Hơn 10 năm nay, sông Cầu, nơi liền anh liền chị vùng Kinh Bắc giao duyên bằng những câu quan họ say đắm lòng người đang “chết mòn” bởi sự tàn phá, xả thải vô tội vạ từ nhiều nhà máy sản xuất quanh đây.
Cuối tháng 3/2021, nhóm PV Báo có chuyến khảo sát trên quãng đường khoảng 70km từ thượng nguồn sông Cầu chảy vào đất Bắc Ninh đến hạ nguồn.
Trái với vẻ đẹp bình lặng, thơ mộng và trù phú nơi đầu nguồn, đôi bờ là những cánh đồng xanh bát ngát, những con thuyền ngang dọc qua sông, khi đến đoạn sông đi qua phường Vạn An (TP Bắc Ninh), nơi có cống tiêu Vạn Phúc và cống tiêu Đặng Xá, chúng tôi không khỏi rùng mình.
Ngay khi mở cửa xe, đập vào mắt chúng tôi là những dòng chảy đen kịt từ trong bờ đổ ra lòng sông Cầu, mùi xú uế xộc thẳng vào mặt khiến ai nấy phải cau mày, bịt mũi.
Ông Trần Ngọc Sơn (phường Vạn An, TP Bắc Ninh) nhìn thấy nhóm phóng viên, vội nhanh chóng tiến đến. Người đàn ông tuổi thất thập thở dài ngao ngán: “Thế này thì làm sao mà chịu được. Giờ phải gọi là cái làng ung thư rồi chứ gì nữa. Chết vì ung thư nhiều lắm, ngày xưa chúng tôi làm gì chết nhiều đến vậy…”
Thẫn nhờ nhìn về phía dòng sông hôi thối, ông Sơn kể đây từng là bãi tắm ưa thích của ông và bạn bè thuở thiếu thời. Dòng nước ngày đó trong vắt, “còn nhìn thấy rõ cả lông chân”…
Nỗi bức xúc lâu nay dường như không có ai bày tỏ, ông Sơn kéo nhóm chúng tôi về nhà riêng. Một cảnh tượng khiến chúng tôi hãi hùng, bể chứa nước của gia đình ông bám đầy thứ cặn nhầy đen, mùi nước lờ lợ bốc lên đáng sợ.
Theo ông Sơn, phải qua hai lần lọc, từ nguồn nước của nhà máy nước sạch sông Cầu vào bể lọc lần một, rồi thông qua hệ thống máy lọc mà nhà ông mua thêm, gia đình mới tạm yên tâm để sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày.
Kinh khủng hơn, mỗi khi gió thổi hoặc mưa nồm ẩm, thứ mùi hôi thối lại len lỏi vào từng ngôi nhà, từng căn phòng khiến người dân tại khu vực này phải… đeo khẩu trang đi ngủ.
Rời phường Vạn An, chúng tôi tìm đến khu vực nhiều hộ dân nuôi cá trên dòng sông Cầu tại xã Dũng Liệt (huyện Yên Phong, Bắc Ninh).
Người dân nơi đây cho biết, trong khoảng thời gian từ 27/1 đến 1/2, hơn 100 lồng nuôi cá của 38 hộ dân đồng loạt ngửa bụng chết trắng, thiệt hại đến cả chục tỷ đồng.
Gia đình anh Phạm Văn Khải (thôn Lương Cầm, xã Dũng Liệt) có 5 lồng nuôi cá trắm và diêu hồng. Chỉ trong 2 ngày, hơn chục tấn cá sắp đến ngày thu hoạch phải đổ bỏ, thiệt hại hơn 500 triệu đồng. Có nhiều gia đình cá chết sạch không còn lại gì.
Nét bần thần, mệt mỏi hiện rõ trên gương mặt những người nông dân nơi đây bởi mọi chuyện diễn ra quá nhanh. Những dự định về số tiền để dành trang trải cho việc học của con cái, sửa lại nhà cửa đều tan theo mây khói.
“Giờ đây, vốn liếng trôi hết không còn khả năng trả nợ, đến cả sinh hoạt hàng ngày e rằng còn khó xoay xở”, anh Khải lắc đầu ngao ngán.
Lý giải về nguyên nhân cá lồng chết hàng loạt, ngành chức năng huyện Yên Phong kết luận lượng oxy tại lồng nuôi đo được chỉ từ 0,30 – 0,35 mg/l. Trong khi để đảm bảo môi trường cho cá phát triển, sinh trưởng tốt thì hàm lượng oxy phải trên 4mg/l; thấp hơn 1mg/l đã khiến cá chết hàng loạt.
Đây không phải là lần đầu tiên gia sản của nhiều hộ nuôi cá “bỗng dưng tan biến”. Tháng 3/2020, cá nuôi của nhiều hộ dân cũng đồng loạt ngửa bụng chết trắng, nhưng số lượng ít hơn lần thiệt hại này. Nguyên nhân cũng do nguồn nước ô nhiễm của sông Ngũ Huyện Khê đổ ra sông Cầu khiến cá và các loại thủy sinh khác không thể sống nổi.
Không chỉ cá trong bè chết, thủy sản tự nhiên của dòng sông Cầu cũng theo đó ra đi. Người dân làng chài ven sông Cầu chỉ biết lắc đầu chua xót, các thế hệ từ ông cha họ đã mưu sinh trên dòng sông này, dòng sông đã nuôi nấng họ hàng trăm năm qua, nhưng đến giờ kiếm đủ bữa ăn từ con tôm, con tép đã là điều xa xỉ.
Rời khỏi khu vực nuôi cá, nhóm phóng viên tiếp tục hành trình đi tìm sự trù phú hai bờ sông Cầu nhưng kết cục cũng chẳng khá hơn.
Vừa cấy xong phần ruộng của gia đình, chị Nguyễn Thị Oanh (khu Châm Khê, phường Phong Khê, Bắc Ninh) lắc đầu ngao ngán: “Có khi chỉ cố nốt vụ này thôi, nước bẩn thế này ăn vào khéo còn bệnh thêm”.
Chị Oanh và nhiều gia đình khác ở khu vực này bao năm nay sống nhờ đồng ruộng. Thế nhưng nguồn nước tưới tiêu được dẫn về từ sông Ngũ Huyện Khê khiến nhiều bà con khiếp đảm khi bốc mùi hôi thối và gây ngứa ngáy chân tay khi làm ruộng.
Nguồn nước không đảm bảo khiến bà con nông dân không khỏi lo lắng cho sức khỏe gia đình. Không ít nhà buộc phải bỏ ruộng vườn, nhà nào cố gắng cày cấy rồi cũng bán thóc đi chứ không… dám ăn.
"Nhiều nhà gặt xong rồi cũng đem thóc đi bán rồi mua gạo ở nơi khác về ăn", chị Oanh nói rồi xua tay chỉ toàn bộ cánh đồng được tưới bằng thứ nước đen ngòm.
Cùng tình cảnh với chị Oanh, bà Lê Thị Xoa (khu Châm Khê, phường Phong Khê) là một trong những hộ dân hiếm hoi vẫn còn cố gắng bám ruộng, bám đồng. Bà Xoa kể, việc làm đồng của bà con bây giờ khó khăn hơn xưa do phải hít thứ mùi hôi thối và chạm vào thứ nước gây ngứa ngáy da mỗi khi ra đồng.
Cuộc sống nông dân đã vất vả vì "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", nay càng khó khăn vì nỗi ám ảnh mỗi khi nghĩ tới việc ra ruộng chăm bón cây. Ở đây giờ chỉ còn những người nghèo, không đủ khả năng nên phải cắn răng chấp nhận sống chung với thứ nước “tử thần” này.
“Ngày xưa ở đây nhiều tôm cua cá lắm, cua bò đầy lên gốc rạ, bắt không xuể ấy chứ. Nhưng bây giờ các chú nhìn đi, còn con gì nó sống được trên đồng này nữa đâu”, bà Xoa thở dài nhìn về cánh đồng không còn người cấy.
Chúng tôi tiếp tục đi theo con đường dọc khu làng nghề giấy Phong Khê (TP Bắc Ninh) qua các nhà xưởng sản xuất giấy đã xuống cấp với những kiện giấy chất đống, những âm thanh nặng nề của máy móc phát ra từ những nhà xưởng tối tăm.
Con đường trải một lớp dầu đen loang lổ, hòa cùng với nước mưa, bùn đất, khúc cây và rác ngổn ngang chất từng đống hai bên đường. Xe tải nối đuôi nhau chạy không nghỉ trên con đê dẫn vào các khu xưởng.
Hàng trăm nhà máy sản xuất, tái chế giấy hoạt động ngày đêm khiến ngôi làng nhuộm màu xám xịt. Những cột khói đen ngòm và đặc quánh xả vào bầu trời, hệ thống đường ống như chùm vòi bạch tuộc xả thẳng nước thải ra sông khiến dòng nước đen sủi bọt nổi váng dầu.
Chỉ quan sát bằng mắt thường cũng không khó để nhận ra ở con sông Ngũ Huyện Khê này, không loài thủy sinh nào có thể sống được.
Hơn 100 đường ống xả thải cùng hàng chục ống cống lộ thiên đang hoạt động công khai và ngang nhiên. Những ai mới đến đây lần đầu đều không thể chịu được mùi từ thứ nước thải đen đặc.
“Bao nhiêu chất thải từ những nhà máy đều thải thẳng ra sông cả, chả có biện pháp gì để xử lý... Biết là độc hại chứ, nhưng vì miếng cơm manh áo nên không biết làm gì”, anh Dương Văn Thêm - một công nhân đang làm việc tại đây thừa nhận.
Người đàn ông này cũng hiểu rằng việc anh làm là sai luật và thứ nước thải này ảnh hưởng khủng khiếp như nào đến sức khỏe, nhưng vì mưu sinh anh phải đành “nhắm mắt làm ngơ”.
Anh Duyến, một người làm thuê khác tại làng nghề giấy Phú Lâm cho biết: “Các công ty họ bơm trực tiếp nước thải ra sông qua các vòi, làm gì có qua xử lý gì đâu. Việc này có từ ngày xưa rồi chứ không phải bây giờ mới xuất hiện. Cũng thỉnh thoảng thấy công an môi trường về kiểm tra nhưng chẳng thấy có vấn đề gì, họ vẫn thường xuyên xả chất thải ra sông, mà mắt thường cũng có thể nhìn thấy”.
Theo người dân ở khu vực làng nghề Phong Khê và Phú Lâm, họ đã phản ánh tình trạng ô nhiễm lên khắp các nơi, các ngành, các cấp… Nhiều đoàn khảo sát về đo đạc, quan trắc, nhiều báo đài về quay phim, chụp ảnh nhưng các đoàn cứ về rồi lại đi, bỏ lại đằng sau vẫn là sự ô nhiễm ngày một tồi tệ hơn.
Thêm thông tin
https://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3132470