Nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 ở Việt Nam rất cao
Trao đổi với PV vào sáng 28/4, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho hay, thời gian qua, tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt, khi cả nước đã qua hơn 30 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng, đời sống của người dân trở lại trong điều kiện bình thường mới.
Tuy nhiên, theo PGS Phu, như Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 đã phân tích trong các cuộc họp, gần đây nhất là ngày 27/4, thì nguy cơ dịch có thể bùng phát trở lại ở Việt Nam vẫn rất cao.
Lý do là nguy cơ dịch bệnh từ ngoài vào Việt Nam rất cao khi các nước láng giềng là Campuchia (có chung đường biên giới trên bộ, trên biển), Lào (có chung đường biên giới trên bộ), Thái Lan, đã và đang tăng nhiều số lượng người nhiễm Covid-19.
Nhiều ca nhập cảnh trái phép từ Campuchia mắc Covid-19 đã được phát hiện trong thời gian qua. Kết quả giải trình tự gene phát hiện các ca từ Campuchia về mang biến thể Anh và Nam Phi có tốc độ lây lan rất mạnh.
Đặc biệt, tại Ấn Độ, hiện số lượng người nhiễm Covid-19 đang tăng lên rất cao, các con số đưa ra đều "xô đổ" các kỷ lục của thế giới.
Bên cạnh đó, do việc kiểm soát được tình hình dịch bên trong thời gian qua đã dẫn đến một bộ phận người dân, cơ quan quản lý chủ quan, lơ là trong việc thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia y tế dự phòng này, việc quản lý các trường hợp trong khu cách ly, nếu không chặt chẽ, có thể có ca nhiễm với biến chủng lây lan tốc độ nhanh, dẫn đến nguy cơ ghi nhận ca mắc mới.
"Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài tới 4 ngày và nghỉ hè sắp tới là thời điểm người dân đi du lịch, di chuyển và tập trung đông người nên nguy cơ lây nhiễm sẽ càng cao, nhất là nếu người dân, cơ quan quản lý không thực hiện nghiêm túc 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế (khẩu trang, khoảng cách, khử khuẩn, không tụ tập, khai báo y tế)", ông Phu nêu.
Phân tích cụ thể hơn, ông Phu cho rằng, vì dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 4 ngày nên sẽ có nhiều lễ hội và địa điểm du lịch sẽ được tổ chức trên khắp cả nước.
Người dân của nhiều tỉnh, thành phố cùng tụ tập về các điểm lễ hội, khu du lịch, nên nguy cơ lây bệnh rất lớn nếu có ca bệnh trong cộng đồng.
"Hiện nay các triệu chứng lâm sàng khi nhiễm bệnh Covid-19 gần như rất khó phát hiện.
Trong dịp nghỉ lễ tới đây, với việc "vô tư" giao lưu của người dân, tiếp xúc với người lạ mà không biết ai mang nguy cơ, cũng như nếu kiểm soát lỏng lẻo tại các điểm lễ hội, khu du lịch sẽ khiến virus thâm nhập và lây lan nhanh, rộng sang nhiều tỉnh, thành phố cùng lúc, chứ không còn là 1-2 tỉnh như các đợt dịch trước.
Khi để lọt ca bệnh thì việc truy vết sẽ khó khăn và thậm chí có thể xảy ra để lọt mầm bệnh, dịch không bùng phát ngay mà thời gian sau mới xuất hiện
Bài học từ đợt bùng phát dịch ở Ấn Độ qua việc chủ quan, tụ tập đông người, không đeo khẩu trang ở lễ hội sông Hằng là ví dụ điển hình", PGS Phu đặt vấn đề.
Các khuyến cáo người dân cần thực hiện dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
Từ thực tế về các nguy cơ và ví dụ điển hình lây lan dịch bệnh qua lễ hội sông Hằng ở Ấn Độ, PGS Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân trong dịp nghỉ lễ này cần thực hiện nghiêm biện pháp 5K (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế) của Bộ Y tế.
Tại các khu nghỉ mát, khu du lịch, phố đi bộ... trên cả nước phải có khuyến cáo chống dịch, nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, sát khuẩn tay...
"Theo tôi, người dân nên chủ động mang theo các chai sát khuẩn tay khi đi chơi dịp nghỉ lễ để thường xuyên sát khuẩn và phải đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, hạn chế tối đa tiếp xúc đông người", ông Phu nêu.
Về việc người dân có nên ở nhà, dừng mọi hoạt động đi du lịch, chơi dịp nghỉ lễ này không, ông Phu cho hay, hiện ở Việt Nam chưa cấm việc đi lại hay giãn cách nên người dân vẫn có thể đi lại bình thường.
"Nếu hạn chế được việc đi lại là tốt nhất còn với những gia đình đã đặt, lên lịch đi du lịch, nghỉ ngơi, không bỏ được thì cần thực hiện nghiêm quy định 5K theo hướng dẫn.
Chúng ta cũng rất hoan nghênh các địa phương hủy bỏ các lễ hội, dừng bắn pháo hoa, dừng phố đi bộ để phòng dịch dịp này", ông Phu nói thêm.
Đối với các cửa khẩu, theo ông Phu cần tăng cường rà soát, ngăn chặn các trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp.
Các gia đình nếu có người thân từ Campuchia, Lào về cần kêu gọi nhập cảnh chính ngạch, không nhập cảnh bất hợp pháp, bắt buộc phải khai báo y tế, cách ly đúng quy định.
"Khai báo y tế giúp khi có ca nhiễm sẽ giúp truy vết được ngay. Đặc biệt nên hạn chế tiếp xúc giữa các nhóm người lạ với nhau", ông Phu nói thêm.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng nhấn mạnh, người dân cần thực hiện triệt để khuyến cáo 5 K của Bộ Y tế, trong đó 2 yếu tố quan trọng có thể quyết định làm giảm nguy cơ lây nhiễm Covid là đeo khẩu trang và sát khuẩn tay.
"Ở những lễ hội đông người, nếu không mang khẩu trang sẽ bị xử phạt một cách quyết liệt", ông Sơn nêu rõ.
Ông Sơn cũng đề nghị, các địa phương xây dựng "thế trận lòng dân" để quản lý, phát hiện kịp thời xuất nhập cảnh trái phép.
Theo đó, duy trì các tổ dân phố, nhóm phòng chống dịch biên giới "đi từng ngõ gõ từng nhà" để kịp thời phát hiện khi có người lạ. Các khu vực đông người như bến xe, nhà hàng khách sạn cần có những cam kết trong phòng chống dịch bệnh, phát hiện tố giác người lạ.