(HNMCT) - Đã 20 năm kể từ ngày người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn rời cõi tạm nhưng với những người yêu nhạc, mọi thứ về ông vẫn sống động, ấm áp. Rất nhiều đêm nhạc lớn nhỏ được tổ chức để kỷ niệm ngày mất của ông với nhiều màu sắc khác nhau, cho thấy sức sống của nhạc Trịnh và cả những nỗ lực sáng tạo để đưa âm nhạc của ông đến với nhiều thế hệ.
Vẫn ở quanh đây...
Đã thành thông lệ, những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4, rất nhiều không gian âm nhạc lớn nhỏ, những đêm nhạc, chương trình, sự kiện được tổ chức để tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tối 1-4, đúng ngày ông ra đi, ngay tại ngôi nhà mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng sinh sống trên đường Phạm Ngọc Thạch (thành phố Hồ Chí Minh), nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, từng gắn bó với ông và cả âm nhạc của ông như Hồng Nhung, Quang Dũng, Cẩm Vân, Trần Mạnh Tuấn... đã tổ chức đêm nhạc “20 năm nhớ Trịnh Công Sơn”. Không phải là chương trình biểu diễn nghệ thuật hoành tráng nhưng đêm nhạc thực sự đã lan tỏa cảm giác ấm áp tới những người yêu nhạc Trịnh, nhớ tới ông một cách gần gũi, giản dị.
Và có thể thấy, đây cũng là tinh thần chủ đạo xuyên suốt của những đêm nhạc gợi nhớ về ông trong những ngày qua dù những chương trình này được tổ chức bởi nhiều ê kíp khác nhau, ở nhiều địa điểm khác nhau. Đó có thể là những đêm “Thao thức cùng Trịnh” - chương trình đã được tổ chức suốt mười mấy năm liên tục tại nghĩa trang Gò Dưa (thành phố Thủ Đức), nơi nhạc sĩ an nghỉ. Có thể là những đêm nhạc tại Đà Lạt, Huế, Hà Nội... mà ở đó, các nghệ sĩ hát và tâm sự, kể những câu chuyện về ông, về cách mà âm nhạc của ông đã lay động tâm hồn họ. Ca sĩ Lô Thủy chia sẻ: “Với Thủy, 20 năm qua nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chưa bao giờ mất. Ngày nào tôi cũng hát nhạc ông, hát với lòng biết ơn vì cõi nhạc của ông quá rộng lớn, từ bi, thanh khiết, hát lên niềm đau để xoa dịu những nỗi đau”.
Một trong những sự kiện đáng chú ý năm nay là dự án phim “Em và Trịnh” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Bộ phim có kinh phí sản xuất lên tới 50 tỷ đồng, thời gian quay phim lên tới 5 tháng, bối cảnh trải dài ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Hóa thân vào vai diễn Trịnh Công Sơn, Nghệ sĩ Ưu tú Trần Lực chia sẻ rằng đây là vai diễn trong mơ của anh: “Được hóa thân vào vai Trịnh quả là tuyệt vời và thú vị, tôi sẽ được sống với những niềm vui, nỗi buồn, những được mất của người nhạc sĩ tài ba mà mình ngưỡng mộ”. Và, người hâm mộ sắp có cơ hội được thấy lại hình ảnh người nhạc sĩ tài hoa trên màn ảnh rộng, được chứng kiến những câu chuyện đã trở thành giai thoại, gắn với cuộc đời và âm nhạc của ông, đặc biệt là trong giai đoạn hoạt động đầy sôi nổi từ năm 1960 đến năm 1990.
Nguồn cảm hứng
Những sự kiện được tổ chức liên tiếp vừa cho thấy vị trí đặc biệt của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong lòng công chúng, vừa cho thấy âm nhạc của ông thực sự là nguồn cảm hứng cho những sáng tạo, tìm tòi. Bên cạnh những giọng ca, cách thể hiện đã quen thuộc là việc tìm tòi cách thể hiện mới của những nghệ sĩ trẻ để đưa nhạc Trịnh tiếp cận rộng hơn với khán giả hôm nay.
Chẳng hạn như trong đêm nhạc “Như cánh vạc bay” do Trung tâm Phát thanh và Truyền hình Quân đội tổ chức vào tối 31-3, khán giả được nghe nhiều giọng ca trẻ với những cách tìm tòi, thể hiện nhạc Trịnh mới lạ. Ca sĩ Tố Hoa, giải Nhất dòng nhạc thính phòng Sao mai 2017 chia sẻ, nhạc Trịnh là dòng nhạc khác lạ so với âm nhạc mà cô vẫn theo đuổi xưa nay, nhưng khi thể hiện những ca khúc của nhạc sĩ, cô cảm thấy vô cùng xúc động và mong muốn có thể truyền được cảm xúc đó tới khán giả. Và giọng ca “họa mi” của cô đã mang đến cho người nghe những cung bậc nhạc Trịnh giàu chất thính phòng, cao vút và trong trẻo.
Cũng trong đêm nhạc này, khán giả được nghe giọng ca Hà Lê, người đã “khoác một chiếc áo mới cho nhạc Trịnh” mà xung quanh những thể nghiệm táo bạo của ca sĩ gốc Hà Nội này không phải là không có những ý kiến trái chiều. Nhưng, như nhạc sĩ Phạm Hải Âu nhận xét: “Hà Lê mang lại cảm nhận mới lạ cho những người yêu nhạc Trịnh của thế hệ trước, còn những bạn trẻ nay đã có cách tiếp cận gần gũi với một trong những kho tàng âm nhạc vĩ đại nhất Việt Nam”.
Khó có thể liệt kê hết những tìm tòi, sáng tạo của các nghệ sĩ trẻ với nhạc Trịnh và chính sự tìm tòi, thể nghiệm mới liên tục ấy là điều cần có đối với bất cứ dòng nhạc nào nhằm nối dài sức ảnh hưởng trong đời sống âm nhạc hiện nay.