trong đó tiêm mũi 2 được hơn 1 tuần nay. Riêng ba mẹ, em gái cũng đã được tiêm vắc xin mũi 1.
Dù có "vũ khí" vắc xin nhưng chị vẫn phải làm việc tại nhà chưa biết đến lúc nào. "Nếu sớm có cơ chế cho người tiêm đủ 2 mũi vắc xin được ra ngoài làm việc, tôi nghĩ tâm lý sẽ thoải mái hơn, công việc vì thế cũng sẽ giải quyết tốt hơn" - chị H. nói.
Dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nhưng anh T.P.G. (38 tuổi, giảng viên một trường ĐH ở quận Bình Thạnh) cũng chỉ được quẩn quanh trong chung cư, đi lấy mẫu xét nghiệm mỗi khi có yêu cầu và dạy học online.
Trong bối cảnh TP siết chặt giãn cách "ai ở đâu ở yên đó", việc đi lại càng bị "siết" nên giờ đây anh và gia đình chỉ ở yên trong phòng, các nhu yếu phẩm cần thiết đặt sẽ có ban quản lý chung cư giao. Việc phải dạy học online, theo anh G., giáo viên không phải đi lại nhưng việc lĩnh hội bài giảng của sinh viên sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.
Bác sĩ Nguyễn Thành Dũng - phó giám đốc bệnh viện bệnh nhiệt đới TP.HCM - cho rằng với những người tiêm đủ 2 mũi vắc xin, đủ thời gian tạo kháng thể đã cơ bản đạt được miễn dịch, chưa kể mức độ bảo vệ của nhóm này còn vững chắc hơn những người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh.
Bởi theo bác sĩ Dũng, kháng thể sẽ được sản sinh và duy trì nên người tiêm 2 mũi vắc xin tương đối an toàn, ít còn là gánh nặng của y tế.
"Theo tôi, nên có cơ chế cho những người tiêm đủ 2 mũi tham gia một số công việc đặc thù, tránh việc bỏ phí sức lao động, bởi đây cũng là nguồn lực để phát triển duy trì kinh tế. Dĩ nhiên khi cho phép cần phải có hướng dẫn, các cơ chế giám sát, buộc những người này phải tuân thủ các khuyến cáo 5K" - bác sĩ Dũng nói.
Đồng quan điểm nêu trên, ThS.BS Đỗ Cao Vân Anh - phó trưởng bộ môn nhiễm (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) - phân tích người tiêm đủ 2 mũi vắc xin có thể hiểu đã có một lớp "áo giáp" bảo vệ nhất định. Bởi vậy việc bố trí cho họ được ra đường đi làm trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài là vấn đề cần được cân nhắc, tính toán.
Tuy nhiên theo bác sĩ Anh, với nhóm người này cần phải có cơ chế ràng buộc, giám sát từ các cơ quan y tế, nơi ở và nơi làm việc, đồng thời phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm ngặt khuyến cáo 5K. "Hiện có nhiều người mang tâm lý chủ quan.
Có người cho rằng đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin không cần phải lo sợ gì cả, họ thường chủ quan bỏ khẩu trang khi đến nơi làm việc. Điều này rất nguy hiểm, bởi chính họ có thể sẽ là trung gian mang mầm bệnh lây nhiễm cho đồng nghiệp và gia đình của mình" - bác sĩ Vân Anh khuyến cáo.
Chị Lê Trà My (28 tuổi) nhận giấy xác nhận đã tiêm vắc xin mũi 2 AstraZeneca tại viện Y dược học dân tộc, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cần "hòa nhập" từng phần
Cùng góc nhìn, bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia truyền nhiễm (bệnh viện Nhi đồng 1) - cho rằng với vai trò đầu tàu của kinh tế cả nước, TP.HCM cần sớm áp dụng cơ chế "được ra ngoài làm việc" cho người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
Song song đó cần tiếp tục đẩy mạnh việc tiêm vắc xin, tránh để người chưa tiêm hoặc đã tiêm mũi 1 hiểu nhầm "bị bỏ lại phía sau". Chiến lược này, theo ông Khanh, hoàn toàn hợp lý và cần được áp dụng sớm, bởi một số nước trên thế giới cũng đã áp dụng chính sách này.
Về cách thức, theo bác sĩ Khanh, khi tỉ lệ tiêm chủng, số người được điều trị và số người tự khỏi đã đạt được tỉ lệ nhất định, TP.HCM nên tính toán thực hiện "hòa nhập" từng phần, song song nới lỏng dần phong tỏa ở một số khu vực. Việc này cũng giống như việc TP đang áp dụng cấp giấy ai được di chuyển, ngành nghề nào được hoạt động và khai báo y tế tiêm chủng...
Để "hòa nhập" từng khu vực, từng ngành nghề, từng đối tượng, bác sĩ Khanh cho rằng cần dựa vào các yếu tố như tỉ lệ tiêm chủng từng khu vực, từng ngành nghề và tỉ lệ lây nhiễm ở những nơi đó. Cần có hướng dẫn cụ thể cho từng đối tượng (đã tiêm 2 mũi, 1 mũi, chưa tiêm, khỏi bệnh...) về nguy cơ cho bản thân, gia đình, cơ quan, đồng nghiệp.
Riêng với người tiêm đủ 2 mũi vắc xin, cần có quy định được đi đến đâu, tham gia các công việc gì, "hòa nhập" cộng đồng ở mức độ nào; đồng thời cần đẩy mạnh tiêm chủng càng nhanh càng tốt để tất cả đối tượng đều đạt 2 mũi vắc xin.
"Bản thân người tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc đã khỏi bệnh đều có kháng thể bảo vệ nhất định, do vậy bước đầu cần tạo điều kiện cho người lao động ở một số ngành nghề, cửa hàng, loại hình dịch vụ có cơ hội hoạt động trở lại. Việc làm này mang tính chất luân phiên giữa người đã tiêm và chưa tiêm; giữa các ngành nghề với nhau cho đến khi đủ độ bao phủ trên toàn TP" - ông Khanh phân tích.
Ở một khía cạnh khác, bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh gợi ý chính sách cho người tiêm đủ 2 mũi vắc xin bước đầu có thể áp dụng cho nhóm tiểu thương được bán hàng ở các khu chợ nhỏ. Từ đó vừa đáp ứng nhu cầu ăn uống cho cộng đồng, vừa giúp họ có điều kiện trang trải cuộc sống. Sau đó nới dần mở rộng theo từng loại ngành nghề.
"Mỗi địa phương, mỗi cơ quan, doanh nghiệp khi đăng ký nhân viên đủ điều kiện đi làm cần có cam kết, cần lập danh sách quản lý nhóm người này chặt chẽ. Với các cơ quan chuyên môn việc giám sát có thể thông qua sổ sức khỏe điện tử, điều này sẽ giúp dễ dàng xác định ai tiêm đủ 2 mũi vắc xin để đủ điều kiện làm việc" - bác sĩ Vân Anh nói.
Nhân viên y tế bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) đo huyết áp những người được tiêm vắc xin AstraZeneca mũi thứ 2 trước khi họ ra về - Ảnh: T.T.D.
Tuyệt đối không được chủ quan
Trao đổi thêm với Báo xung quanh vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định đối với virus SARS-CoV-2 chủng Delta, việc tiêm vắc xin 2 mũi ít có ý nghĩa trong việc bảo vệ không bị nhiễm COVID-19.
Tức những người này vẫn hoàn toàn có thể bị nhiễm và khi nhiễm chỉ giúp bản thân người đó mức độ nhẹ hơn, thời gian điều trị ngắn hơn và nguy cơ chuyển nặng, tử vong ít hơn nhưng không có nghĩa bảo vệ được cộng đồng.
"Người tiêm đủ 2 mũi vắc xin khi tiếp xúc với F0 họ vẫn có thể bị lây nhiễm và khi về nhà vẫn lây được cho những người khác. Do đó việc người đã tiêm 2 mũi cần có hình thức sinh hoạt riêng theo tôi là điều chưa cần thiết lúc này" - ông Sơn chia sẻ.
Còn theo TS Lê Quốc Hùng - trưởng khoa bệnh nhiệt đới (bệnh viện Chợ Rẫy), lại đề xuất "chính sách cho người tiêm đủ 2 mũi vắc xin" cần phải xem xét trong một bối cảnh chung. Theo ông, người được tiêm vắc xin dĩ nhiên sẽ giảm khả năng lây lan.
Tuy nhiên nếu số người tiêm 2 mũi vắc xin sống trong một cộng đồng có quá ít người được tiêm vắc xin thì việc bảo vệ cộng đồng chung chưa thể được hình thành. tiêm vắc xin có hiệu quả khi đủ thời gian, số lượng và chất lượng trên một mật độ lớn (đại trà) người dân.
Bởi theo BS Hùng, thực tế ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, số người được tiêm 2 mũi vắc xin đang còn khá thấp, do đó nguy cơ bùng phát dịch khá cao.
Cho rằng vẫn có thể tính toán việc tạo cơ hội cho người tiêm đủ 2 mũi vắc xin được ra ngoài đi làm, nhưng bác sĩ Hùng lưu ý "tuyệt đối không được chủ quan"; cần phải có một lộ trình bảo vệ họ và những người xung quanh, đồng thời cần có chương trình giáo dục, tránh tâm lý chủ quan khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
"Trên thế giới, lực lượng y tế là nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm đủ vắc xin nhưng khi tiếp xúc với các bệnh nhân vẫn mắc và tử vong nhiều. Do đó để đánh giá vắc xin hiệu quả đến đâu, cần phải có một sự nghiên cứu nghiêm túc. Đó là chưa kể trên thế giới nhiều nước đang đẩy nhanh tiêm mũi vắc xin thứ 3 cho người dân để mong đạt được hiệu quả miễn dịch cao nhất" - bác sĩ Hùng khuyến cáo.