(HNMCT) - Có những tuổi thơ được lớn lên trong bao bọc và yêu thương, nhưng cũng có những trẻ gặp phải biến cố khiến tâm hồn và thể xác tổn thương. Trong “Khu vườn của Jenny” của tác giả Trần Phương Hoa (NXB Thế giới), cô bé Jenny đã sống những năm tháng hạnh phúc. Cho đến một ngày, khi cô bé một mình tự mở cửa xuống vườn chơi đã bị xâm hại. Từ đó, nỗi ám ảnh khiến cô bé không bao giờ bước chân xuống vườn nữa, sợ đám đông, sợ người lạ, tận cho đến khi lớn lên.
Khu vườn nhà Jenny từ ngày cha mẹ cô chuyển về sống ở trang trại, cũng xác xơ, hoang vắng, cỏ dại phủ kín như chính khu vườn trong tâm hồn cô. Biến cố tuổi thơ đã trở thành sợi xích giữ chặt lấy Jenny, để ngay cả khi cô đã đi qua một chặng đường dài trong sự nghiệp, khi đã đạt phần lớn các mục tiêu, tự làm chủ cuộc sống của mình thì Jenny mới nhận ra “những sợi xích vẫn còn đó, len lỏi trong tiềm thức, trói buộc những phần sâu thẳm nhất, khiến vương quốc tâm trí mà tôi tưởng mình được cai quản với quyền lực tối cao hóa ra chỉ là một nhà tù khổng lồ, giam tôi trong sự cô đơn mà ngay cả chính tôi đôi khi cũng không tự nhận ra”.
Tác giả Trần Phương Hoa đã khéo léo dẫn dắt độc giả đi thăm khu vườn nhà của Jenny thông qua cuộc trò chuyện với chú mèo già Galant. Thăm vườn nhà, cũng chính là bước vào căn hầm tâm hồn Jenny với hành trình từ lúc bé thơ đến khi trưởng thành. Từng mảnh cuộc đời Jenny dần dần được ghép nên, từ căn hầm tối nơi cô bé trốn tránh cuộc đời, trốn tránh mọi người khi thơ bé đến những năm theo cha mẹ sang sống ở Liên Xô (cũ) mà 3 năm trong lớp cô không nói một câu nào; khi học đại học và làm việc như một cái máy tại Pháp... và cuối cùng là những nỗ lực bước ra khỏi vách ngăn tăm tối của chính mình, hướng về phía ánh sáng: “Cô đã biết mình phải làm gì. Giờ đây cô đã có thêm một niềm tin mới. Cô sẽ tự do và hạnh phúc”.
Ai đó từng nói “chiến thắng vĩ đại nhất là chiến thắng chính bản thân mình”. Câu chuyện của Jenny chính là hành trình chiến thắng bản thân, chiến thắng những ám ảnh, sợ hãi, cô đơn của quá khứ đè nặng: “Tôi cũng sẽ chăm sóc lại khu vườn của chính mình để nó lại đẹp như ngày nào. Tôi đã bỏ bê nó quá lâu. Cây dại đã che mắt khiến tôi không còn nhìn thấy hạnh phúc hiện hữu như ngày nào. Cha mẹ đã tạo ra và chăm sóc nó khi tôi còn nhỏ. Giờ đây trách nhiệm của tôi phải là người tiếp tục làm nó đẹp hơn. Không ai ngoài tôi có thể làm tốt được điều đó”.
Viết về những tổn thương, nhưng tác giả Trần Phương Hoa không chọn cách viết trần trụi, khốc liệt. Bước vào “Khu vườn của Jenny” là một cảm giác rất nhẹ nhàng, tràn đầy bất ngờ và không thôi hy vọng. Con đường đưa Jenny từ căn hầm tối tăm của quá khứ tới khu vườn ánh sáng của ngày hôm nay cũng sẽ là nguồn năng lượng tích cực truyền tới độc giả, đặc biệt là với những ai từng không may mắn trong đời. Vượt qua định kiến, tác giả Trần Phương Hoa đã can đảm sẻ chia bí mật riêng tư nhuốm màu cay đắng của chính mình, như một lời cảnh tỉnh để mỗi chúng ta tự nhìn nhận lại trách nhiệm của mình đối với những đứa trẻ, với xã hội, và với bản thân.
Nguồn hanoimoi.com.vn
http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/995152/tim-lai-anh-sang-khu-vuon-tam-hon